Người phụ nữ quyết trốn nhà “đi trại”

Người phụ nữ quyết trốn nhà “đi trại”

Thứ 5, 27/12/2012 23:51

Gắn bó với Trung tâm Bảo trợ Xã hội 2 (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội) đã mười năm, với chị Đ.T. H. (SN 1980), nơi đây giống như một xã hội thu nhỏ.

Ở đó, chị tìm được những lý do rất riêng để được sống là chính mình. Nhiều người bảo chị hâm vì tốt nghiệp loại ưu tại trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ khoa Tiếng Anh có nhiều cơ hội việc làm tốt nhưng bản thân chị lại chọn điểm dừng ở công việc giáo dục những người nghiện ma túy, mại dâm. Thậm chí là cả những nguời nhiễm HIV bị cả xã hội kỳ thị và xa lánh. Chị H. ngày đêm giúp họ phục hồi nhân phẩm để tái hòa nhập xã hội.

Pháp luật - Người phụ nữ quyết trốn nhà “đi trại”

Các em nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 đang tập văn nghệ với sinh viên tình nguyện.

Đứa con “hâm” của dòng họ

Gương mặt của người phụ nữ ấy không thực sự xinh đẹp, nước da ngăm ngăm với bộ đồng phục quần đen áo trắng của một cán bộ quản lý giáo dục khiến chị trông bề ngoài thật bình dị. Nhưng khi chị cất lời nói lên thì tôi phải đặc biệt chú ý. Giọng chị ấm, thuyết phục và truyền cảm khiến người đối diện phải chú ý lắng nghe như muốn “nuốt” từng lời.

Chị H. sinh ra và lớn lên ở thị xã Sơn Tây (nay là TP. Sơn Tây, Hà Nội). Dòng họ nhà chị là một dòng họ có tiếng ở khu vực với truyền thống làm ăn buôn bán từ mấy đời trước. Đặc biệt, dòng họ này rất phát đạt trong việc kinh doanh vàng bạc, đá quý. Việc chị theo học Đại học và có uớc mơ làm công chức đã là một sự “lập dị” so với gia đình, dòng họ. Tuy nhiên vì yêu con, thương cháu mà mọi người trong gia đình đã miễn cưỡng cho chị theo đam mê của mình.

Tốt nghiệp Đại học loại ưu vào năm 2002, cơ hội làm một cô giáo dạy học ở gần nhà đến nhưng chị lại từ chối. Duyên cớ là một lần chị đi theo bạn của bố mẹ lên Trung tâm Bảo trợ Xã hội 2, gặp và tâm sự với những mảnh đời đã một đôi lần lầm đường lạc lối. Sau lần đó, chị thấy họ rất cần một điểm bấu bứu để vượt qua những mặc cảm và trở lại với cuộc sống đời thường.

Chính điều đó đã dấy lên trong chị niềm thương cảm mãnh liệt với những thân phận, những mảnh đời và mong muốn cảm hóa con người để họ trở về làm những công dân có ích cho xã hội. Chị đã quyết định từ bỏ mọi cơ hội việc làm tốt khác để vào trung tâm với đồng lương ba cọc ba đồng và một cuộc sống hết sức khó khăn. Khi nói về công việc của mình đến bây giờ, chị chỉ biết nghĩ đó là do duyên nghiệp.

Những ngày đầu khi trung tâm mới thành lập, cuộc sống của cán bộ nơi đây hết sức khó khăn. Con đường đi vào trung tâm cũng phải đi đường vòng mất cả nửa ngày trời. Hơn thế nữa, nhiều học viên được thu nhận về trung tâm khi đã nhiễm HIV, mà ngày đó chưa có thuốc kháng ARV như bây giờ nên sự kỳ thị về căn bệnh thế kỷ rất lớn. Nhưng vượt lên trên tất cả, chị H. vẫn lấy sự cảm hóa con người làm niềm vui cho riêng mình.

Chị H. kể: “Gia đình mình phản đối nhiều lắm. Ai cũng bảo mình bị hâm. Chọn một công việc vừa không có tiền, vừa eo hẹp về thời gian chăm sóc gia đình. Hơn nữa, lại nguy hiểm vì tiếp xúc với nhiều đối tượng là mặt trái của xã hội”. Một tuần chị H. phải ngủ lại trung tâm từ 3 – 4 buổi tối. Ngày còn chưa lấy chồng, mọi người trong nhà phản đối đã đành nhưng khi đi làm dâu, gia đình nhà chồng cũng một mực phản đối. Nhiều cơ hội thay đổi công việc đến nhưng chẳng hiểu sao chị lại không đành lòng dứt áo ra đi được.

