Nhiều truyện tranh dùng ngôn ngữ “chợ búa”
Việc trẻ con hàng ngày "nghiền" loại truyện tranh chủ yếu là những lời thoại kiệm lời đến mức tối đa dẫn đến hậu quả trước mắt là những câu văn cụt què, thiếu chủ vị, diễn đạt ý bừa bãi đã được khá nhiều thầy cô giáo phản ánh. Tuy nhiên, theo các nhà ngôn ngữ học, ngôn ngữ trong nhiều cuốn truyện tranh không chỉ cụt lủn mà còn thiếu văn hóa. Hàng ngày tiếp nhận ngôn ngữ như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến phát triển nhân cách của trẻ nhỏ.
“Ngôn ngữ hành động” ở truyện tranh trẻ em có nhiều cảnh khiến người lớn choáng váng
Là một người cả đời nghiên cứu về ngôn ngữ của dân tộc, GS.TS Trần Trí Dõi, nguyên chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội cảm thấy quá đau đớn vì ngôn ngữ của nhiều cuốn truyện tranh thiếu văn hóa.
"Ngôn ngữ truyện tranh tồn tại ba vấn đề. Thứ nhất, nhiều cuốn truyện tranh đưa sự không chuẩn hóa của tiếng Việt vào sách. Ngôn ngữ đó là ngôn ngữ chợ búa chứ không phải là ngôn ngữ văn hóa. Lứa tuổi trẻ con cần ngôn ngữ văn hóa dù chỉ là ngôn ngữ đơn giản thôi. Chính việc đưa ngôn ngữ đó vào truyện để trẻ tiếp xúc hàng ngày là điều làm tôi đau đớn nhất.
Thứ hai, phần lớn truyện tranh trên thị trường hiện nay là truyện dịch. Chưa kể đến trình độ người dịch mà bản thân ngôn ngữ trong truyện đã mang phong thái của nước ngoài. Nhiều truyện tranh của Việt Nam tự viết cũng chưa được chuẩn về ngôn ngữ. Nhiều tác giả chưa có trình độ cao về mặt ngôn ngữ và văn hóa.
Thứ ba, truyện tranh còn chạy theo lợi nhuận. Nếu như sách nghiên cứu chỉ in vài trăm bản thì truyện tranh in vài trăm nghìn bản. Cũng chính việc chạy theo lợi nhuận mà nhiều nhà xuất bản đã cho in nhiều cuốn chất lượng chưa thực sự tốt. Truyện tranh cũng có chức năng giáo dục nhưng hiện nay ở ta đang đặt lợi nhuận cao hơn chức năng giáo dục".
Đồng tình với GS.TS Trần Trí Dõi, nhà văn Văn Giá, Chủ nhiệm Khoa Sáng tác Phê bình Văn học, ĐH Văn hóa Hà Nội cho rằng nhiều truyện tranh hiện nay quá chú trọng phần hình còn phần lời thoại, lời dẫn thì cẩu thả, không chuẩn xác và mang tính bạo lực. Ngôn ngữ nghèo nàn trong các truyện tranh không thể kích thích phát triển khả năng ngôn ngữ, sự tích lũy ngôn ngữ của trẻ. Bên cạnh đó, ngôn ngữ của nhiều cuốn rất trắng trợn, bạo lực, hình ảnh thiếu đứng đắn làm trẻ tò mò trước tuổi.
Còn theo PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện từ điển và Bách khoa thư, ngôn ngữ là phương tiện biểu hiện của tư duy. Đọc nhiều truyện tranh sẽ tác động sâu sắc đến tư duy của người đọc. Truyện tranh khiến trẻ lười tưởng tượng, điều đó dần dần hình thành thói quen lười suy nghĩ, thích cái có sẵn.
Cần có định hướng cho trẻ
"Ngoài việc học tập và giải trí, học sinh cần chăm chút đời sống nội tâm, làm giàu cảm xúc, cảm giác để rồi biết lắng nghe những tác động tinh tế từ ngoại giới và cả chính tâm hồn mình. Học sinh nghiện truyện tranh sẽ không có khả năng ấy. Nhiều em sẽ đánh mất nhu cầu chăm sóc đời sống nội tâm. Ngôn ngữ truyện tranh không chỉ kiệm lời đâu mà còn đầy tính bạo lực. Nó làm ảnh hưởng đến nhân cách và tâm hồn trẻ em", nhà văn Văn Giá chia sẻ.
