Mặc cho các cơ quan chức năng truy quét gắt gao, tệ nạn mại dâm vẫn tồn tại và phát triển rầm rộ trong thời gian gần đây. Nếu trước đây chỉ có các cô gái không công ăn, việc làm mới cam chịu sống bằng nghề này thì giờ đây, ngay cả những người mẫu, diễn viên nổi tiếng cũng coi bán dâm như một nghề tăng thêm thu nhập. Càng hoạt động lén lút, hoạt động mại dâm càng nảy sinh nhiều vấn đề xã hội tiêu cực, phức tạp…
Mại dâm là một trong những nguyên nhân tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV . Ảnh minh họa
Lời kể rợn gáy của gái mại dâm nhiễm HIV
Trong một lần đến thăm Trung tâm giáo dục lao động số 2 (Ba Vì-Hà Nội), PV Người đưa tin đã được nghe những lời tâm sự đau lòng của một gái mại dâm đang mang HIV. Trần Thu G. (1989, ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang) kể: Gia đình em gặp khó khăn, năm 14 tuổi em phải đi ở cho người ta ngoài Hà Nội.
Ngày nào đi làm về, ông chủ cũng quan tâm, hỏi han han đến em khiến em rất cảm động. Thi thoảng, có dịp đi công tác, ông ấy còn mua cho em những món quà nhỏ. Dần dần ông ấy đi làm về sớm hơn, nói những lời mật ngọt hơn. Trong lòng em lúc nào cũng coi ông ấy như bậc cha chú với tất cả niềm kính trọng.
Chính sự ngây thơ, non nớt, thiếu cảnh giác đề phòng đó mà em bị ông chủ chiếm đoạt lúc nào không hay. Không dừng lại ở đó, khi em phát hiện ra mình có thai cũng là lúc em bị gia đình bà chủ đuổi ra khỏi nhà. Không một xu dính túi, lại bụng mang dạ chửa, em không dám trở về quê.
Lần mò mãi, em xin được công việc phục vụ tại một quán karaoke. Bà chủ nói muốn tiếp tục làm việc ở đây thì em phải phá bỏ thai. Vì không có tiền, không người thân thích nên em đành nghe theo mọi sự sắp đặt của bà chủ.
Từ một đứa chỉ bưng bê, phục vụ, em đã trở thành gái mại dâm chuyên nghiệp khi mới bước vào tuổi 17á. Làm nhân viên ở quán karaoke kiêm gái bán dâm được khoảng 2 năm, em có quen và yêu một anh tên là D., người Hưng Yên. Anh ấy rất yêu thương và thông cảm cho hoàn cảnh của em.
Vì yêu D nên em quyết định bỏ làm việc ở quán karaoke và mở cửa hàng nước, buôn bán lặt vặt, còn anh ấy đi phụ xe. Chúng em sống với nhau như vợ chồng, sau đó có đăng ký kết hôn nhưng không tổ chức đám cưới.
Nhưng hạnh phúc về một mái ấm gia đình bỗng tan thành mây khói nhường chỗ cho bao nỗi nhục nhã, ê chề. Khi có thai, làm xét nghiệm em mới phát hiện ra mình bị nhiễm HIV.
Phũ phàng hơn đó chính là căn bệnh em đã nhiễm phải trong những ngày làm gái gọi. Em chết không tiếc chỉ thấy ân hận vì đã mang căn bệnh đến cho chính chồng con của mình.
Hận đời và cũng để tránh cái nhìn miệt thị khinh bỉ từ những người xung quanh, em đã lén lút rời bỏ chồng con để quay lại làm gái mại dâm.
Cũng theo G, mỗi ngày trung bình cô tiếp khoảng gần chục khách. Khách sử dụng bao cao su hay không sử dụng cô cũng đều tiếp hết. Để đảm bảo công việc, cô tuyệt nhiên không hé răng nói nửa lời với những người xung quanh về căn bệnh của mình.
Đến thời điểm bị bắt và đưa vào trại phục hồi nhân phẩm đầu năm 2012, G cũng không nhớ nổi là mình đã quan hệ và lây HIV sang bao nhiêu người đàn ông.
Bị hành hạ như nô lệ
Trong lần tác nghiệp tại Công an quận Đống Đa, Hà Nội, PV đã tiếp xúc với một cô gái bán hoa tên là T. (SN 1992, quê ở Phú Thọ). T kể rằng, khoảng 5 năm trước, theo sự rủ rê của một cô bạn hàng xóm, T. xuống Hà Nội bán quần áo thuê.
