Mới đây, thầy Đào Quốc Vịnh đã có thư gửi đến Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn để phản hồi về sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không dạy chữ "P" độc lập, chỉ dạy chữ “PH” khiến nhiều phụ huynh không khỏi bất ngờ. Họ đặt ra câu hỏi: Tại sao Nhà xuất bản giáo dục có thể mắc lỗi nghiêm trọng như vậy?
Phụ huynh lo lắng việc sách giáo khoa nhiều lỗ hổng
Theo nhiều phụ huynh, chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều bộ sách giúp học sinh có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên vẫn phải "nhặt sạn", thậm chí nhiều lỗi trước đó vẫn không sửa.
Có con đang học lớp 1 bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, chị Nguyễn Thị Phương (Nghệ An) cho biết: “Từ đầu năm đến giờ, con học bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà nghe các chuyên gia, thầy cô phân tích lỗ hổng của bộ sách, tôi thực sự thấy lo lắng.
Ai cũng nói là lớp 1 là lớp nền móng nhưng bộ sách được chỉ ra hết lỗi này sang lỗi khác khiến chúng tôi thực sự khó lòng yên tâm. Rồi mấy hôm nay, các chuyên gia cũng phản biện lại ý kiến của thầy Hùng – chủ biên giải trình lý do không dạy “chữ P” thực sự càng hoang mang hơn”, chị Phương cho hay.
Cũng theo chị Phương, các chữ cái dù dùng ít hay dùng nhiều cũng cần được dạy đầy đủ, không thể cứ ít gặp hoặc không gặp là bỏ qua.
Chị Phương ví dụ: Cứ theo lập luận của thầy Hùng thì câu hỏi kiến thức chiếm bao nhiều phần trăm lượng kiến thức trong sách giáo khoa, nếu các thầy cô bỏ qua không dạy thì học sinh sẽ phải làm sao? Chẳng lẽ lại đi học thêm mới có?
“Nếu các tác giả biên soạn sách mà có suy nghĩ như vậy, chúng ta cần xem xét việc có nên chọn bộ sách đó để giảng dạy không. Đồng thời, tôi cũng mong muốn Hội đồng lựa chọn sách ở tất cả các cấp học cần cân nhắc và lựa chọn thật kỹ càng. Các con chúng tôi cần có một bộ sách tử tế để học”, chị Phương nhấn mạnh.
Không dạy chữ P thì học sinh gặp chữ “pin hay pao” sẽ đọc như thế nào?
Đó là một câu hỏi được một cô giáo ở Lạng Sơn chia sẻ: “Học sinh của tôi đa phần là học sinh dân tộc thiểu số. Từ nhỏ, các cháu nói tiếng của dân tộc mình, đi học, các cháu mới biết thêm tiếng phổ thông. Cho nên khi dạy, chúng tôi khá để ý. Những từ, chữ nào khó, tôi sẽ dạy lâu hơn, kỹ hơn.
Chữ “P” cũng vậy, nếu không dạy chữ “P” vậy học sinh gặp chữ “pin hay pao” sẽ đọc như thế nào? Trước đây, chữ P có thể xuất hiện ít hoặc tuy có phổ biến trong tên người, tên đất, tên đơn vị hành chính mà người ta vì một lẽ nào đó không quan tâm. Nhưng bây giờ chữ P xuất hiện khá nhiều, quan điểm về bình đẳng dân tộc của chúng ta cũng khác mấy chục năm trước, bởi vậy chúng ta không thể cứ đi theo lối mòn của sách giáo khoa cũ”.
Theo cô giáo này, dẫu chữ P ít gặp nhưng không thể nói ít gặp hoặc không gặp mà không cần thiết. Lớp 1 là nền móng cho các lớp về sau cho nên chúng ta cần phải dạy để khi gặp các từ như “Pắc Bó” hay “Sa Pa”, các con có thể biết đọc.
“Thừa kế những giá trị hay, giá trị tốt của bộ sách cũ là đúng nhưng chúng ta cũng cần phải cập nhật những cái mới, những xu thế phát triển của xã hội. Khi xã hội ngày càng phát triển thì ngôn ngữ cũng phát triển. Bởi ngôn ngữ chính là văn hóa, do đó không nên tư duy cứng nhắc mà biên soạn sách như vậy”, vị giáo viên này cho biết thêm.
Còn cô Nguyễn Thị Hồng Minh, giáo viên dạy lớp 1 Trường Tiểu học May Academy, người đang trực tiếp dạy môn Tiếng Việt cho học sinh theo bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” chia sẻ với báo chí: “Không biết ý tưởng của các tác giả như thế nào nhưng cá nhân tôi thì thấy chưa hợp lý bởi sách còn thiếu nhiều âm, vần, thiếu các bài dạy chữ hoa”.
Theo phân tích của cô Minh, chữ “P” xuất hiện ở rất nhiều chữ trong tiếng Việt như chữ “pin”, “pằng” hoặc trong tiếng dân tộc như “páo”, “pó”,… Nếu không dạy học sinh chữ P thì các em sẽ không biết cách đọc chữ này
Cô Minh cũng cho biết thêm bản thân cô đã sớm phát hiện ra vấn đề này và khi soạn bài giảng về chữ “PH”, cô luôn dạy cho học sinh chữ “P” trước rồi mới dạy đến chữ “PH”.
Đồng thời, theo cô Minh các vần khó đọc cũng cần được giới thiệu riêng trong các bài học vần. Càng khó càng phải dạy kỹ hơn để học sinh nắm được chứ không phải khó và ít dùng thì không dạy.
Cũng theo nhiều giáo viên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần phải sớm đưa ra hướng dẫn bổ sung hay khắc phục những điểm hạn chế mà các chuyên gia, giáo viên đưa ra. Không nên đưa ra một giải thích không thuyết phục để che giấu những thiếu sót của mình.
Linh Linh