Bi kịch trước ngày cưới
Chị Hoa chia sẻ: "Cho đến khi anh Sơn giết người, em vẫn chưa được mặc áo cô dâu dù chúng em đã làm đăng ký và em đang mang trong mình giọt máu của anh".
Nỗi buồn nuôi con một mình của Hoa
Hoa quen Sơn qua lời giới thiệu của người anh họ. Hai người đi làm thợ xây cùng nhau. Lúc ấy, Hoa chẳng nghĩ gì nhưng rồi Sơn xuất hiện. Sơn nhẹ nhàng, ân cần thăm hỏi cô, những cử chỉ yêu thương cứ vậy làm cho lòng người con gái ngoài đôi mươi xao xuyến. Rồi chẳng có gì phải dấu giếm nữa, Hoa trao thân cho người đàn ông của đời mình.
Ngày Hoa báo tin mình đã mang thai, Sơn nhảy cẫng lên sung sướng. Anh vội vàng thông báo cho bố mẹ, và đám cưới được chuẩn bị cho đôi trẻ. Là con trai duy nhất trong một gia đình nông dân nghèo có đến bốn người con ở xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ. Nhưng vì muốn cậu con trai có một đám cưới đàng hoàng, tử tế nên bố mẹ Sơn chạy khắp các gia đình trong xóm vay mượn.
"Em cần tiền để cưới vợ cán bộ ạ", Sơn đã khai như vậy với cơ quan điều tra ngay khi sự việc vỡ lở. Ban đầu, Sơn một mực không chịu khai, chỉ đến khi phía cơ quan điều tra đưa ra những chứng cứ xác đáng thì Sơn mới chịu thừa nhận hành vi của mình.
Theo lời khai của Sơn, buổi chiều hôm ấy (19/11/2010), Sơn sang nhà bà Nguyễn Thị Huyền xin thuốc. Lúc ấy bà Huyền đang vo gạo chuẩn bị nấu cơm, Sơn ngồi hút thuốc lào còn bà Huyền vừa hí hoáy làm việc vừa trò chuyện. "Hôm trước bố cháu qua vay tiền chuẩn bị cho đám cưới của cháu nhưng cô không có tiền mặt nên mang đàn gà đi bán rồi đưa hết cho bố mày", nghe bà Huyền nói, Sơn cứ ậm ừ. Rồi không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, Sơn bất chợt đứng dậy cầm gạch đánh thẳng vào đầu bà Huyền mà chẳng cần suy nghĩ. Thấy bà Huyền bất tỉnh, Sơn kéo xác bà ra giếng quẳng bà xuống đó. Sau đó, Sơn vào nhà lấy được 400 ngàn đồng. Buổi tối, Sơn phi xe sang nhà Hoa để tạo bằng chứng ngoại phạm.
Trên chiếc xe máy cũ từ chợ huyện về, bao nhiêu đồ đạc chuẩn bị cho ngày lên xe hoa, dù rất cồng kềnh nhưng cô gái trẻ Lương Thị Hoa cảm thấy rất vui. Hai tuần nữa cô lên xe hoa, không vui sao được.
Chiếc xe xình xịch đi vào sân, Hoa chưa kịp bước xuống xe thì người chị dâu vác cái bụng bầu từ trong ra, nói nhỏ: "Sơn (chồng sắp cưới của Hoa) bị bắt rồi, người ta bảo nó giết người cướp của". Chỉ nghe đến thế, Hoa rụng rời chân tay. "Không thể nào, tối qua anh ấy còn ngồi đây, hai đứa bàn nhau sẽ đặt tên con là gì cơ mà", Hoa nói vẻ nghi hoặc. "Đúng đấy con ạ. Mẹ vừa gọi sang bên kia hỏi rồi mà", mẹ chị nói xen vào, giọng bà xót xa. Hoa đứng không vững, mẹ và chị dâu phải rất khó nhọc mới đỡ được cô gái đang mang thai tháng thứ năm vào nhà.
Trong cơn vật vã, Hoa luôn miệng nói: "Sao anh ấy có thể giết người được chứ? Có khi người ta bắt nhầm. Anh ấy hiền lắm, từ ngày yêu nhau, đã bao giờ anh ấy nặng lời với con đâu". Đêm đó, Hoa bỏ ăn, khóc sưng cả mắt. Cả nhà rất lo lắng bởi cái thai 5 tháng trong bụng cô. Theo đúng lịch thì ngày 19/11/2009, hai người sẽ tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, vì gia đình chồng Hoa đi xem, ông thầy phán ngày đó xấu, nên quyết định lùi thời gian lại hai tuần nữa. Giấy tờ thủ tục đã xong, gánh cưới (hai bên gia đình gặp gỡ trao đổi trước khi lễ cưới diễn ra) cũng đã hoàn thành, chỉ chờ ngày tổ chức hôn lễ. Thế nhưng...
