Những sản phẩm ca nhạc "mì ăn liền" ra đời, gây ảnh hưởng tới một bộ phận không nhỏ khán thính giả. Nhìn ở góc độ kinh tế và khả năng lan truyền thì nhạc nhẹ hay nhạc thị trường đang sống khỏe và có phần lấn át nhạc tinh hoa. Với những người có tâm huyết thì đây là một thực trạng đáng buồn.
“Bò rống” lên ngôi, “vịt kêu” toả sáng
Từ khi đời sống kinh tế khá lên, mọi người được tiếp xúc nhiều hơn với mọi kiến thức của thế giới, các bà bầu rỉ tai nhau rằng phải cho con nghe nhạc khi mang thai. Mà nhạc ở đây phải là nhạc cổ điển, nhạc thính phòng, chứ không phải thứ nhạc ồn ào ở nơi mà các ca sỹ được tung hô trên các sân khấu như những ông hoàng bà chúa ngoài kia. Bởi nghe nhạc giúp thai nhi phát triển trí não, cảm nhận được những yêu thương từ cuộc sống, sau này sẽ thông minh hơn, giỏi giang và sống có ích. Nói vậy để đủ biết rằng, âm nhạc quan trọng như thế nào trong đời sống của nhân loại. Bởi âm nhạc không phải chỉ để thưởng thức, mà là để hình thành và phát triển nhân cách con người.
Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu.
Tuy nhiên, một thời gian người ta phát hoảng khi ngay đến đứa trẻ lên 3, nói còn chưa sõi đã nhắm mắt, lắc đầu rên rỉ những bài hát thất tình với ca từ dễ dãi, thậm chí vô nghĩa được phát từ nhà ra phố. Mà nói như một vị tiến sỹ chuyên nghiên cứu về âm nhạc thì công chúng Việt Nam càng về sau, càng chỉ quan tâm nhiều đến thanh nhạc và nhạc nhẹ, chứ chưa chú ý đến khí nhạc và hai mảng chính khác của âm nhạc là nhạc cổ điển (tinh hoa của thế giới) và nhạc dân tộc (tinh hoa của từng quốc gia). Người ta hầu như chỉ xem nhạc mà ít nghe nhạc. Vậy nên ca sỹ đứng trên sân khấu trước hết là phải có ngoại hình đẹp, rồi đến trang phục bắt mắt, vũ đạo điệu nghệ mới hấp dẫn được người xem, mới có cơ hội trở thành... sao.
Chưa bao giờ như thời buổi hiện nay, người người đều muốn làm ca sỹ, và ai ai cũng đều có thể có cơ hội thành ca sỹ, chỉ cần đẹp một chút, giọng hát không tệ đến mức như "bò rống", "vịt kêu" là được. Quan trọng là có một ông bầu tài lăng xê, và một cái đầu khôn lanh để có thể dùng mọi chiêu trò đánh bóng tên tuổi là ổn. Thử đếm trên đầu ngón tay, ở Việt Nam hiện nay những ca sỹ hát nhạc thị trường có bao nhiêu ca sỹ được đào tạo một cách bài bản về thanh nhạc. Vậy nhưng những ca sỹ này kiếm tiền như nước, đi một bước là có các fan hâm mộ tung hô, thậm chí sẵn sàng khẩu chiến với nhau vì họ. Những bài hát của họ vẫn thành hot (nóng - PV) trên khắp các trang mạng, các phương tiện truyền thông đại chúng, dù nhiều bài chỉ nghe vài lần rồi quên. Và các ca sỹ lại mải miết đi tìm một thứ khác để “hót”...
Rất nhiều người không cho những ca sỹ này xứng với danh xưng ca sỹ. Người ta gọi họ là những người đi hát. Nhiều bạn đọc chia sẻ đã lâu rồi họ không nghe nhạc trẻ Việt Nam. Khi nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 đưa ra những nhận xét thẳng thắn về các ca sỹ hiện nay của Việt Nam, không ít người hân hoan vì ông nói trúng quá. Nói cái điều bấy lâu nay họ muốn hét to cho mọi người biết, nhưng lại chẳng có tờ báo nào tìm đến hỏi. Cái hình ảnh nhiều bạn trẻ òa khóc, chen lấn nhau khi được gặp thần tượng của mình một dạo khiến không ít người thở dài ngao ngán. Quay nhìn lại, mấy người đủ lắng tâm để nghe hết một bản nhạc cổ điển, giao hưởng. Mấy người yêu và thuộc được một bài dân ca. Khuất sau những ồn ào, hào nhoáng của một sân khấu ca nhạc lớn, có hàng trăm nghệ nhân như "báu vật" hát xẩm Hà Thị Cầu từng sống vất vưởng trong nghèo đói mà không ai hay biết...
Những hào nhoáng nơi giá trị ảo ngự trị.
