"Không có tiếng, không có miếng"
Thế giới biết đến hang động lớn nhất hành tinh có công đầu nhờ Hồ Khanh, thế nên gương mặt anh đã từng xuất hiện trên không chỉ các trang báo trong nước, mà còn được nhiều tờ báo, kênh truyền hình uy tín trên thế giới vinh danh.
Vậy nhưng ở địa phương, công lao này của anh chẳng mấy được quan tâm. Nhiều báo cáo về việc phát hiện ra Sơn Động sau đó hầu như không nhắc đến vua hang động. UBND xã Sơn Trạch đã từng hai lần gửi công văn tới UBND huyện Bố Trạch, đề nghị Hồ Khanh xứng đáng được tặng bằng khen vì đã khám phá nhiều hang động tuyệt đẹp, trong đó có Sơn Đoòng nổi tiếng toàn cầu. Thế nhưng những đề nghị này đều không nhận được phản hồi.
Một chiếc cột khổng lồ
Khanh kể, những ngày ấy anh không chỉ buồn vì bị lãng quên, mà còn buồn hơn khi nhận ra mình rơi vào tình trạng đã không có miếng, cũng không có tiếng. Không ít người còn rỉ tai nhau Hồ Khanh đi tìm hang động cùng người nước ngoài, được người ta cho nhiều tiền lắm, rồi xì xào này nọ.
Anh ngậm ngùi: "Ai biết là tôi ham mê tìm kiếm hang động vì đó là một thú vui chứ không phải là cách để kiếm tiền. Ngày ấy mỗi chuyến đi, đoàn thám hiểm cấp cho tôi chỉ 400 ngàn đồng tiền mua sắm các vật dụng cá nhân. Có khi số tiền ấy còn chẳng đủ mua đồ, phải về nhà xin tiền vợ mua thêm".
Về bản thân mình, Hồ Khanh ngậm ngùi: "Ngôi nhà tôi đang ở là của bố mẹ để lại, cả năm miệng ăn trong nhà chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng nước. Tôi trót dại đi theo nghiệp tìm hang động, bây giờ người ta đến nhờ không giúp không được".
Được biết mỗi chuyến đi rừng cùng các đoàn Khanh được nhận 400.000 đồng , với số tiền này Hồ Khanh cho biết chỉ đủ vốn mua sắm các vật dụng mang theo.
Niềm vui đến muộn
Sau khi phát hiện ra Sơn Động, chia tay đoàn thám hiểm, Khanh trở về với cuộc sống đời thường. Khó khăn đến nỗi không có đất ruộng, anh phải mượn tạm người chị gái mảnh đất ruộng để trồng cấy.
Không có công việc ổn định, anh lại phập phù kiếm sống bằng những buổi kiếm củi, trồng ngô, trồng sắn... Đã nghèo còn gặp cái eo, năm 2010 nơi anh ở gặp trận lũ quét tràn qua, tài sản lớn nhất của gia đình anh là vài con dê cùng ít lương thực trợ cấp đều trôi theo dòng nước.
Một ngày giữa tháng 3/2011, một cán bộ UBND xã tìm đến nhà Hồ Khanh mời anh đến dự buổi lễ trao bằng khen vì đã có công tìm ra Sơn Động. Vậy là cuối cùng, dù muộn màng nhưng công lao của anh đã được ghi nhận. Tấm bằng khen này có lẽ là tấm bằng có tốc độ di chuyển thuộc loại "rùa bò" nhất Việt Nam.
QĐ số 1465/QĐ KT do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Phan Lâm Phương kí ngày 13/7/2009 về việc trao tặng bằng khen cho anh Hồ Khanh đã có công trong việc phát hiện hang Sơn Đoòng. Thế nhưng mãi đến ngày 17/3/2011, nghĩa là 604 ngày sau đó mới về đến xã nơi người được khen tặng sinh sống, dù cách UBND tỉnh Quảng Bình chỉ khoảng 40km.
Dòng “thác” ánh sáng dội từ trên bề mặt xuống
"Bí kíp" tìm hang động
Hồ Khanh kể về bí kíp tìm hang động: "Khu vực nào có thung lũng rộng, núi cao, dày và xoáy thì ở đó có thể xuất hiện nhiều hang động lớn. Ngoài ra tôi cũng thường xuyên thăm hỏi thông tin từ những người đi rừng về, nghe họ mô tả để quyết định có nên tới hang đó hay không. Nếu trần hang xuôi, bằng phẳng thì hang đó sẽ cạn, hẹp".
Xác định vị trí tìm hang động đã khó, nhưng theo Hồ Khanh công đoạn đột nhập vào lòng hang mới thực sự gian nan. Mỗi chuyến đi như vậy kéo dài không dưới 4- 5 ngày, luôn sống trong điều kiện nhiệt độ thấp, mất sóng điện thoại nên không thể liên lạc với bên ngoài. Đó cũng là lí do để mỗi lần Khanh lên rừng, vợ anh lại thấp thỏm đứng ngồi không yên: “Mấy mẹ con ở nhà lo cho anh lắm, lỡ may có chuyện gì có ai biết đâu mà lần, bốn bề heo hút” vợ anh nói.
Với Hồ Khanh, công việc đi rong trong hang đá đã quá quen thuộc. Khanh chỉ dẫn thêm cách đi lại trong hang tránh bị lạc: "Đi trong động rất tối và rùng rợn nên phải hết sức bình tĩnh, không nên để tiếng động đánh mất tập trung. Đặc biệt phải chú ý để lại kí hiệu trên đường đi, lần nào cũng vậy, cứ đi khoảng 10m tôi lại lật ngược một hòn đá làm dấu. Mặt dưới hòn đá bao giờ cũng mới và trắng nên dễ dàng nhận biết trong bóng tối, không nên căn cứ vào dấu chân vì khi nước lên sẽ mất dấu".
Những rẻ xương sườn - tác phẩm điêu khắc hoàn mỹ của thiên nhiên trong Sơn Đoòng
Cách duy nhất để vào hệ thống hang động là đu dây từ từ vách hang Loọng Con, cao khoảng 70m
Mai Long