Sáng 7/3, đại diện TAND tỉnh Bình Thuận đã đến UBND thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận chính thức trao quyết định bồi thường cho ông Nén.
Quyết định bồi thường nêu, sau khi thương lượng thành công, TAND tỉnh Bình Thuận quyết định bồi thường cho ông Nén và những người bị liên lụy số tiền là 10.001.335.000 đồng.
Số tiền bồi thường này bao gồm: gần 5,3 tỷ đồng bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần, 2,3 tỷ đồng thiệt hại do tổn hại về sức khỏe, gần 1,2 tỷ đồng bồi thường thu nhập thực tế bị mất và 1,2 tỷ đồng cho các thiệt hại khác.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường này, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định, trừ trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý và khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết bồi thường.
Như đã thông tin, ông Huỳnh Văn Nén là người "độc nhất vô nhị" tại Việt Nam mang trên mình hai án oan tội Giết người. Vụ án mà ông Nén phải nhận bản án chung thân xảy ra vào năm 1998.
Nguồn gốc của vụ án oan sai bắt đầu như sau: Vào tháng 5/1993, bà Dương Thị Mỹ (ngụ xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bị giết chết tại một vườn điều thuộc xã Tân Minh (vụ án đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam với tên gọi: Vụ án vườn Điều).
Sau một thời gian không tìm ra nghi phạm, đến tháng 9/1993, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.
Tuy nhiên, vào tháng 4/1998, tại địa bàn xã Tân Minh tiếp tục xảy ra vụ Giết người và Cướp tài sản nghiêm trọng. Nạn nhân được xác định là bà Lê Thị Bông (ngụ thôn 2, xã Tân Minh).
Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận đã xác định ông Nén chính là hung thủ gây án. Sau khi bị bắt khẩn cấp, ông Nén tiếp tục khai ra chính ông và 9 anh em họ hàng gia đình bà Nguyễn Thị Lâm là những người đã giết bà Dương Thị Mỹ. Từ lời khai này, Công an tỉnh Bình Thuận phục hồi điều tra vụ kỳ án "vườn điều".
Những người ông Nén khai bị bắt giữ sau đó và đưa ra xét xử vào tháng 4/2001. Tuy nhiên, đến năm 2005, trải qua nhiều phiên tòa nhưng vẫn không kết tội được các bị cáo, cơ quan điều tra đã đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra các bị can.
Những cơ quan tố tụng tham gia quá trình điều tra, xét xử phải xin lỗi công khai và bồi thường oan sai cho 9 người. Riêng ông Nén vẫn phải thụ án chung thân do có liên quan đến vụ án giết bà Bông.
Như vậy, ông Nén được xác định bị oan trong vụ án nhưng vẫn bị kết tội trong vụ án bà Lê Thị Bông.
Sau khi bị tuyên án, ông Nén đã không kháng cáo trong thời hạn luật định, mà đến tháng 10/2000, ông Nén mới có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng kháng cáo này đã quá hạn, do đó tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM không chấp nhận.
14 năm sau, vào tháng 10/2014, Tòa hình sự TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm, hủy bản án chung thân của ông Nén, giao cơ quan điều tra điều tra lại.
Ngày 6/1/2015, Công an tỉnh Bình Thuận đã tiếp nhận hồ sơ vụ án để điều tra lại, ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với bị can Huỳnh Văn Nén. Sau đó, VKSND tỉnh Bình Thuận đã hai lần gia hạn tạm giam ông Nén, đến ngày 8/1/2016.
Ngày 22/10/2015, ông Huỳnh Văn Nén được cho tại ngoại, kết thúc hơn 17 năm ngồi tù oan. Ngày 28/11/2015, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận trao quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén, chấm dứt 17 năm 5 tháng ngồi tù oan của ông cho cả hai vụ án trên.
Cuối năm 2015, ông Nén được TAND Bình Thuận công khai xin lỗi tại địa phương do cảnh sát tìm được hung thủ giết bà Bông. Hồi tháng 4/2016, ông Nén nộp đơn yêu cầu TAND Bình Thuận bồi thường 18 tỷ đồng do bị kết án oan trong hai bản án.
Công Thư