Tôi cứ tưởng rằng chỉ có ma cà rồng trong một bộ phim giả tưởng, lãng mạn nổi tiếng của Mỹ mới có thể hút máu người nhưng hóa ra ở Việt Nam, người bình thường cũng có thể kiếm chác được trên những giọt máu của người khác.
Sự việc xảy ra ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định (TP. Quy Nhơn, Bình Định). Theo báo Dân trí, nhân viên tên L.H.V - kỹ thuật viên trung cấp tại khoa Huyết học đã cấu kết với người ngoài đưa những tờ phiếu để ký khống nhận tiền bồi dưỡng cho người hiến máu. Thông tin này đã được ông Hồ Việt Mỹ, Giám đốc bệnh viện xác nhận.
Với tổng cộng 43 tờ phiếu được đưa ra ngoài, mỗi phiếu trị giá 320.000 - 400.000 đồng. Nhân viên đó được nhận một nửa của con số 16 triệu đồng ấy. Sau khi thanh niên ở ngoài bị bắt, V. cũng đến Công an TP. Quy Nhơn khai nhận và hoàn trả số tiền cho bệnh viện. Theo bác sĩ Hồ Thị Kim Chung, Phó khoa phụ trách Huyết học thì V. là một nhân viên tốt.
Đây không phải là sự việc hi hữu vì cách đây 3 năm, trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM cũng đã làm “dư” vài trăm triệu đồng tiền bồi dưỡng (mua sữa, thuốc bổ) cho người hiến máu nhân đạo. Tổng số tiền “dư” gần 928 triệu đồng chỉ vô tình được một nhân viên phát hiện ra. Khi đó, trung tâm hiến máu mới thừa nhận số tiền đó là do “mua hàng không tròn số”.
Thiết nghĩ, không phải ai tình nguyện hiến máu nhân đạo cũng cần những số tiền bồi dưỡng ấy. Và nó cũng chỉ mang ý nghĩa khuyến khích người dân tích cực hiến máu nhiều hơn vì “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Nếu “bán máu” mà giàu được, không ít người đã kinh doanh bằng cách này. Ấy vậy mà một hành động nhân đạo lại bị “bóp méo” đi ý nghĩa, tính chất, mục đích bởi những người trung gian.
Tất nhiên trong sự việc ở trên, số tiền bị lấy đi cũng đã được trả lại. Nhưng nếu không bị phát hiện, con số ấy liệu có tăng lên? Ai biết được!
Tha thứ là cách tốt nhất để khơi gợi sự lương thiện ở mỗi cá nhân. Ai cũng mắc sai lầm và có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Nhưng không bức xúc sao được khi phải nghe, đọc những thông tin như thế.
Chỉ muốn nhắn nhủ tới những “con sâu” rằng: Ăn gì thì ăn chứ đừng “ăn máu”. Hãy để một hành động nhân đạo mang đúng ý nghĩa quý báu của nó.
Thảo Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả