Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Jimmy Phạm, một Việt kiều Úc đã trở lại quê hương sau hơn 24 năm xa cách với vai trò trưởng đoàn của một hãng lữ hành nổi tiếng. Trong lúc làm việc tại Việt Nam, ông đã làm quen với một nhóm thanh thiếu niên đang sống và làm việc trên đường phố để kiếm tiền lo cho gia đình. Cảm thương trước hoàn cảnh của các em, ông đã thuê cho chúng một ngôi nhà.
Hàng ngày, ông mua đồ ăn thức uống, đồ dùng sinh hoạt để các em không phải vạ vật ở gầm cầu hay đánh nhau tranh giành miếng ăn ở chợ, bến xe. Thế rồi một ngày ông nhận ra phải cho các em “cái cần” chứ không phải là “con cá”. Với sự hỗ trợ một đầu bếp người Úc, và 70 ngàn đô la Úc vay mượn từ gia đình, Jimmy Phạm đã mở nhà hàng Koto, sau đó là trung tâm dạy nghề nhân đạo Koto.
Jimmy Phạm cùng với học viên khóa 16,17 trong lễ tốt nghiệp. (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Trung tâm Koto khiến tôi khó có thể nghĩ rằng đây là nơi dạy nghề cho thanh niên đường phố, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nó giống như một lớp học quốc tế bởi hầu hết các em đều có thể nói chuyện bằng tiếng Anh với người nước ngoài.
Những ngày đầu mới thành lập trung tâm với ông Jimmy Phạm và các cộng sự là những ngày khó khăn nhất. Ông mất cả tháng để lang thang ở khu vực Bờ Hồ, phố cổ, các bến xe... để tiếp xúc với các em đang lao động kiếm sống bằng đủ mọi nghề. Vượt qua những ngày khó khăn đó, sau 10 năm thành lập, trung tâm đã đào tạo được 370 học viên. Những đứa trẻ đường phố ngỗ nghịch, có hoàn cảnh khó khăn… sau khi rèn luyện ở đây đã hoàn toàn thay đổi. Các em đến đây không chỉ được dạy kiến thức mà còn được dạy các kỹ năng sống, tạo lập sự tự tin cho cuộc sống sau này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong độ tuổi từ 16 đến 22 có thể viết đơn để được học tại trung tâm. Các thành viên phải phỏng vấn và tham gia sáu tuần định hướng nhập học tại Koto. Hoàn thành bước này các em sẽ được kiểm tra sức khỏe kỹ càng, tiêm chủng ngừa bệnh, được cung cấp đồng phục, phương tiện vệ sinh cá nhân, cung cấp bữa ăn hàng ngày, chỗ ở, cũng như phí sinh hoạt hàng tháng.
Em Phạm Thị Ngoan (22 tuổi, quê Giao Thủy, Nam Định), học viên khóa 18 tâm sự: ““Nhà” của em là một con thuyền quanh năm trên sông nước. Dù bố mẹ chỉ có mình em nhưng em cũng không được đi học. Năm 15 tuổi, bố em mất, mẹ em cũng đã 60 tuổi, em phải rời quê theo một người chị họ lên Hà Nội. Ngày ngày, người chị đi mua đồng nát còn em làm ở quán cơm hộp. Vất vả sớm hôm, mỗi tháng em cũng chỉ nhận được 1,5 triệu đồng. Rồi một người phụ nữ cùng làm thuê nhận em làm con nuôi và bà bảo em viết đơn xin học tại Koto”.
Còn với Nguyễn Văn Công (19 tuổi, quê ở Kiến Xương, Thái Bình), học viên khóa 20 - nghề bếp có cha mắc bệnh thần kinh. Dù rất muốn học tiếp nhưng giấc mơ bước vào cánh cổng trường đại học của Công cũng không thể thực hiện được. Cậu tìm đến Koto với hy vọng có được một nghề để kiếm sống và đỡ đần cha mẹ. “Em đã có thể nói chuyện, giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài, đủ chuyên môn về nghề bếp, ngoại ngữ tốt. Một công việc ổn định sẽ hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng em”, Công cho biết.
Và từ Koto đã có nhiều câu chuyện cổ tích được viết lên như trường hợp của Nguyễn Thị Thảo, học viên khóa 1. Từ năm 13 tuổi, Thảo đã phải bán bưu thiếp trên vỉa hè 12 tiếng/ngày. Năm 2011, Thảo được đưa về học tập tại Koto. Ngay sau khi ra trường, cô đã được nhận làm tại Sofitel Metropole Hà Nội. Ba năm sau đó, với mong muốn trở lại Koto để truyền lại những kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tiễn từ bên ngoài cho các học viên mới. Thảo trở thành nhân viên nhà hàng Koto ở Văn Miếu với vị trí nhân viên phục vụ tiền sảnh, sau đó nhanh chóng trở thành người quản lý cho nhà hàng. Từ đây, cô có được cơ hội đến Switzeland để mở mang kiến thức.
Với tất cả các học viên từng học tại đây, Jimmy Phạm là một người anh, là thần tượng và là “ông bụt” giúp họ viết lên câu chuyện cổ tích của đời mình.
Đỗ Thơm