Nhiều giáo viên bị điểm dưới trung bình
Được biết mới đây tỉnh Bắc Ninh vừa diễn ra cuộc thi kiểm tra năng lực chuyên môn cho khoảng 5.000 giáo viên các cấp trong tỉnh. Theo đó toàn bộ giáo viên của tỉnh tập trung lại một địa điểm là trường THPT Hàn Thuyên để thi. Với đội ngũ giáo viên THPT khối Giáo dục Thường xuyên, các thí sinh sẽ phải trải qua 8 môn thi gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, tiếng Anh (trong đó môn tiếng Anh dành cho giáo viên khối các trường THPT ngoài công lập).
Khoảng 4.000 giáo viên THCS và giáo viên khối Tiểu học sẽ phải trải qua hai môn thi là Toán và tiếng Việt. Các giáo viên làm các môn thi khác nhau được ngồi xen kẽ và làm đề thi do sở đề ra. Cuộc kiểm tra này chỉ miễn thi cho các đối tượng là cán bộ quản lý, giáo viên đang học các lớp nâng cao nghiệp vụ, giáo viên bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi các cấp và những giáo viên nam 55 tuổi trở lên, giáo viên nữ 50 tuổi trở lên.
Trước đó nhiều tỉnh thành như Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bắc Giang,... cũng đã tiến hành cuộc thi kiểm tra chất lượng này. Được biết, sau cuộc kiểm tra này khá nhiều giáo viên đạt mức điểm dưới trung bình. Đặc biệt ở tỉnh Bắc Ninh với bộ môn Ngoại Ngữ, con số giáo viên đạt trên mức điểm trung bình đếm trên đầu ngón tay. Kết quả này khiến khá nhiều người bất ngờ.
Đặc biệt, theo tinh thần của cuộc kiểm tra chất lượng này dù giáo viên có đạt điểm trên trung bình lẫn giáo viên đạt điểm dưới trung bình thì cũng không ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chất lượng của giáo viên đó ở trường đang dạy, kết quả chỉ mang tính tham khảo. Giáo viên có kết quả yếu kém cũng không bị đưa vào danh sách cần bồi dưỡng thêm kiến thức. Thậm chí họ cũng không bị khiển trách, nhắc nhở.
Các giáo viên khối tiểu học dự thi môn Toán.
Giáo viên bị "muối mặt"!?
Bên cạnh đó, đề kiểm tra chất lượng giáo viên cũng khiến nhiều giáo viên phân vân. Và đội ngũ chấm thi là ai, có đủ khả năng để chấm bài thi của giáo viên hay không. "Tôi không rõ đề kiểm tra này do ai soạn ra, dựa vào nguyên tắc gì để ra đề. Bởi thông thường mỗi người được giao dạy ở một hoặc hai khối nhất định. Vậy mà Sở cho tất cả giáo viên của cả khối lớp 10,11,12 thi chung một đề. Khối kiến thức quá rộng khiến giáo viên "bơi" như thế nào, cũng không biết ôn thi ra sao. Nếu đề thi vào khối đang dạy thì giáo viên đó được điểm cao, không may rơi vào chương trình mình không dạy thì đặt dưới mức trung bình là chắc”, cô giáo Nguyễn Thị Bình dạy ở một trường thuộc huyện Quế Võ, Bắc Ninh chia sẻ.
Một giáo viên (xin được giấu tên) của trường THPT Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) cũng vô cùng bất bình. "Đúng là theo quy định thì giáo viên của khối THPT đều có thể dạy được cả ba khối 10, 11, 12. Thế nhưng khi đi dạy thì giáo viên luôn có sự hỗ trợ của sách giáo khoa, và có thời gian để soạn giáo án trước khi lên dạy. Còn việc đột xuất kiểm tra kiến thức của cả ba khối thì ít có giáo viên nào nhớ được hết, nhất là với bộ môn lịch sử của chúng tôi. Tôi không thể nhớ cụ thể chi tiết của từng trận đánh, giết được bao nhiêu người, ở địa điểm nào...". Thầy giáo này cũng cho rằng nếu coi đây là cuộc kiểm tra kiến thức của giáo viên để từ đó vạch ra các chiến lược giáo dục thì kết quả của nó chưa cao. Không thể qua một bài thi mà đánh giá được chất lượng, kiến thức của giáo viên.
Thêm vào nữa, dù các sở GD&ĐT đều cho rằng kết quả thi chỉ là những con số, không hơn không kém, không có giá trị để đánh giá khả năng truyền đạt, kiến thức chuyên môn, thế nhưng mỗi khi cuộc thi đến các giáo viên đều đau đầu. Bởi hệ lụy của nó khiến nhiều người "muối mặt". Một giáo viên của trường THPT Ngô Gia Tự, Từ Sơn, Bắc Ninh cho hay nhiều người từng là gạo cội của trường, từng tự hào về kiến thức của mình, vậy mà sau cuộc kiểm tra kiến thức không dám nhìn mặt mọi người.
Bởi lẽ kết quả của cô giáo này dưới mức trung bình, chỉ bằng điểm số của những giáo viên vừa mới ra trường. Trong các trường thường diễn ra tình trạng ì xèo giữa các giáo viên. Thậm chí học sinh không còn tin tưởng vào kiến thức của giáo viên đang giảng dạy. Chính điều này khiến nhiều giáo viên cho rằng cuộc khảo sát chất lượng không những chưa đạt được kết quả như nó mong muốn mà còn nảy sinh ra những điều tiếng không đáng có hậu cuộc kiểm tra.
Phải trau dồi chuyên môn
Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hương Trang cho PV báo ĐS&PL biết: Cuộc thi sẽ giúp cho ngành GD&ĐT khảo sát, đánh giá đúng mức chất lượng thực chất của đội ngũ giáo viên toàn ngành, từ đó có các giải pháp kịp thời trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục đề ra. Kết quả của cuộc khảo sát này không ảnh hưởng đến sự đánh giá chất lượng giáo viên đó ở nơi đang công tác. Không ảnh hưởng đến việc xét duyệt khen thưởng kỷ luật, điều chuyển công tác.
Khi được hỏi đánh giá về tác dụng của kỳ thi này, bà Hương cho rằng qua bài kiểm tra này không thể đánh giá chất lượng dạy học của giáo viên. Chất lượng của giáo viên phải dựa vào kết quả của học sinh, kết quả kiểm tra khi dạy trên lớp, kết quả qua thanh kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên bà cũng cho rằng nó có tác dụng nhất định khiến những giáo viên đạt dưới điểm trung bình ngại với đồng nghiệp, từ đó phải trau dồi kiến thức nhiều hơn nữa. Bà cũng cho rằng năm tới sở GD&ĐT Bắc Ninh vẫn sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra chất lượng giáo viên.
Trao đổi với báo Người đưa tin GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT cho biết trong thời gian ông làm Bộ trưởng chưa bao giờ diễn ra những cuộc thi tập trung giáo viên để kiểm tra chất lượng như vậy. Nếu ở một bộ môn nào đó có số lượng giáo viên đạt dưới trung bình nhiều thì thật đáng buồn. Những giáo viên đó cũng cần nhìn nhận lại bản thân mình. |
* Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu
Thành Huế