"Diễn viên" của vỉa hè
Chúng tôi đang ngồi bên quán trà cóc trên phố Trần Hưng Đạo. Một người đàn bà tay xách túi ni -lông, đến sát chúng tôi, chị bảo: "Đánh giày không các anh?". Chị là Nguyễn Thị Huệ - 43 tuổi, quê gốc Thường Tín lên phố đánh giày được 6 tháng nay.
Chị kể, ngày trước công việc này là của chồng nhưng bây giờ chính sách của thành phố đã khác chị đành phải thay chồng đi đánh giày kiếm tiền nuôi gia đình. Ngày xưa, chị cũng được học hết trung học phổ thông, có chút nhan sắc và nhiều mơ ước tương lai. Nhưng rồi duyên số đã gắn chị với người chồng bệnh tật.
Anh bị gai cột sống, không làm được việc nặng nên hơn 10 năm trời, chồng chị bám hè phố Hà Nội đánh giày kiếm cơm. Công việc bốc vác nặng nhọc thì chị không làm được, làm thuê ở các quán ăn, nhà hàng thì họ thuê cả năm, không thuê theo mùa... Chị vẫn biết làm công việc này trái với quy định của thành phố nhưng vì hoàn cảnh chị đành chấp nhận vi phạm.
Chị nói, ngày nào may mắn cũng kiếm được 40, 50 nghìn đồng, không phải đầu tắt mặt tối, công việc nhàn như đi du lịch ấy mà. Tối đến, chị trở về xóm trọ ở phố Minh Khai cùng mấy em gái đánh giày khác. Họ phải trả 5.000 đồng một người cho một chỗ ngủ trọ một đêm. Chị kể, cái phòng bé tẹo nhưng trên chục chị em ngủ phải nằm úp thìa, sáng ra đau hết cả người vì không có đất để trở mình được thoải mái.
Em Trần Thị Dung - 12 tuổi, quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa) có hoàn cảnh rất éo le. Tôi gặp em đang thất thểu một túi xách mà bên trong là bộ đồ đánh giày trên phố Ngô Thì Nhậm, khuôn mặt buồn, đôi mắt ngân ngấn nước, giọng nói lí nhí. Em vào nghề đánh giày được 5 tháng nay rồi. Nhìn cách ăn mặc có phần tươm tất, gọn gàng và không vồ vập khách như đám đồng nghiệp nam giới những người không tinh ý chưa chắc biết em gái ngây thơ ấy đang làm nghề đánh giầy.
Em kể, giọng buồn buồn: "Mẹ cháu bị bại liệt 3 năm nay không làm được gì cả, hai đứa em thì vừa thất nghiệp về quê, tất cả trông chờ vào cháu. Tôi hỏi em sao không kiếm việc khác? Em nói: "Cháu thử rồi, làm đủ nghề, từ rửa bát, trông em thuê cho người ta, nhưng cũng chẳng ăn thua. Dung còn bảo đã đi đánh giầy thì ai chả sợ, nhất là con gái lại càng sợ. Khi nhìn thấy ông công an, ông dân phòng thì lẩn trốn, giả vờ như mình đi chơi, đi tìm người nhà ấy chứ. Nói đến đây nước mắt cô bé tuôn trào.
Nhưng em còn may mắn hơn bé Nhài vì vẫn còn mẹ, còn chỗ dựa vững chắc về tinh thần, còn gia đình để lui về trong những lần cần hơi ấm của mẹ, cần sự chở che của tình mẫu tử. Bé Nhài đã mất cả cha lẫn mẹ, mất nhà cửa trong lần cơn bão đổ bộ vào miền Trung. Em đành phải bỏ xóm chài theo mấy chị ra đây kiếm sống.
Lúc đầu em đi bán từng bao thuốc lá, cột kẹo cao su nhưng không lời lãi được bao nhiêu, sau thấy chị Dung đánh giày có tiền nên em cũng sắm đồ nghề để cùng các chị lang thang các con phố kiếm tiền... Để rồi khi màn đêm sụp xuống, Dung và Nhài hẹn gặp nhau ở bến xe Kim Mã để cùng trở về xóm ổ chuột ngủ úp thìa với giá 2.000 đồng /đêm.
"Thương hiệu" đánh giày Hồng "lún"
Tại ngã ba Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng nếu ai có dịp qua sẽ gặp chị với những cái vẫy tay, mời đánh giầy rất tử tế của Hồng "lún". Chị hành nghề đánh giày ở ngã ba này được 3 năm có lẻ, cái biệt hiệu "lún" cũng từ nghề đánh giày mà ra. Vốn có dáng người thấp lè tè, bản tính nhún nhường, không chồng không con nên mọi người làm ăn buôn bán ở đây rất thương chị.
Chị vốn không nhớ nổi quê quán và thân thế của mình. Những người dân ở đây kể, 5 năm trước người ta thấy chị lang thang như một người điên ở phố này. Người ta cho chị ăn, cho uống và ở nhờ vỉa hè mỗi khi đêm xuống. Sau dần, chị dần khỏi điên, quay ra xin ăn, rồi theo mấy bà bán nước chè cóc. Nhưng do cạnh tranh khốc liệt, chị quay ra học nghề đánh giày. Bây giờ, ở khu này, mỗi khi có khách, bà con đều giới thiệu đến chị để chị có tiền trang trải cuộc sống.
