Khổ vì... sạch
Các cơ quan chức năng của chính phủ Thụy Điển đang trong quá trình thương thảo với Na Uy để nhập khẩu một số lượng lớn rác thải của nước này. Chuyện nghe có vẻ nực cười, bởi rác thải là thứ mà nước nào cũng muốn tống khứ đi cho rảnh chứ không ai muốn rước về làm gì. Nhưng đây hoàn toàn là một vấn đề nghiêm túc, nếu biết rằng cuộc sống của người Thụy Điển ngày nay đang phụ thuộc khá nhiều vào những thứ bỏ đi này.
Điện, hơi ấm của người dân Thụy Điển từ đây mà ra.
Hơn 25% trong tổng số khoảng một triệu hộ gia đình Thụy Điển đang được sưởi ấm nhờ các nguồn nhiệt lấy từ các nhà máy đốt rác thải. Điện sinh hoạt của họ cũng từ các nhà máy nhiệt điện đốt rác mà ra. Từ nhiều năm nay, đất nước Bắc Âu này đã vươn lên dẫn đầu thế giới về tái chế, tái sử dụng rác thải với tỷ lệ đáng thèm muốn.
Chính xác là có tới 96% rác sẽ được tái chế, chỉ 4% được đem chôn lấp. Tính theo đầu người, trung bình mỗi năm một người Thụy Điển chỉ chôn lấp khoảng 7kg rác, trong khi con số này ở người Anh là 260kg. Là một đất nước lạnh giá, nên biện pháp tái chế rác ưa thích của người Thụy Điển là đốt. Đốt để sản xuất nhiệt điện, đốt để cấp nhiệt cho hệ thống sưởi ấm.
Người dân nước này đã quá quen và phụ thuộc vào nguồn năng lượng vừa sạch vừa rẻ này từ lúc nào không hay. Nhưng thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, tiêu thụ các vật liệu, sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần cũng khiến tỷ lệ rác thải trên đầu người của quốc gia này thuộc hàng thấp nhất thế giới. Và điều trớ trêu đã nảy sinh chính từ sự sạch sẽ quá mức ấy: Thiếu rác.
Năm 2012 vừa qua, châu Âu hứng chịu một mùa đông rét kỷ lục, và người Thụy Điển thấm thía hơn ai hết cái rét ấy. Bởi các lò đốt rác để sưởi ấm của họ chỉ hoạt động cầm chừng. Lần đầu tiên kể từ khi vận hành, những cơ sở này đã phải đốt kèm dầu mới đủ nhiệt cấp cho hệ thống sưởi trung tâm. Lý do là không có đủ rác để đốt. Các xe thu gom rác luôn trong tình trạng non tải. Nguồn rác phát thải trong nước không đủ cho những nhu cầu tái sử dụng. Và các nhà lãnh đạo nước này không còn lựa chọn nào khác là phải nhập khẩu rác.
881.000 tấn rác đầu tiên đã được nhập khẩn cấp từ nước láng giềng Na Uy. Xem ra, đây là một thương vụ rất hời cho cả hai nước. Người Thụy Điển lại có đủ nhiên liệu đặc biệt để vượt qua mùa đông khắc nghiệt, mà họ lại còn nhận được tiền. Na Uy phải trả phí xử lý rác cho Thụy Điển. Các thành phần không thể tái chế, chứa chất độc hại cũng sẽ bị trả về chôn lấp tại Na Uy, chứ người Thụy Điển không phải mất thêm một mét vuông đất nào để chứa chấp chúng. Na Uy cũng được hưởng lợi từ nhu cầu kỳ quặc của người hàng xóm này.
So với việc tự tái chế rác thì số tiền mà họ phải trả cho Thụy Điển nhỏ hơn nhiều. Lượng rác cần chôn lấp nhận lại cũng thấp hơn nếu họ tự làm, vì trình độ tận dụng của người Thụy Điển đã thuộc hàng vô đối. Ngoài ra, môi trường Na Uy cũng sạch sẽ hơn khi tống khứ đi được hàng triệu tấn rác thải. Đúng là lợi cả đôi bên.
Hàng năm, hơn ba chục lò thiêu hủy đặt trên lãnh thổ Thụy Điển tiêu thụ tới 5,5 triệu tấn rác, chất thải, trong đó 20%, tương đương khoảng một triệu tấn phải nhập khẩu, chủ yếu từ Na Uy và Anh Quốc, hoặc từ Ý, nơi mà nhiều thành phố đang phải đối mặt với một khối lượng rác và chất thải khổng lồ. Đầu năm nay, 3.000 tấn rác của thành phố Napoli đã được chuyển tới Thụy Điển.
Khối lượng rác, chất thải được dùng làm nhiên liệu sản xuất nhiệt và điện đã tăng gấp ba lần kể từ năm 1990 và được dự báo là sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2030. Triển vọng này gây lo ngại. Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để xử lý chất thải là tái chế. Hoạt động tái chế giấy, nhựa và kim loại tại Thụy Điển tương đối phát triển nhưng bị đình trệ trong những năm gần đây vì lý do kinh tế : Tái chế tốn kém hơn là thiêu hủy.
