Không chỉ có những vụ nổ lò phản ứng hạt nhân mới gây ra nguy cơ nhiễm xạ cho cơ thể, những loại bức xạ trong môi trường sống mà điển hình là từ máy chụp X-quang hoặc từ máy tính, máy văn phòng… cũng không ngần ngại đe dọa sức khỏe con người.
Nhiễm xạ do chụp X – quang
Mỗi khi xảy ra các tai nạn liên quan đến xương, các chứng bệnh đau đầu, tức ngực,… khi đến bệnh viện hay phòng khám người bệnh thường được bác sĩ chỉ định chụp X – quang để chẩn đoán và có hướng điều trị bệnh. Ngoài tác dụng chẩn đoán bệnh chính xác hơn so với các cách khám thông thường, chụp X-quang còn giúp phát hiện các mầm mống sớm của bệnh để tiến hành điều trị trước khi bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm lợi ấy, nhiều bệnh nhân lại không hề biết rằng, việc chụp X-quang thường xuyên sẽ tiểm ẩn những nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Nguy cơ lớn nhất đó là người bệnh có thể bị ung thư do nhiễm xạ từ các nhà máy chụp X-quang. Tổn thương khi bị nhiễm xạ biểu hiện ở nhiều cơ quan như tủy xương ngừng hoạt động, niêm mạc ruột dẫn đến tiêu chảy, sụt cân, máu bị nhiễm độc, da với những biểu hiện như ban đỏ, viêm da, sạm da, giảm sức đề kháng cơ thể, vô sinh, ung thư….
Bác sĩ chụp X-quang chẩn đoán bệnh
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Hào Quang – Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục an toàn bức xạ và hạt nhân) cho hay: “Lượng chiếu xạ trong y tế chiếm khoảng 18% lượng chiếu xạ hàng năm của con người. Sự cố nhiễm xạ do chụp X – quang có khả năng xảy ra nếu con người ở phải chụp chiếu trong thời gian lâu và hệ điều hành của các thiết bị kỹ thuật không đảm bảo yêu cầu”.
Cùng chiều với ý kiến trên, Ông Đặng Thế Căn – Bác sĩ Bệnh viện K Hà Nội cũng cho biết: “Việc chiếu xạ vào người để chẩn đoán hoặc điều trị bệnh luôn được các bác sĩ hết sức cẩn trọng và luôn ở trong mức độ cho phép. Nếu tia phóng xạ phát ra quá mức giới hạn sẽ có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.”
“Đối với các nhân viên y tế thường xuyên phải làm việc trong các phòng chụp X – quang, phòng chụp cắt lớp tại các bệnh, để đảm bảo cường độ làm việc liên tục trong thời gian dài họ phải được trang bị những thiết bị che chắn đặc biệt. Mức nhiễm xạ cũng luôn chỉ duy trì ở mức độ nhất định để không ảnh hưởng đến sức khỏe.” Ông Căn trao đổi thêm.
Ngoài ra, ông cũng khuyến cáo rằng: “Nếu cần thiết, người bệnh chỉ nên chụp X – quang từ 3 đến 4 lần trong một năm. Đối với những trường hợp điều trị máy xạ để diệt khối u, việc chiếu tia xạ ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến những vùng tế bào lân cận, có trường hợp còn có khả năng phát sinh thêm khối u mới hoặc những biến chứng đáng tiếc. Tuy nhiên, người bệnh thường buộc phải chấp nhận bởi đây là giải pháp có thể xem là tốt nhất trong số các giải pháp điều trị bệnh cho họ.”
Trước nguy cơ nhiễm xạ do sự cố chụp X – quang gây ra, các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo rằng người bệnh nên đến các bệnh viện hoặc những phòng khám uy tín đã được cấp phép để tránh những hậu quả đáng tiếc do việc chụp X – quang quá mức gây ra. Việc chụp chiếu nhất thiết phải tuân theo chỉ định của bác sĩ và chỉ chụp khi cần thiết cho quá trình chẩn đoán và trị liệu.
Nhiễm xạ từ máy tính
Không thể phủ nhận, máy tính với những tính năng ưu việt vượt trội đã đem đến cho con người trong thời đại số vô vàn những hữu ích. Bên cạnh những tính năng ưu việt, máy tính cũng đang từng ngày âm thầm gây ra tác hại vô cùng nguy hiểm với sức khỏe con người.
Mỗi năm trên thế giới có hàng chục ngàn người bị mù lòa, hoặc mắc các bệnh về mắt như giảm thị lực, đục thủy tinh thể…mà nguyên nhân chính là do nhiễm bức xạ từ máy tính. Những tia bức xạ phát ra từ máy tính nếu tiếp xúc nhiều còn có nguy cơ gây viêm da, viêm thận mãn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản…
Các tia xạ phát ra từ máy tính cũng gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe
“Nếu tập hợp tất cả bức xạ do khoảng 100.000.000 chiếc máy tính sản sinh trong một ngày thì số bức xạ đó sẽ tương đương với lượng bức xạ của 2 quả bom nổ tại Hiroshima và Nagasaki”. Giáo sư Mark Bullimore, chuyên gia về hạt nhân thuộc một trường đại học ở bang Ohio của Mỹ đưa ra khuyến cáo với những người thường xuyên phải tiếp xúc với máy tính.
Tuy mức độ nhiễm xạ do máy tính gây ra không nghiêm trọng như nhưng nguy cơ khác nhưng nó cũng như một sát thủ âm thầm khiến sức khỏe của nhiều người giảm sút. Các bác sĩ chuyên khoa đã khuyên người dùng khi sử dụng máy tính nên biết cách bảo vệ bản thân như: Người dùng nên lắp tấm màn hình bảo vệ để giảm nhẹ nguy hại của tia bức xạ. Trong phòng không nên đặt những vật mang tính kim loại, để tránh hình thành nên sóng điện từ liên tiếp phát đi phát lại.
Hạn chế không để mặt sau của máy tính chĩa vào người khác, vì tia bức xạ mạnh nhất là phía sau máy tính, sau đó là hai bên máy, phía trước màn hình là yếu nhất. Khoảng cách với máy tính là 50 - 70cm có thể làm giảm thương tổn do tia bức xạ điện từ gây ra. Ngồi làm việc ở nơi thoáng mát và không nên ngồi trước máy tính quá lâu, sau khi ngưng tiếp xúc với máy tính nên kịp thời rửa mặt để loại trừ 70% tia bức xạ trên mặt. Ngoài ra, nên sử dụng máy tính mới vì tia bức xạ của máy tính cũ thường cao hơn gấp 1-2 lần so với máy mới.
Phạm Hạnh