Thời gian gần đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản (BĐS) ở TP.HCM đã tăng lên với hàng loạt cái tên đã xuất hiện như: Keppel, Capitaland, Gamuda, Mapletree... Hay những đơn vị liên doanh, liên kết như Mitsubishi, Daiwa House, Sanyo Land… Đây đa phần là các doanh nghiệp đến từ khu vực châu Á, như: Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc…
Quốc gia nào đầu tư nhiều nhất?
Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cho biết, trong năm 2017, lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất là BĐS, với gần 1 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 51% tổng lượng vốn FDI. Nhà đầu tư nhiều nhất đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản…
Trong 2 tháng đầu năm 2018, TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 85 dự án từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn (đầu tư nước ngoài - FDI) đăng ký đạt 141,6 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong số các dự án được cấp phép mới có 100% vốn nước ngoài là 77 dự án, vốn đầu tư đạt 135,8 triệu USD, số dự án liên doanh là 8, vốn đầu tư đạt 5,8 triệu USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh BĐS với 4 dự án, vốn đầu tư 47,5 triệu USD (chiếm 33,5%).
Phân tích về tình hình đầu tư BĐS tại TP.HCM, đại diện công ty Tư vấn Bất động sản Savills Việt Nam cho rằng: “Nếu trong năm 2017 được cho là năm thành công của các nhà đầu tư BĐS trong nước lẫn quốc tế tại thị trường TP.HCM thì năm nay, kênh đầu tư này vẫn sẽ được chú ý và dòng vốn đến từ các nhà đầu tư ở khu vực châu Á vẫn áp đảo các khu vực khác, như châu Âu hay Mỹ”.
TS Nguyễn Văn Bình, trường đại học Kinh tế TP.HCM phân tích: “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2017 tốt (6,8%) là chỉ số tích cực, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư ngoại tiếp tục rót vốn đổ vào đầu tư tại thị trường Việt Nam, trong đó có lĩnh vực BĐS. Hơn thế nữa, chính sách hội nhập toàn cầu của Việt Nam, đồng thời môi trường thân thiện với nhà đầu tư cũng là điểm cộng”.
Mặt khác, cũng theo chuyên gia này, còn có sự cải thiện tuy chưa được như mong muốn nhưng tính minh bạch của thị trường và thủ tục hành chính bớt rườm rà, nhiêu khê cũng là một trong những yếu tố tích cực cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực BĐS”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng: “Với sự tăng trưởng kinh tế tốt, đồng thời, niềm tin vào thị trường tăng cao và đặc biệt là nhu cầu nhà ở còn nhiều tại thị trường thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung là những tín hiệu lạc quan cho nhà đầu tư nước ngoài”.
Các dự án đình đám… đình trệ
TP.HCM hiện có trên 1.400 dự án BĐS, trong đó, có hàng trăm dự án đang ngưng triển khai hoặc bị thu hồi. Trong đó, không ít các dự án “sừng sỏ” của các chủ đầu tư có sự tham gia góp vốn hoặc liên doanh liên kết hoặc do các nhà đầu tư ngoại đứng làm chủ đầu tư.
Theo thông tin mà PV có được, mới đây, sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM đã cấp phép cho pháp nhân Rainbow City Group Limited (có trụ sở tại Vistra Corprate Service Centre Wickams 2, Road Town, Totola VG 1110 Island) đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng để sở hữu 15% vốn của công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula.
Dự án Saigon Peninsula hay quen gọi với cái tên Mũi Đèn Đỏ, có quy mô dự án là 117 hecta (tại phường Phú Thuận, quận 7) do công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula làm chủ đầu tư dự án, với tổng mức đầu tư là 9.232 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án còn có sự tham gia của tập đoàn Vạn Thịnh Phát và hai nhà đầu tư nước ngoài là Genting Group (Malaysia) và Rainbow City Group Limited.
Theo hồ sơ, dự án này được chấp thuận từ quý 4/2016, dự kiến quý 1/2017 sẽ thu hồi giải phóng mặt bằng. Đến quý 2/2017 sẽ triển khai hệ thống hạ tầng và các hạng mục tiếp theo cho tới năm 2021. Tuy nhiên, về tiến độ này, bộ Tài chính đã đề nghị nhà đầu tư tính toán rà soát lại, đảm bảo tính khả thi, sát với thực tế cũng như năng lực tài chính.
Theo ghi nhận của PV, đến nay, dự án vẫn “án binh bất động” với nhiều hạng mục chưa triển khai thực hiện. Đây là tổ hợp các hạng mục công trình như công viên đa chức năng, bến cảng du thuyền, trung tâm thương mại bán lẻ, kết hợp với khách sạn 5 sao, khu căn hộ cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng và các cao ốc văn phòng hạng A.
Bên cạnh đó, một siêu dự án tỷ đô cũng đang “án binh bất động”, là khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam (VIUT). Ngoài trường học, phần diện tích còn lại được quy hoạch thành khu phức hợp, bao gồm khu thương mại, khu dân cư, trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học, câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí, khu công viên cây xanh… Tuy nhiên, toàn bộ siêu dự án tỷ đô này vẫn còn nằm… trên giấy.
Tuy nhiên, hiện nay, để tìm đến được vị trí dự án thì không hề dễ dàng gì tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn. Bởi, bốn bề là đồng không mông quạnh, lác đác vài ba ngôi nhà tạm bợ của những hộ dân chưa di dời khỏi vị trí quy hoạch.
Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 1/7/2008, với quy mô diện tích gần 1.000ha và tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD. Dự án này do Công ty Berjaya Land Berhad (thuộc Tập đoàn Berjaya của Malaysia) là chủ đầu tư.
Ngoài ra còn có dự án khu đô thị Thanh Đa – Bình Quới được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992, sau đó giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn. Tuy nhiên, do năng lực của đơn vị này nên dự án mãi giậm chân tại chỗ. Cho đến năm 2010, chính quyền TP quyết định thu hồi dự án này và rơi vào quên lãng trong một thời gian dài. Đến cuối năm 2015, UBND TP.HCM mới giao cho liên danh tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJS (Dubai) xúc tiến thực hiện.
Khu đô thị Thanh Đa – Bình Quới có tổng diện tích khoảng 426ha, bao gồm toàn bộ phường 28, với tổng vốn đầu tư khoảng gần 31 ngàn tỷ đồng. Dự án chia làm nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 (2016-2020), tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật chính. Giai đoạn 2 (2021-2025), nhà đầu tư sẽ thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng của dự án. Giai đoạn 3 (2026-2030) hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại của dự án. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn đang ì ạch.
Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyến cáo, chính quyền TP nên cân nhắc dòng vốn FDI, không phải cái nào cũng... nhận. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, việc các doanh nghiệp FDI rót vốn vào lĩnh vực BĐS là điều đáng mừng, tuy nhiên, chính quyền nên cân nhắc và cẩn trọng để lựa chọn các nguồn vốn hợp lý, tránh cấp giấy phép đầu tư hoặc chấp nhận các dòng vốn có nhiều rủi ro. |