Cuộc sống của một người phụ nữ làm quản lý tại trung tâm bảo trợ xã hội đã lấy đi của chị rất nhiều thời gian riêng tư. Chị nói vui với chúng tôi rằng: “Với một người phụ nữ, có hai điều thích thú là được đi Spa và Shopping. Thế nhưng với tôi những điều đó là vô nghĩa và trở nên không phù hợp”. Người phụ nữ này cho biết, ở đây họ phải mặc đồng phục cả ngày, tối về lại mặc đồ ngủ ở nhà, cuối tuần thì muốn dành thời gian chăm sóc cho con cái.

Chị H. luôn tự nhủ vì mình đang làm việc trong một môi trường giáo dục đặc biệt nên quần áo luôn phải chỉn chu. Thậm chí không được phép thể hiện tình cảm cá nhân trước mặt các học viên. Học viên ở đây đều là những người có những biến chứng nhất định về tâm lý. Hàng nghìn cái đầu là hàng nghìn suy nghĩ. Chính vì vậy, việc cư xử của các cán bộ là hết sức quan trọng”.

Đối với những người như chị H. ở trung tâm bảo trợ xã hội không chỉ là những người quản lý mà còn là những chuyên gia tâm lý. Thậm chí họ phải là bạn, là mẹ, là vợ của các học viên để tâm sự, để sẻ chia, để cảm hóa. Tùy vào từng đối tượng, từng hồ sơ mà phải có cách cư xử sao cho khéo léo và cảm hóa được những nhân phẩm đã bị lệch lạc hoặc vô tình đánh rơi trên dòng đời.

Chị H. còn nhớ trường hợp của một đối tượng vào cai nghiện bị sang chấn tâm lý nặng tên là V. Đối tượng này vào trung tâm với những cơn nghiện kéo dài và một sự tổn hại về tâm lý khá lớn. Trong 15 ngày đầu vào trung tâm, V. được đưa vào phòng cắt cơn nhưng anh ta thì run rẩy một cách đáng sợ. Chị có được chỉ đạo tiếp xúc với người đàn ông này nhưng mất cả tuần trời, hai cô trò không thể nói chuyện được với nhau. V. không nói chuyện với bất cứ ai, chỉ run suốt cả ngày và sẽ càng run mạnh hơn nếu như nguời tiếp xúc với mình.

Chị H. nhớ lại: “Có những ngày V. lên phòng tôi ngồi cả mấy tiếng đồng hồ mà hai cô trò chỉ nhìn nhau không nói. Trường hợp sang chấn tâm lý do sốc thuốc khi vào trung tâm này suốt 10 năm qua tôi gặp cũng đã nhiều. Nhưng trường hợp của V. thì quả là đặc biệt. Phải mất gần 10 ngày sau tôi mới có thể nói chuyện và đưa V. về trạng thái bình thường để cai nghiện”.

Chị H. còn cho biết thêm, có nhiều hôm đã 1-2h sáng, bỗng nhiên có học viên khóc thét, đòi tự tử. Chị lại phải xuống nói chuyện, tâm sự cả đêm để làm nguôi đi cái ý định đó. Sáng hôm sau mệt bã người nhưng chị vẫn phải đi chăm sóc các học viên khác.

Cả gia đình đón giao thừa bằng cột đèn cao áp

Chị H. luôn cảm thấy có một may mắn rất lớn trong cuộc sống của mình đó là tìm được một người chồng đồng cảm với công việc. Chồng chị cũng là một cán bộ bên trung tâm số 4, ngay cạnh trung tâm chị. Tuy cách nhau một đoạn đường không xa nhưng mỗi người một chiến tuyến. Hai con chị hoàn toàn là nhờ sự chăm nom của ông bà hai bên nội ngoại. Vẫn cái giọng hài hước và truyền cảm, chị nói đùa với chúng tôi: “Anh chị em trong trung tâm thường đùa với nhau rằng: Cứ mải miết giáo dục cho thiên hạ như thế này rồi khi về nhà con gọi mẹ bằng cô, gọi bố bằng chú vì bỏ bê chúng nó”.

Chị H. chia sẻ: Đã 10 năm nay, vợ chồng chị chưa có được một cái Tết nào trọn vẹn bên nhau. Công việc ở trung tâm bắt buộc phải có người quản lý trực 24/24. Vậy là hàng năm, cứ vào đêm giao thừa, chị ở trung tâm số 2, còn chồng ở trung tâm số 4, hai đứa con một đón giao thừa với ông bà nội, một sang với ông bà ngoại. Chỉ đến ngày mùng 2, mùng 3 Tết, anh chị hết ca trực mới lại về với các con.

Năm nào cũng vậy, khi thời khắc giao thừa đến, chồng chị lại gọi điện cho chị từ bên trung tâm số 4 nói vui với vợ rằng: “Em hãy nhìn vào cây đèn cao áp hướng nhà mình nhé. Cả nhà mình sẽ tập trung đón giao thừa”.

Thu Nhung


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.