Trong khi đó, việc tái sử dụng các chất hữu cơ lại được đẩy mạnh: Phần lớn các khu đô thị Thụy Điển đều có hệ thống thu thập rác thực phẩm để sản xuất khí sinh học, chủ yếu để chạy xe bus.
Phân loại từ đầu nguồn giúp Thụy Điển tái chế được hầu hết rác thải.
Sẽ "xơi" cả rác đại dương?
Không dừng lại ở việc làm sạch hộ nhà hàng xóm, Thụy Điển đang nhắm tới một nguồn rác giá rẻ khác: Rác trên các đại dương. Từ hàng thập niên nay, trên Thái Bình Dương đã xuất hiện các hòn đảo mới những tảng rác khổng lồ kết lại với nhau, trôi lang thang vô định, tàn phá nặng nề hệ sinh thái những nơi chúng ghé thăm. Đã có rất nhiều các cuộc hội thảo quốc tế, những cuộc họp liên chính phủ để tìm cách xử lý những núi rác trôi khổng lồ này.
Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có biện pháp căn bản nào được tìm ra. Hàng ngày, các quốc gia ven biển vẫn đổ hàng triệu tấn rác vào lòng đại dương. Hàng tỉ lượt tàu thuyền di chuyển trên mặt biển mỗi năm cũng là thủ phạm gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường biển này. Để rồi chính các nước có bờ biển lại đang phải hứng chịu hậu quả ngày càng rõ nét.
Nguồn hải sản ven bờ bị suy giảm, những bãi tắm vắng bóng du khách và thay vào đó là rác theo những cơn sóng leo vào bờ. Khi Thụy Điển đánh tiếng tỏ vẻ quan tâm đến nguồn rác này, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của cộng đồng quốc tế.
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển, việc tiếp cận các núi rác trên biển sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là nhập khẩu các nguồn rác thải trên lục địa. Vị trí địa lý của nước này không thuận lợi cho việc thu gom. Để tiếp cận các đảo rác, họ sẽ phải đi vòng một hải trình dài.
Dù vậy, đất nước của những người nghiện rác này tỏ rõ rằng họ quyết không chịu bó tay. Một số phương án được đưa ra, trong đó khả thi nhất là Thụy Điển sẽ tái chế rác đại dương tại Mỹ. Ngoài khơi quần đảo Hawaii là cả một chuỗi đảo rác bập bềnh, chúng càng trở lên dày đặc hơn kể từ năm 2009. Hòn đảo du lịch nổi tiếng này của Hoa Kỳ đang có nguy cơ bị ô nhiễm nặng nề.
Theo phương án mà một nhóm các nhà khoa học Thụy Điển đề ra, Thụy Điển sẽ thu gom và tái chế đám rác phiền toái đó. Người Mỹ sẽ phải trả tiền cho việc này. Các con tàu lớn chứa dây chuyền xử lý rác thải của Thụy Điển sẽ đi theo các đảo rác, thu gom và tái chế chúng. Lượng rác thải tái sử dụng được sẽ được nén ép thành bánh, đóng vào các container và vận chuyển vào lục địa.
Nếu Hoa Kỳ chấp nhận sử dụng, họ sẽ được trừ bớt tiền phải trả cho Thụy Điển, vì đã góp công xử lý rác. Bằng không, những container này sẽ được đưa thẳng về quốc gia Bắc Âu, nơi mà rác đang là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây.
Dù hiện giờ phương án này còn đang được hai chính phủ xem xét, nhưng các nhà khoa học và kinh tế đều tin tưởng khả năng hợp tác của hai nước là rất cao. Cũng giống như quan hệ xuất nhập khẩu rác giữa Thụy Điển và Na Uy, đây sẽ là sự cộng tác đôi bên cùng có lợi, không những về kinh tế mà còn cả trên yếu tố bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe.
Việt Nam có thể học tập được gì? Trong một chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển, ông Olle Engstrom - Điều phối viên về Tái chế chất thải của thành phố Boras (Thụy Điển), cho rằng mô hình về phát triển đô thị xanh của Boras có khả năng áp dụng cho TP.HCM là khá cao do có nhiều tương đồng. Hiện Boras có hệ thống xử lý chất thải tối ưu: Rác từ các hộ gia đình được thu gom và chuyển thành khí sinh học phục vụ các phương tiện giao thông, hệ thống sưởi ấm hoặc làm mát và điện sinh hoạt, giúp môi trường có chất lượng tốt hơn. Giải pháp Thụy Điển "một hệ thống" gồm các biện pháp: Giảm phát thải (trách nhiệm của nhà sản xuất), tái sử dụng rác (từ hộ gia đình), tái chế rác (có cơ chế khuyến khích) và rác còn lại chuyển thành năng lượng, cũng là mô hình hay để các đô thị Việt Nam học tập. (Theo Báo Xây Dựng) |
Xuân Hoàng (Theo Nationalgeographic)