Ngay khi ca khúc "Xe tăng anh ra đảo" được phát đi lần đầu tiên từ sóng của Đài phát thanh truyền hình Quân đội Nhân dân thì đây là lần thứ hai tôi được nghe lại. Đặc biệt hơn cả là lần này tôi lại được nghe chính tác giả, đại tá - kỹ sư Nguyễn Kim Long, sinh năm 1945, nguyên Trưởng phòng Tăng thiết giáp và xe máy hải quân thể hiện nhân dịp ông từ Sài Gòn ra Hà Nội.
Đại tá - kỹ sư Nguyễn Kim Long, nguyên Trưởng phòng Tăng thiết giáp và xe máy hải quân
20 ca khúc xúc động về người lính đảo
Biết tin đại tá Kim Long sắp ra Bắc từ cách đây nửa tháng, tôi cứ thấp thỏm mong đến ngày gặp. Nhiều người hay nói những kỹ sư chỉ quen với máy móc, kỹ thuật nhưng khi gặp đại tá - kỹ sư Kim Long, suy nghĩ này trong tôi đã thay đổi. Ngoài chất nghiêm nghị pha lẫn dí dỏm của người lính, ông có một tâm hồn giàu xúc cảm và niềm đam mê lớn với âm nhạc. Cũng vì vậy mà trông ông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi.
Đại tá Kim Long quê gốc ở Hải Phòng, hiện đang sống cùng gia đình tại TP.HCM. Ông từng giữ chức Trưởng phòng Tăng thiết giáp Quân chủng Hải quân. Theo đó, công việc gắn với máy móc thiết bị, xe tăng ngoài đảo nên tất cả những ấn tượng, kỷ niệm trong cuộc đời ông đều gắn với biển đảo. Năm 1992, lần đầu tiên kỹ sư Kim Long ra đảo với cương vị Trưởng phòng Tăng thiết giáp hải quân. 10 năm sau đó, năm nào ông cũng ra đảo ít nhất chục ngày, riêng năm 2006, ông ra đó tới gần 3 tháng.
"Thời kỳ đó, xe tăng ngoài đảo có rất ít, cơ sở vật chất, nhà cửa hầu như chưa có gì, rau không, điện cũng không, nước ngọt thì hiếm. Mỗi năm có một vài tàu ra tiếp tế nhưng cũng chỉ được ít cá khô, nước mắm, cuộc sống lính đảo vô cùng khó khăn. Những chiến sỹ, kỹ sư ngành tăng thiết giáp như chúng tôi cũng vô cùng chật vật với vấn đề bảo dưỡng xe tăng vì mỗi xe chỉ được che bằng bạt, năm 2006 mới xây được một vài nhà để xe tăng. Tuy đời sống khó khăn nhưng những người lính quyết tâm bám đảo hàng năm trời để giữ, trang bị xe tăng trên đảo sẵn sàng chiến đấu", đại tá Kim Long chia sẻ.
Do tính chất công việc, đại tá - kỹ sư Kim Long đã đi tất cả 31 điểm đảo, trong đó có 9 đảo nổi, còn lại là đảo chìm. Ông là một trong những học viên khóa đầu tiên của ngành xe tăng thiết giáp (học viện Kỹ thuật Quân sự khóa IV năm 1969 - 1974). Lớp xe tăng đầu tiên của học viện chỉ có 17 người, do học giỏi nên chàng kỹ sư Kim Long ngày đó được giữ lại làm giảng viên. Sau năm 1984, kỹ sư Kim Long chuyển vào hải quân làm chủ nhiệm kỹ thuật ở lữ đoàn 147 tăng thiết giáp. Tiếp đó, ông chuyển về làm Trưởng phòng Tăng thiết giáp và Trưởng phòng xe của quân chủng hải quân.
Có thời gian dài sống trên đảo, trải qua mọi khó khăn gian khổ ngoài đảo và thấu hiểu những khó khăn của người lính, ngay khi về hưu năm 2004, đại tá Kim Long đã muốn làm một điều gì đó để nói lên những chất chứa trong suy nghĩ của mình. Rồi, ông đã viết những ca khúc về Trường Sa, về lính đảo, về hải quân một cách rất ngẫu nhiên. Ca khúc đầu tiên được ông viết tháng 9/2011 mang tên "Xe tăng anh ra đảo". Ngay sau khi ca khúc này được phát trên Đài phát thanh truyền hình Quân đội Nhân dân năm 2011 thì một loạt ca khúc được ra đời liền sau đó. Điển hình như "Tình ca người lính Trường Sa", "Người lính không mang tên", "Hải quân Nhân dân Việt Nam", "Tâm tình chiếc xe Q - H", "Người thôn nữ ấy"... Tất cả đều viết về người lính và tình yêu lính đảo.
Năm 2011, ông viết ca khúc "Người lính không mang tên" nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đoàn tàu không số. Vừa kể về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này, vị đại tá chợt lặng buồn trong giây lát, những ca từ trong ca khúc được ông viết để nói lên sự hy sinh thầm lặng của những người bạn mình. Trước đây, ông từng là học sinh của trường Hàng hải, 14 người bạn của ông thời đó đã được tuyển chọn xuống đoàn tàu không số chở vũ khí vào Nam. Khi đi làm nhiệm vụ, những chiến sĩ làm nhiệm vụ khác còn có tên, tuổi, số hiệu nhưng riêng với những chiến sĩ tàu không số thì hoàn toàn không có. Xuống tàu là chấp nhận để lại tất cả trên bờ, không tên, không tuổi, không được nói với người thân nơi quê nhà. Gặp giặc phải chiến đấu đến cùng, có khi phải tự cho nổ mìn phá tàu.
