Nguyễn Vĩnh Tiến - Người nhạc sĩ ngạc nhiên

Nguyễn Vĩnh Tiến - Người nhạc sĩ ngạc nhiên

Thứ 6, 12/04/2013 19:04

Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, nhà thơ Phan Huyền Thư đã gọi Nguyễn Vĩnh Tiến là nhạc sĩ ngạc nhiên. Và càng ngày người ta càng ngạc nhiên ở chỗ, cách gọi đó rất đúng.

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Chưa từng trải qua bất kì một trường lớp đào tạo âm nhạc, nhưng những sáng tác của anh đã làm giật mình hết thảy những con mắt tinh tường nhất. Với cái tôi nghệ sĩ đầy bản năng và tột cùng lãng mạn, Nguyễn Vĩnh Tiến đã thực sự gây xôn xao làng nhạc bằng những bài hit độc đáo của riêng mình: "Bà tôi, Giọt sương bay lên, Ngồi trên vách nắng, Sông ơi đừng chảy, Giọt thời gian".

Nhân vật - Nguyễn Vĩnh Tiến - Người nhạc sĩ ngạc nhiên

 

Nhà thơ lưu đày trên đất mẹ

Đã lâu, cái tên Nguyễn Vĩnh Tiến ít xuất hiện trên diễn đàn âm nhạc Việt Nam, anh có thể cho biết lí do?

Đã gần mười năm kể từ khi "Bà Tôi" và "Giọt Sương Bay Lên" được trao những giải thưởng cao quý của chương trình "Bài Hát Việt 2005". Hoạt động âm nhạc của tôi ít hơn một phần cũng là do chuyện học hành. Hiện nay tôi vẫn đang tu nghiệp tiến sỹ về Kiến trúc tại cộng hoà Pháp.

Sự vắng bóng của anh có phải là một lựa chọn ẩn dật trong thời buổi nhập nhằng sáng tối của âm nhạc Việt Nam?

Âm nhạc đối với tôi là cả một lĩnh vực rộng lớn và quá nhiều những chuyên ngành chuyên biệt. Cá nhân tôi chỉ dám tự gọi mình là một người viết ca khúc, tiếng Việt mình cứ gọi chung là Nhạc sỹ, nhưng nếu theo tiếng Anh thì tôi xét thấy mình chỉ vừa vặn là một Song Writer (người viết ca khúc) mà thôi. 

Người ta đang đua nhau nổi tiếng và kiếm tiền từ sự nổi tiếng, nghe  cũng không tệ lắm nhưng có lẽ tôi sẽ phải lần tìm về với một con đường vắng lặng hơn, cảm xúc hơn: Con đường dẫn đến sự vô danh. Vô danh giúp cho người ta nghe được nhiều hơn tiếng nói từ nội tâm, cũng có thể sáng tạo được nhiều hơn trên những cánh đồng mà những người nổi tiếng đã bỏ hoang. Đó là cánh đồng của văn hoá dân gian, cánh đồng tinh thần Việt. Người nghệ sỹ dân gian cũng là người vô danh, nhưng tác phẩm của họ thì như mạch ngầm chảy mãi trong tâm hồn nhiều thế hệ. Thực ra, trở thành vô danh là quá trình tất yếu của đa số chúng ta (trừ những nhân vật đặc biệt) nhưng hành trình trở về đó lại quá ít người đi.

Người ta nói lắm tài thì thường nhiều tật, anh cũng như thế hay là một ngoại lệ?

Các cụ nói chắc chẳng sai. Tôi chẳng bao giờ tự hài lòng với bản thân mình cả. Luôn luôn cần phải tu chỉnh bản thân từng sớm mai thức giấc.

Anh quan niệm thế nào về tình yêu? Ở tuổi này, tình yêu đối với anh có cần thiết phải bay bổng?

Về Tình Yêu, tôi thấy nó thật kỳ lạ. Tôi đã cố gắng mô tả chi tiết và cảm xúc trong tác phẩm "Cảm Giác Yêu" do Ngọc Khuê thể hiện. Hãy thử bay bổng một chút với ca từ của bài này nhé: "Cảm giác yêu... cho tôi bay bay trên đồng cỏ....cho tôi lang thang trong rừng thẳm... lòng buồn như rễ cây. Ở tuổi nào, tình yêu cũng có những ma trận, những cung bậc khó lý giải. Tình yêu có lẽ chính là một bài toán khó giải nhất của nhân loại.

Từng bị đồng nghiệp "ném đá"

Khán giả vẫn định danh Nguyễn Vĩnh Tiến với hình ảnh một kiến trúc sư - nhạc sĩ? Điều này có lợi hay có hại cho anh?

Lại trở lại vấn đề định danh. Tôi là một kiến trúc sư, một số đồng nghiệp đã "ném đá" và mỉa mai về khả năng kiến trúc khi tôi bất chợt nổi tiếng trong âm nhạc. Nhưng tôi thấy cũng chẳng sao, về kiến trúc, tôi đang lựa chọn một con đường khác, đó là lý thuyết. Tôi không thích đi những con đường mòn. Cũng may cho tôi vì còn có rất nhiều người thiện chí và hiểu biết vì họ hiểu rằng khi tôi viết nhạc thì tôi cũng chính là một kiến trúc sư, có lúc như một người thợ xây, xây những "ngôi nhà" bằng chính những nốt nhạc.

