Chị Hiền cho biết: “Tôi thật sự bất ngờ khi Việt Nam lại là nước có chỉ số hạnh phúc đứng thứ 2 thế giới. Bởi đơn giản, người dân Việt Nam còn nhiều khó khăn về kinh tế. Không thể có chuyện hàng ngày phải lo cơm áo từng bữa mà lại hạnh phúc được?. Giận dữ là để chuẩn bị cho đấu tranh. Sợ hãi sẽ khiến chúng ta trốn chạy. Nỗi buồn và sự thất vọng làm gia tăng quyết tâm khiến chúng ta suy nghĩ mạch lạc hơn, còn hạnh phúc sẽ luôn mang tới sự hài lòng nghỉ ngơi. Chính vì vậy, tôi có chút băn khoăn và kèm theo là sự nghi ngại với chỉ số hạnh phúc của Việt Nam. Chúng ta “ngủ quên” với thứ hạng “trên trời” đó không?”.
Chị Ngô Thu Hiền, giáo viên dạy Văn, trường THPT Phù Ninh, Phú Thọ
Theo TS. Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học Việt Nam): “Chỉ số hạnh phúc là khái niệm rộng. Và thực tế để đánh giá thế nào là hạnh phúc thì rất khó. Hạnh phúc sao có thể đo đếm. Người ta thường nhắc đến hạnh phúc với nghĩa hẹp- mức độ hài lòng. Với nhiều người, hạnh phúc trong hôn nhân cũng là tiêu chí. Sự hài lòng về con cái cũng vậy. Mức độ hài lòng về sức khỏe của con cao hơn mức độ hài lòng đối với học vấn của con. Với nhiều người, khi được hỏi đều đánh giá sự hài lòng về sức khỏe của con ở thang điểm cao nhất. Vậy, chỉ số hạnh phúc nên hiểu như thế nào?. Mỗi người có một góc độ đánh giá và thường thì họ căn cứ trên mức độ hài lòng với các khía cạnh của đời sống gia đình”.
PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số và công tác xã hội chia sẻ: “Những nghiên cứu mới nhất về sự hài lòng (một trong 3 yếu tố chính khi nghiên cứu về hạnh phúc) ở Việt Nam cho thấy người dân chủ yếu hài lòng về gia đình, con cái và mức độ hài lòng cũng dựa trên những tiêu chí rất cụ thể của mức sống, điều kiện sống. Một khảo sát trong khuôn khổ đề án của Đại học Quốc gia Hà Nội về Sự hài lòng về cuộc sống tại bốn tỉnh, thành phố là Hải Dương, Hà Nội, Bình Dương và TP.HCM trên 2.400 gia đình (năm 2011) cho thấy nhiều thông tin đáng lưu tâm về mức độ hài lòng của người Việt Nam trong cuộc sống. Mức độ hài lòng về hôn nhân của người dân đô thị được đánh giá cao hơn ở nông thôn”.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết: “Đánh giá của NEF ít chú trọng đến yếu tố thu nhập. Đặc biệt một trong 3 yếu tố, để làm căn cứ đo chỉ số hạnh phúc là chỉ số hài lòng với cuộc sống. Trong đó, cách thức đo chủ yếu dựa vào kết quả khảo sát của Gallup. Con số này của Việt Nam là 5,8/10. Qua đó cho thấy, sự hài lòng của người dân một cách khá dễ dãi. Tôi tin nhiều người cũng nghi ngại về kết quả này. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng cảm thấy hài lòng và hạnh phúc quá đáng so với thực tế không phải là điều tốt. Lạc quan quá trớn sẽ khiến bạn trở nên tự mãn, cả tin, ích kỷ, kém thành công hơn. Và đó thực sự là một điều đáng lo ngại”.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Thúy Anh, chủ tịch quỹ Hợp tác và Phát triển cho biết: “Là người Việt Nam, khi biết nước mình được đứng trong top đầu của bất kỳ bảng xếp hạng hay chỉ số nào (miễn là không phải xếp hạng về nghèo đói và lạc hậu), ai cũng đều tự hào và vui mừng. Tôi cũng vậy. Đặc biệt, đây lại là xếp hạng về chỉ số hạnh phúc, một điều mà ai ai trên toàn thế giới, trong cuộc đời đều mong muốn có. Con người, đất nước Việt Nam không nằm trong top đầu các nước phát triển vì vừa mới thoát nghèo nhưng được thứ hai về chỉ số hạnh phúc cũng thật đáng nể và ngưỡng mộ. Tôi cho rằng, sự lạc quan như một tố chất tiềm ẩn, tạo nên hạnh phúc của người Việt”.
Anh Nguyễn Văn Pháp, kỹ sư xây dựng (Hà Nội) chia sẻ: “Chỉ số hạnh phúc của NEF không có nhiều ý nghĩa với đa số người dân. Bởi ai trong chúng ta cũng nhận thấy những vấn đề về giao thông, y tế gây bất tiện cho cuộc sống của mình ra sao. Ngay cả những căn cứ để nghiên cứu của NEF cũng khiến chúng ta nghi ngại về độ chuẩn xác. Vì đa số người dân khi trả lời câu hỏi chưa chắc đã trả lời thật mà chủ yếu mà muốn làm hài lòng người hỏi hơn. Tuy nhiên, sự biến chuyển về kinh tế trong thời gian qua là cả một sự thay đổi lớn đối với người dân. Từ chỉ có xe đạp, ăn uống kham khổ…nhiều người đã có nhà cao cửa rộng, ô tô để đi làm. Như vậy là hài lòng rồi. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội để so sánh cuộc sống của dân mình với dân Hồng Kông, Mỹ ….ra sao”.
NPV