Một di tích quý giá như vậy bị xâm hại hàng tháng trời, nhưng từ các cấp Chính quyền địa phương đến cơ quan chức năng có thẩm quyền lại không hề biết hay có bất kỳ động thái xử lý nào. Mãi đến 30-8, cuộc họp chính thức về vấn đề này mới được Sở VH-TT&DL tổ chức. Nhưng kết quả của nó đã khiến nhiều người quan tâm đến sự việc cảm thấy không thỏa đáng.
Chùa Trăm Gian trước khi bị "bức tử"
Vẫn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau
Trong buổi họp báo diễn ra chiều 30/8, Ông Phạm Quang Long (giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội) thừa nhận: "Việc nhà chùa tự ý hạ giải và thi công nhà Tổ, gác Khánh là sai nguyên tắc, quy trình và vi phạm Luật Di sản Văn hóa. Tuy nhiên, hai hạng mục này đều đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ. Bởi vậy, đến cuối 2011, liên Sở Văn hóa, Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính và UBND huyện Chương Mỹ đã có văn bản đồng trình UBND thành phố cho phép hạ giải ngay các hạng mục trên và đề nghị thành phố đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo nhưng chưa bố trí được nguồn kinh phí. Dù vậy, nhà chùa cũng phải chờ cấp trên phê duyệt chứ không thể tự ý làm như vậy", ông Long nói.
Nói thêm về sự việc, Ông Vũ Văn Doãn, chủ tịch UBND xã Tiên Phương (Chương Mỹ, Hà Nội), cho biết: "Trụ trì chùa Trăm Gian có trình bày về tình hình thực tế di tích đã hư hỏng trầm trọng mà mùa mưa bão đang tới gần. Trước sự việc cấp bách như vậy, UBND đã đồng ý và ủng hộ nhà chùa bằng việc thông báo lên loa phóng thanh của xã để nhờ nhân dân góp sức. Quả thực, UBND xã cũng chỉ lấy sự an toàn của người dân đến thắp hương làm lễ nên đã "quên" không báo cáo lên cấp trên".
Việc "quên báo cáo cấp trên" ở đây, theo giải trình của lãnh đạo UBND xã Tiên Phương là UBND huyện, khi sư trụ trì bắt đầu tiến hành tự ý phá dỡ các hạng mục công trình di tích. Tại cuộc họp, ông Vũ Văn Đông, phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cũng thừa nhận điều này và khẳng định thêm: "Sư thầy trụ trì chùa Trăm Gian đã tự cho tháo dỡ nhà Tổ và gác Khánh không báo cáo chính quyền địa phương và chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép là vi phạm các quy định về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Việc xây dựng nhà Tổ, gác Khánh diễn ra trong thời gian qua do UBND xã Tiên Phương và nhà chùa không báo cáo kịp thời nên có phần trách nhiệm của UBND huyện về công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. UBND huyện Chương Mỹ đã nghiêm túc kiểm điểm, báo cáo Thường trục Huyện ủy và làm rõ trách nhiệm. Còn trách nhiệm đến đâu chúng tôi sẽ nhận đến đó nhưng phải chờ kết luận của Thanh tra".
Dù nhận trách nhiệm có liên quan nhưng theo ông Đông, phía UBND huyện Chương Mỹ đã hoàn thành tương đối tốt trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước như bảo vệ diện tích nhà chùa không bị xâm chiếm, xây kè hồ sen,... Còn việc nhà chùa tự ý cho hạ giải và xây mới thuộc về trách nhiệm của Ban quản lý di tích cũng như phía Sở VHTT&DL chịu trách nhiệm chính về vấn đề này.