Khán giả xem, nghe đều bằng mắt
Nhiều người vẫn cho rằng, nhạc thị trường là thể loại thấp kém, thậm chí nó chẳng có một giá trị nào cho xã hội, mặc cho những nhận định đó, nhạc thị trường vẫn ồ ạt phát triển và có những khán giả riêng nhất định. Điểm qua các clip ca nhạc trên mạng sẽ thấy các ca sỹ đầu tư mạnh vào phần vũ đạo bắt mắt, trang phục đẹp, hình ảnh trong các clip chỉn chu, lôi cuốn người xem đến từng centimet hình ảnh. Khi khán giả lọt vào những clip ca nhạc dạng này họ sẽ bị chi phối về phần hình ảnh và họ không còn bận tâm nhiều đến việc ca sỹ hát như thế nào, người ca sỹ đó có hát hay thật sự hay không. Có một thực tế rằng, khi tập trung vào phần nhìn thì người ta khó lòng để tập trung để nghe được.
Sở dĩ, ngày nay nhạc giải trí phát triển rộng rãi là nhờ vào cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến, nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Chủ tịch hội Âm nhạc TP.HCM chia sẻ: "Những năm trở lại đây khi truyền hình và internet ngày càng phát triển sẽ phát triển nền âm nhạc thêm phổ biến. Tuy nhiên cũng từ đó cái nhìn tập trung nhiều hơn, chính vì vậy sự bùng nổ về nhạc giải trí càng cao". Nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện cũng chia sẻ thêm những nhận định về âm nhạc: "Mỗi loại âm nhạc phục vụ cho những đối tượng khán giả khác nhau. Âm nhạc cũng giống như một liều thuốc, nó nâng tinh thần của con người lên cao, chia sẻ, giãi bày với người ta cảm xúc, tâm tư tình cảm. Như thế là nhạc đã có giá trị riêng theo cách riêng của nó. Còn thế nào là nhạc xấu, chỉ khi nào nó vi phạm pháp luật, còn nếu được công nhận và phát triển ra thị trường thì không có nhạc xấu".
Sự phát triển của nhạc giải trí như một quy luật tất yếu, nhạc sỹ Nguyễn Cường cho biết: "Nhạc giải trí luôn luôn lấn áp nhạc tinh hoa, ở nhiều nước trên thế giới cũng giống như Việt Nam, họ cũng phải chấp nhận tình trạng này, đó là một quy luật không thể khác. Đã là nhạc tinh hoa thì tính văn hóa cao lên, nó sẽ có đẳng cấp riêng, chính vì thế nó sẽ không thể tràn lan như nhạc giải trí".
Kim chỉ nam đang ở đâu?
Giữa một không gian âm nhạc mênh mông, khổng lồ với đủ chủng loại, khán giả dễ bị choáng ngợp trong sự xô bồ đó thì rõ ràng cần phải có một kim chỉ nam nào đó dành cho họ. Nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ: "Giáo dục thẩm mỹ học trong âm nhạc sẽ giúp cho xã hội có một góc nhìn thẩm mỹ tốt, sẽ biết phân loại nhạc để nghe, có chọn lọc trong âm nhạc cũng từ đó sẽ giúp cho nền âm nhạc Việt Nam phát triển với âm nhạc thế giới, để làm được những điều này phải chăng chúng ta cần phải giáo dục ngay từ khi trẻ còn học lớp 1. Bên cạnh đó cần có sự quan tâm của Quốc hội và Nhà nước về luật pháp cũng như những chính sách riêng để âm nhạc Việt ngày càng phát triển hơn".
Thiết nghĩ, nhạc giải trí và nhạc tinh hoa là hai yếu tố tồn tại song song trong xã hội, mỗi loại nhạc khác nhau sẽ có những khán giả khác nhau, đó là màu sắc trong cuộc sống. Tuy nhiên, để nền âm nhạc Việt Nam tiến xa hơn nữa việc giáo dục gu thẩm mỹ luôn là điều cần thiết. Nhạc tinh hoa kén khán giả cũng một phần do khán giả chưa có kiến thức về nhạc tinh hoa. Thêm một phần, những kiến thức căn bản về âm nhạc thường bị "bỏ rơi" trong nhiều trường học khiến lỗ hổng về âm nhạc luôn tồn tại trong thế hệ trẻ. Nâng cao kiến thức, đặc biệt là những kiến thức về âm nhạc sẽ giúp con người trở nên hoàn thiện hơn trong cuộc sống và sống nhân ái hơn.
Không biết một nốt nhạc cũng thành ca sỹ Nghệ sỹ Bích Đào, nguyên cán bộ đoàn Văn công Trung ương, nghệ sỹ thổi sáo đầu tiên tại Việt Nam nói: "Ngày xưa, nhạc giải trí không có nhiều như hiện nay, còn bây giờ đi đâu cũng có nhạc giải trí, nào là quán cà phê, nhà hàng, quán bar, sự phổ biến này ắt sẽ lấn áp nhạc tinh hoa. Công nghệ giải trí khiến nhiều ca sỹ không biết nốt nhạc, không có giọng hát nhưng vẫn có thể trở thành ca sỹ nếu biết kết hợp yếu tố nhìn vào nhằm tung hỏa mù với khán giả. Giải trí sẽ mãi là giải trí và người ta sẽ dễ dàng quên đi chỉ sau một vài lần nghe. Thứ còn lại mãi mãi mới là những giá trị thực". |
Hương Lam - Hợp Phố