Có điều làm ấm lòng người đó là chính quyền cũng tạo cơ hội cho chị làm ăn, chị biết ý không mồi chào khách mất lịch sự. Chị lại tích cực tham gia các phong trào trật tự phố phường nên bây giờ, hàng tháng chị cũng kiếm đủ tiền thuê nhà và chi tiêu cuộc sống. Chị nhận thêm việc trông xe cho mấy quán bia bên cạnh nên cũng không lo thất nghiệp như mấy chị em đánh giày lang thang khác.
Tại Hà Nội, ngoài chị ra còn có người đàn bà đánh giầy có thương hiệu, đó là chị Vân ở ngã tư Lý Thường Kiệt - Quang Trung. Cũng như chị Hồng "lún", chị Vân vừa đánh giày, vừa trông xe cho quán cafe nên không bị công an xua đuổi. Các chị dường như là hai kiều nữ đánh giày độc nhất của Hà Nội không phải lang thang. Khách đến đánh giày tin tưởng tuyệt đối vì không sợ các chị xách giày bỏ trốn như những người khác. Các chị bảo "may mắn khi được mọi người quan tâm, tạo môi trường hành nghề tốt".
Những cạm bẫy vô hình
Mỗi chị em có mỗi hoàn cảnh khác nhau, họ chấp nhận làm cái nghề nguy hiểm này để có tiền tồn tại, giúp đỡ gia đình. Những phụ nữ có tuổi thì có kinh nghiệm sống, có sự bươn chải trong xã hội rồi, còn những bé gái thì sao?
Trên những con phố, ngõ ngách, không biết có bao nhiêu cạm bẫy vô hình đang rình rập các em. Kẻ xấu dùng các em làm phương tiện vận chuyển hàng cấm, những con quỷ râu xanh luôn muốn nuốt chửng các em. Mới đây cả Hà Nội xôn xao về vụ một bé gái bị một lão già xấp xỉ tuổi ông rủ rê về nhà để làm chuyện đồi bại; rồi chị Mai ở Thường Tín bị mấy tên côn đồ đánh cho một trận thập tử nhất sinh vì dám tranh khách và vượt qua khu cấm địa của chúng.
Trên những con phố các chị em đi qua, có mấy ai biết được rằng bên trong những quán karaoke ôm, nhà nghỉ, khách sạn, là những ánh mắt dõi theo của những tú ông, tú bà nếu có dịp là họ sẵn sàng quăng mồi và dễ dàng bắt được những cô bé thơ ngây dưới cái vỏ bọc cứu nhân độ thế. Để rồi từ những nơi này, sau cuộc lột xác các em trở thành món hàng mua vui cho khách làng chơi, trở thành những con bệnh của xã hội.
Em Hoa, quê ở Hà Nam, kể một lần em đánh giày ở mạn Hà Đông, khi đi ngang qua vùng tiếp giáp giữa Thanh Xuân và Hà Đông, thì có bà to béo ục ịch lại hỏi: "Sao, làm được không cưng?". Hoa ngây thơ trả lời. Thế thì bỏ nghề đi, vào phục vụ cho nhà hàng cho chị. Em còn trẻ, lại xinh thế này, ắt có nhiều tiền. Phục vụ khách hát và nếu may mắn thì có nhiều đàn ông thương, họ rủ đi chơi là có tiền. Sau vụ đó, Hoa tránh xa những nơi nhạy cảm.
Nhưng em lại kể về cô bạn cùng làng tên Điệp, cũng đánh giày như em. Có hôm, Điệp đang đi đánh giày ở phố Ngọc Khánh, chợt, từ trong căn nhà xây to đùng trên mặt phố, một ông già độ 60 tuổi gọi giật lại, nói là vào nhà đánh cho vài đôi giày.
Điệp ngồi đánh, còn ông già ấy cứ nhìn hau háu vào mặt, rồi vào ngực em. Ban đầu, ông ta nói chuyện rất dễ nghe, có vẻ thông cảm với hoàn cảnh của em, nhưng rồi ông ta cứ ngồi sát lại, ôm lấy vai em. Em giật mình đứng phắt dậy. Ông ta bảo, chiều ông ta sẽ cho nhiều tiền. Cô bé Điệp chưa kịp hoảng hồn thì ông ta đã ôm chầm lấy em sờ soạng lung tung. Điệp la làng rồi bỏ chạy ra phố. Tối về xóm trọ ẩm thấp ở Cầu Giấy, Điệp kể cho Hoa nghe. Hai bé gái chỉ biết ôm nhau khóc, tủi phận cho thân đánh giầy...
Nhưng, hôm sau Điệp và Hoa lại dậy từ rất sớm để tiếp tục hành trình đánh giầy nơi góc phố, vỉa hè, mà ở đó nhiều sóng gió cuộc đời như muốn xô ngã những thân phận nhỏ bé. Các em cứ đi hết quán ăn này, nhà hàng nọ, góc đường này, ngõ hẻm kia để mong sao gặp một ai đó gọi lại đánh giầy, lau dép cho họ...
Dũng Trần