Trong việc đáng tiếc này, cũng phải nói thêm rằng việc một di tích lớn cấp Quốc gia mà quá trình thi công ròng rã hơn một tháng trời đến khi sắp hoàn thành cơ quan quản lý mới phát hiện ra, mà chính xác là sau khi báo chí đưa tin Sở VHTT&DL mới biết. Qua đây cho thấy sự phân cấp quản lý từ địa phương đến cơ quan trực tiếp quản lý cấp trên phối hợp chưa chặt chẽ dẫn đến xảy ra sự việc đáng tiếc. Lãnh đạo sở VHTT&DL cho biết: "Ngay sau khi báo chí đưa tin Sở đã cho người xuống kiểm tra và tiến hành lập biên bản và đình chỉ thi công. Qua khảo sát cụ thể, thiệt hại đã rõ, tuy không trầm trọng nhưng gây hậu quả xấu trong xã hội, tổn hại đến di tích. Việc địa phương không báo cáo sự việc chứng tỏ thái độ trách nhiệm và năng lực quản lý yếu của cán bộ chuyên môn". Vị lãnh đạo Sở cũng nhìn nhận, tuy không quản lý trực tiếp song Sở có khuyết điểm do thiếu biện pháp xử lý kịp thời di tích khi có dấu hiệu bị đổ do mưa bão..
Không thể phục dựng nguyên dạng
Theo vị giám đốc sở VHTT&DL, sư thầy Thích Đàm Khoa trụ trì đã thực hiện việc dỡ chùa và cho xây dựng chùa rất bí mật, sư thầy cho chế tác và thực hiện không theo trình tự hành chính. Việc sai phạm đã rất rõ và rất nghiêm trọng bởi xâm hại đến di tích Quốc gia. Qua đây, cho thấy nhận thức của sư thầy và địa phương rất yếu kém. Còn sai phạm của sư thầy như thế nào thì cũng phải chờ thanh tra kết luận.
Việc đã rồi như "bát nước hắt đi, rất khó mà lấy lại được", dù có "cao siêu" thế nào thì một phần của di tích bị xâm hại sẽ khó lòng mà được như ban đầu nữa. Như chính ông Lê Thành Vinh, viện trưởng Viện bảo tồn di tích cho biết: "Theo khảo sát bước đầu thì những cấu kiện chính rất quan trọng cơ bản vẫn còn nguyên dạng. Trên thực tế khả năng phục dựng lại nguyên dạng ban đầu hầu như không thể nhưng sẽ làm sao để gần với nguyên dạng ban đầu nhất có thể. Còn yêu cầu phục dạng nguyên vẹn 100% như ban đầu thì là điều không thê,í bởi bất cứ cái đã phá dỡ ra rồi thì không thể lấy lại như cũ được".
Buổi họp báo diễn ra trong không khí nảy lửa, trước câu hỏi của phóng viên về việc bao giờ sẽ có kết luận về vụ việc và ai sẽ phải chịu trách nhiệm, lãnh đạo Sở VHTT&DL cho hay không thể vội vàng. "Chủ tịch UBND Hà Nội đã giao cho chúng tôi thành lập một Ban Thanh tra, thanh tra toàn bộ vụ việc xem vi phạm của cơ quan quản lý ở chỗ nào, vi phạm của ban quản lý di tích ở chỗ nào, vi phạm của người chịu trách nhiệm chỉ huy vụ việc thế nào, và có đánh giá xong thì mới có thể kết luận được. Không thể vội vàng trước một vụ việc liên quan đến một vấn đề lớn như vậy được đâu!", ông Phạm Quang Long nói.
Các cá nhân tập thể sai phạm phải được xử lý trước ngày 20/9 Trước đó, nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định cách chức Trưởng ban di tích của ông Nguyễn Bá Lương (phó chủ tịch UBND xã Tiến Phương) và yêu cầu nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi nguyên trạng nhà Tổ, gác Khánh và bậc cấp sân trước tiền đường trên cơ sở tái sử dụng tối đa các cấu kiện cũ của công trình và thiết kế đã được thỏa thuận, đồng thời thực hiện đầy đủ các thủ tục để tu bổ di tích theo quy định. Ngoài ra, các cá nhân và tập thể liên quan có hành vi xâm phạm di tích lịch sử quốc gia chùa Trăm Gian phải bị kiểm điểm, xử lý nghiêm, báo cáo kết quả về UBND thành phố trước ngày 20/9. |
Thiên Vũ