Âm nhạc đóng vai trò như thế nào trong những công trình của anh? Và ngược lại?

Âm nhạc có những nhịp điệu và kiến trúc cũng vậy. Nhịp điệu có thể thấy ẩn hiện qua những hàng cột, đôi khi thấp thoáng ở những ô cửa sổ. Tiết tấu nhanh chậm đôi khi cũng thay đổi theo không gian, thậm chí theo cả màu sắc. Màu trầm cho ta thấy một tiết tấu chậm rãi. Màu nóng và rực rỡ dễ gợi đến một tiết tấu vui tươi như nhịp nhạc 2/2 và 2/4. Âm nhạc có không gian và tất nhiên, bản chất của kiến trúc là không gian. Thật kỳ diệu khi kiến trúc sư nén được những không gian âm nhạc (ảo) vào trong những không gian kiến trúc (thực). Ở đó, kết cấu tầng bậc, sự nhắc lại và cả những thông điệp bí ẩn, những hành lang ánh sáng sẽ hòa quyện vào một bản giao hưởng chung.

Đôi khi, việc quy hoạch đô thị cũng được so sánh với việc soạn nên một bản giao hưởng khổng lồ. Âm nhạc có giai điệu và điều đó giống như tuyến trong thiết kế đô thị và sơ đồ giao thông bên trong những công trình. Chúng là những huyết mạch, có khả năng dẫn dắt, báo hiệu và quyến rũ chúng ta. Rất nhiều khi, tôi để Âm nhạc và Kiến trúc cứ mờ ảo và trộn lẫn trong tâm hồn mình. Tôi nhận thấy những mối liên hệ thú vị. Ví dụ như khi thiết kế nhà dân hay biệt thự thì giống như viết ca khúc. Khi thiết kế nhà cao tầng thì giống như viết một hợp xướng, thiết kế đô thị giống như một concerto và khi quy hoạch đô thị thì giống một bản symphonie vậy.

Nhân vật - Nguyễn Vĩnh Tiến - Người nhạc sĩ ngạc nhiên (Hình 2).

Nhà thơ Phan Huyền Thư đã gọi Nguyễn Vĩnh Tiến là “nhạc sĩ ngạc nhiên”. Ảnh Internet. Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến. Ảnh Internet.

Nhưng có vẻ anh đã hoá giải rất tài tình bài toán đó bằng những ký ức và hoài niệm?

Hồi ức, kỷ niệm hay chủ nghĩa kinh nghiệm tuy cần nhưng không đủ người sáng tạo. Cảm xúc tất nhiên là đáng trân trọng và ai cũng có nó, nhưng phần học thuật và những phương pháp cũng luôn cần bổ sung. Ý tưởng và chủ đề có sẵn ở khắp mọi nơi. Điều quan trọng là chúng ta "thêu" như thế nào, kỹ thuật thêu ra sao trên chiếc voan trắng của nhạc đương đại đó? Dòng chảy của văn hoá dân gian vẫn tồn tại mạnh mẽ trong đời sống hiện đại, chỉ có điều, những xô bồ háo danh háo lợi của những đô thị loè loẹt son phấn đã làm nó bị khuất lấp. Tuy nhiên, người tinh tế vẫn nhận ra được những chân giá trị và người nghệ sỹ đích thực thì luôn tìm đến những đỉnh núi có chân giá trị xa mờ đó, thậm chí là những đỉnh núi vô danh.

Ở Việt Nam, những bài hát mang âm hưởng "dân gian đương đại" thành công không nhiều. Theo anh, đó là do tài nghệ sáng tác của nhạc sĩ hay do thị hiếu của khán giả?

"Dân gian đương đại" là một thuật ngữ mới vẫn còn gây tranh cãi. Có người cho rằng: Luôn có một dòng chảy văn hóa âm nhạc dân gian của dân tộc trong ca khúc Việt Nam. Nói cách khác, từ khi âm nhạc mới ra đời đến nay, ở bất cứ giai đoạn nào, các nhạc sĩ Việt Nam luôn có ý thức khai thác những yếu tố dân gian để đưa vào ca khúc. Tuy nhiên, cũng có sự khác nhau: Người thì tiếp cận dưới góc độ ngôn ngữ, âm hưởng, chất liệu âm nhạc; người lại ở góc độ cốt truyện... Nhưng tất cả những điều đó đều hướng tới mục đích cuối cùng là đem cho người nghe một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh, mang đậm tính dân tộc. Những ca khúc dân gian đương đại thực chất là sự nối dài của một dòng chảy.

Chỉ cách đây mươi mười lăm năm, người ta thường hay nói tới tác phẩm hiện đại hay mang hơi thở thời đại, thì nay sẽ là tác phẩm âm nhạc đương đại... rồi mười, hai mươi năm sau, có thể sẽ là trung đương đại, rồi hậu đương đại chăng? Nhưng cũng có ý kiến khẳng định không hề có dòng nhạc dân gian đương đại mà chỉ có ca khúc mới mang âm hưởng dân ca. Hiệu ứng của những sáng tác này là điều không thể phủ nhận. Thế nhưng, không thể gọi đây là ca khúc đương đại.

Xin cảm ơn anh!

> Con gái Văn Hiệp tiếc không được nhìn mặt bố lần cuối

> Sao Việt thương tiếc 'Bác trưởng thôn' Văn Hiệp trên facebook

Đào Bích

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.