Nhà văn cũng cho rằng đọc truyện tranh làm hạn chế khả năng tưởng tượng của học sinh. Mà trong viết văn, tưởng tượng có một vai trò vô cùng quan trọng. Trong từng thể loại văn, vai trò của tưởng tượng khác nhau. Với loại văn miêu tả, tả thiên nhiên con người cảnh vật, tưởng tượng là sự hình dung bức tranh về cuộc sống. Từ bức tranh tưởng tượng ấy người viết phải dùng ngôn từ để biểu đạt. Tưởng tượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong yêu cầu sáng tác văn chương. Nếu không có khả năng tưởng tượng thì tuyệt đối không thể sáng tác được. Không có tưởng tượng thì không thể có năng khiếu. Vì thế nhà văn Văn Giá cho rằng, nếu học sinh chỉ bằng lòng với truyện tranh thì nhất khoát không thể được, mà còn cần bổ khuyết bằng những thẻ loại truyệ̣n khác.
Tâm sự với PV, nhà văn Văn Giá cho biết khi con đạt được một thành tích nào đó, nhiều bậc phụ huynh cho con mấy trăm nghìn để con tự đi mua sách. Đa số trẻ thích truyện tranh và ít khi tìm đến với sách văn học. Chính vì vậy, gia đình cần có định hướng cho các cháu chọn những cuốn sách hay bổ ích.
Nhà văn Văn Giá
"Ngoài cho trẻ con đọc truyện tranh như một sự giải trí cần cho các em đọc truyện lời, những tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật. Tôi cũng có cháu nhỏ, nó cũng nghiện đọc truyện tranh. Ngay từ đó tôi đã có ý thức khuyên cháu nên đọc truyện cổ Andecxen, truyện cổ tích... để tăng khả năng ngôn ngữ, năng lực cảm nhận về cuộc sống", nhà văn chia sẻ.
Theo nhà văn, truyện tranh không có lỗi, lỗi là ở người viết loại truyện ấy. Để trẻ em được đọc những cuốn truyện tranh hữu ích thì nhà xuất bản cần chỉnh đốn truyện tranh. Truyện phải cung cấp những truyện có chất lượng cả phần hình lẫn phần lời mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình cần có những hoạt động khích lệ trẻ đọc những tác phẩm viết về các danh nhân, lịch sử, để tăng vốn hiểu biết, tích lũy vốn ngôn ngữ.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, nhà trường nên có một phần dạy kỹ năng đọc cho trẻ. Để trẻ định hướng cho các em nên đọc những loại sách truyện như thế nào cho phù hợp. Để các em không chỉ đam mê với truyện tranh mà còn đam mê với các loại truyện khác nữa.
Theo nhà văn Văn Giá, ngôn ngữ truyện tranh đa phần là lời thoại, kiệm lời đến mức hết sức có thể. Học sinh đọc nhiều sẽ bị ảnh hưởng về năng lực sử dụng ngôn từ và tạo lập câu, hạn chế về năng lực lập văn bản. Tuy nhiên điều mà nhà văn lo ngại nhiều hơn cả là việc ảnh hưởng của tâm hồn và nhân cách của trẻ. Những câu văn của học sinh thiên về miêu tả diễn biến hành động của nhân vật thay vì việc khắc họa nội tâm nhân vật.
Bên cạnh đó trong bài văn, các em ít thể hiện cảm xúc của người viết văn là một việc đáng lo ngại. Có một số ý kến cho rằng, việc đưa những tác phẩm văn học như: Giông tố, Tắt đèn... thành truyện tranh để trẻ hứng thú hơn với việc đọc sách. Tuy nhiên, nhà văn Văn Giá lại không đồng tình. Ông cho rằng học sinh cần có ý thức tích lũy học vấn và văn hóa. Nếu chỉ khích lệ trẻ đơn giản hóa tri thức bằng truyện tranh sẽ làm cho trẻ nhỏ lười biếng tưởng tượng, nghèo nàn về tâm hồn. Tri thức cần tích lũy kỹ lưỡng và bài bản.
Thành Huế