Vừa kể lại những kỷ niệm cũ đồng thời cũng là chất liệu để đưa vào ca khúc, đại tá Kim Long trầm ngâm: "Tất cả những ca khúc tôi viết đều có dấu ấn của bản thân trong đó".
Một số ca khúc do đại tá Kim Long sáng tác và bản thu hơn 20 ca khúc do chính ông thể hiện
Viết nhạc không phải vì muốn làm nhạc sỹ
Tính đến nay, đại tá Kim Long đã có trong tay 21 ca khúc, viết về hải quân, biển đảo, tình yêu người lính và ngành Tăng thiết giáp. Bài hát "Xe tăng anh ra đảo” là sáng tác đầu tiên của đại tá Kim Long trong chuỗi 20 ca khúc viết về người lính đảo.
Ông bảo: "Sau bài này tôi thấy mình có kỹ năng sáng tác. Tôi sẽ viết nhiều ca khúc về biển đảo và người lính hơn nữa để lại cho những người trong hải quân, dành tặng bạn bè, con cháu". Đặc biệt, tất cả các ca khúc đều được ông viết trong khoảng thời gian rất ngắn. Với ông, những ca từ cứ tuôn ra từ chính những trải nghiệm của bản thân về biển đảo. Cộng thêm tâm hồn âm nhạc sẵn có nên trở thành những lời tâm huyết. Đại tá Kim Long tâm sự: "Chất liệu cho các ca khúc tôi chẳng phải đi tìm hiểu ở đâu. Quá trình rèn luyện ở nơi đi qua khói lửa đã thấm vào tâm hồn, xúc cảm thành giai điệu không thể cưỡng lại được. Mình viết cho mình, giữ lại cho bạn bè chứ chưa bao giờ nghĩ viết để trở thành nhạc sỹ nổi tiếng".
Đang trò chuyện, chuông điện thoại của đại tá reo liên hồi, lời bài hát "Xe tăng anh ra đảo" được đặt làm nhạc chờ điện thoại cứ vang mãi đoạn điệp khúc "Trường Sa, Hoàng Sa...". Hiện tại, hơn 20 ca khúc của đại tá Kim Long đã được làm thành đĩa với sự phối khí của anh Chí Dũng (Nhạc viện TP.HCM). Không hề có sự cố vấn của bất cứ người nào làm trong ngành nhạc nhưng khi đem phối khí, các sáng tác của đại tá Kim Long được đánh giá là rất gọn gàng, lời hay, người phối khí nói rằng không thể góp ý thêm được gì. Đại tá Kim Long cho biết, ông sẽ vẫn tiếp tục viết nhạc về đảo, về lính theo dòng chảy cảm xúc từ chính bản thân mình. Những ca khúc này chưa phổ biến vì mới sáng tác, bên cạnh đó, ông muốn sáng tác cho ngành nghề, cho người lính. Khi được hỏi nếu có một đơn vị nghệ thuật muốn xin được phổ biến rộng rãi tất cả các sáng tác của ông, đại tá Kim Long cho biết sẽ đồng ý. Từ đó, nhiều người có thể hiểu hết những gian khổ của người lính hải quân, động viên ý chí của họ.
Ấn tượng và ngưỡng mộ người đại tá giàu tâm hồn nghệ thuật và tình yêu hải quân, tôi càng tâm đắc hơn khi được nghe trường ca "Hải quân Nhân dân Việt Nam" ông viết năm 2011. Đại tá Kim Long cho biết: "Hải quân Việt Nam có rất nhiều chiến công và hiện đang cống hiến hết mình cho đất nước. Cũng có nhiều ca khúc viết về hải quân nhưng nếu không có những trải nghiệm thực tế thì khó có thể nói hết những hy sinh của hải quân. Tôi đã liều mình viết trường ca này và hoàn thành trong vòng một tháng".
Trường ca này nói lên chiến công từ ngày đầu của hải quân đến khi giải phóng Trường Sa và giữ đảo. Điểm đặc biệt trong tác phẩm này là 31 điểm đảo đều được nhắc đến, giai điệu trầm hùng, mạnh mẽ khơi dậy ở người nghe tình yêu với biển đảo, nhất là qua cụm từ "chủ quyền Việt Nam" ở đoạn kết. Tác phẩm này cũng đã được đại tá Kim Long tặng Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam và sẽ được dàn dựng vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Quân chủng hải quân.
Không hề theo học lớp nhạc chuyên nghiệp, tất cả kiến thức về nhạc lý đều được đại tá Kim Long yêu thích và tự học từ thời phổ thông đến nay. Thế nhưng, những xúc cảm về âm nhạc cùng với tình yêu biển đảo của đại tá Kim Long đã viết ra những ca khúc khá ấn tượng về hải quân. Trò chuyện với vị đại tá trong cái lạnh đến cắt da cắt thịt của mùa đông, những giai điệu về biển đảo do chính ông sáng tác, thể hiện khiến ai nghe đều cảm thấy tâm đắc. Để rồi, khát khao được ra đảo để một lần trải nghiệm cuộc sống ngoài đảo xa lại mãnh liệt hơn bao giờ.
Yến Dương