Sau này ngồi nghĩ lại, Hoa bảo, lúc phóng xe vào nhà cô tối 19/11, Sơn hơi khác với bình thường. Giọng nói run run, cứ nghĩ vì chồng sắp cưới vừa đi đường xa, lại gặp hôm trời lạnh nên run như thế, nhưng hóa ra hôm ấy Sơn vừa giết người nên anh đã không giữ được bình tĩnh. Ngồi bên vợ chưa cưới, Sơn kiếm đủ mọi chuyện để nói, toàn chuyện trên trời dưới biển, nói để không có một khoảng lặng nào của thời gian...Nhớ lại thời gian đó, Hoa khóc nấc lên. Khóc vì xót xa cho thân phận mình, khóc vì nghĩ đến đứa con sắp ra đời không được nhìn mặt bố nữa.
Nỗi niềm khó nói của người vợ bất hạnh
Lúc Sơn bị bắt, Hoa có mang ở tháng thứ năm. Vì hai đứa đã làm đăng ký kết hôn nên bố mẹ Sơn sang nói chuyện với thông gia xin cho Hoa về bên này. Lúc đầu, gia đình cô và hàng xóm ngăn cản. Có người còn bảo Hoa dại, chồng giết người như vậy, tử hình là cái chắc, về bên ấy thành vợ góa cả đời mà chưa một lần được lên xe hoa. Nhưng gạt đi mọi đau khổ, đắng cay, những gièm pha, dè bỉu của người đời, Hoa khăn gói sang nhà chồng trong dòng nước mắt. "Dù gì Sơn cũng là chồng của em mà", Hoa nói.
Từ ngày Sơn bị bắt, Hoa chỉ được gặp lại chồng hai lần. Một lần là khi Sơn được đưa về nhà cô Huyền để làm thực nghiệm hiện trường và một lần là khi Sơn được xử sơ thẩm tại UBND xã. Hôm ấy, bụng Hoa đã rất lớn, mọi người trong gia đình không cho Hoa đến vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi nhưng Hoa cố tình đi, mặc cho gia đình ngăn cản. Khi tòa tuyên Sơn án tử hình, Hoa như người rơi xuống vực thẳm. Nhiều gương mặt hàng xóm biết Hoa là vợ Sơn, ai cũng chỉ trỏ, bàn tán, xì xào.
"Bình thường anh Sơn rất hiền, lúc nào cũng nghĩ cho gia đình. Trước khi chúng em quyết định làm đám cưới, anh ấy cứ phân vân cái nghề thợ xây bấp bênh thì em sẽ khổ, em an ủi anh ấy nhiều bởi ai mới lấy nhau mà chẳng vất vả", Hoa nói.
Hoa tâm sự, mặc dù nhiều người bảo Sơn đã khai giết người cướp của vì cần tiền cưới vợ nhưng Hoa không nghĩ thế. Là hàng xóm của nhau, Sơn phải biết rõ cô Huyền cũng như nhà mình, làm gì có tiền để mà cướp chứ. Nhưng cũng nghi nghi hoặc hoặc vậy thôi vì dù thế nào đi nữa thì Sơn cũng đã cướp đi mạng sống của người khác một cách dã man.
Từ ngày Hoa sinh con, dù rằng niềm hạnh phúc không trọn vẹn, nhưng Hoa thấy nỗi đau cũng nguôi ngoai được phần nào. Điều mà Hoa day dứt nhất đó là: Không biết sau này con mình sẽ sống ra sao khi mang tiếng là con của kẻ giết người? Tôi động viên Hoa: Ai làm người đó chịu, cuộc đời vẫn đủ bao dung và sự thấu hiểu để không vì người cha tội lỗi mà oán trách lên đầu một đứa trẻ vô tội. Kể cả Hoa, dần dần chắc rằng mọi người cũng sẽ hiểu và thông cảm cho một người vợ, người mẹ bất hạnh.
Nghĩa Gia
*Tên nhân vật và nạn nhân đã được thay đổi