Thời gian đầu, T. làm việc từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối cho một cửa hàng kinh doanh quần áo xuất khẩu với lương 2,2 triệu đồng/tháng. Phải chi tiêu dè xẻn lắm, T. mới đủ tiền nuôi thân, chứ chưa nói đến việc gửi tiền về quê cho mẹ nuôi hai đứa em ăn học.
Tệ hại hơn, trong một lần mượn điện thoại của bạn gọi về cho mẹ, T. còn bị cướp mất. Thế là cô phải tích cóp tiền để mua điện thoại trả cho bạn. Biết T. đang bí tiền, lại có chút nhan sắc D. (cô bạn hàng xóm ở Phú Thọ) đã rủ T. “đi khách” kiếm tiền.
Mới đầu, T. còn ngại ngùng, nhưng sau nghe D. nói nghề này nhàn hạ lại kiếm được nhiều tiền nên cô “thử” xem sao. Không ngờ, khi đã rơi vào ổ chứa, cô bị tú bà ép phải tiếp khách mỗi ngày từ 15-18 lần khách.
Cô và một số gái mại dâm khác còn bị khách ức hiếp, đánh đập, quỵt tiền; bị tú bà ăn chặn, bỏ đói nếu bị khách kêu ca phàn nàn. Bị hành hạ như nô lệ, nhưng cô chẳng dám kêu ai vì sợ dính dáng đến pháp luật.
“Bọn em biết bán dâm bị coi như tệ nạn xã hội. Vì vậy, dù có bị đánh, bị cướp tiền công, bọn em cũng không dám kêu. Nếu mại dâm được coi là một nghề nhử ở một số nước, có lẽ bọn em đã dám lên tiếng để được bảo vệ.
Nhưng vì mặc cảm, lo bị kỳ thị nên không ít cô gái hành nghề như em chỉ biết sống cam chịu”, T nói trong nước mắt. Chỉ đến khi cô quan công an triệt phá ổ mại dâm trá hình này, cô mới được giải thoát khỏi những chuỗi ngày cơ cực
Nhiều biến tướng, khó kiểm soát
Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong năm 2011, Đội kiểm tra liên ngành phòng chống mại dâm và những ngành chức năng của các địa phương trên cả nước đã tiến hành kiểm tra gần 28.000 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 9.841 cơ sở vi phạm về hoạt động mại dâm. Các tỉnh phát hiện được nhiều cơ sở vi phạm là Thái Nguyên 169 cơ sở; Hậu Giang 137 cơ sở; Đồng Nai phát hiện, xử phạt 52 cơ sở; Cần Thơ 31 cơ sở...
Cũng theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh/thành phố, năm qua đã phát hiện được 15.300 đối tượng bán dâm, số đối tượng được chữa trị, giáo dục là 2.460 đối tượng.
Ông Nguyễn Văn Minh, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, ngoài những hình thức vi phạm truyền thống, việc hành nghề mại dâm đã và đang tồn tại nhiều biến tướng khó kiểm soát, chẳng hạn mại dâm trá hình, mại dâm sử dụng công nghệ thông tin hiện đại qua mạng, mại dâm tại các khu vực biên giới vẫn tiếp tục gia tăng.
Đặc biệt, ngày nay đã xuất hiện khá nhiều mại dâm là nam giới, mại dâm đồng tính, hay gái bán dâm chào mời qua hoạt động bán vé số, bán hàng nước, đi xe dạo phố mời gọi khách...
Theo nhận định của một điều tra viên về trật tự xã hội: “Chưa bao giờ gái mại dâm lại hoạt động rầm rộ như hiện nay. Để có được các thông tin xác thực nhất, các điều tra viên đã phải rất công phu trong việc tiếp cận với các đối tượng nhóm gái mại dâm trên đường phố, trong nhà hàng, quán karaoke, quán cà phê ôm, bia ôm…
Nhưng việc phát hiện xử lý cũng không hề đơn giản. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nguy cơ lây nhiễm HIV tăng nhanh.
Trước thực trạng hoạt động mua bán dâm đang ngày càng diễn ra phức tạp, câu hỏi đặt ra cho cơ quan chức năng là làm thế nào để quản lý tốt hơn?
Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa phương Đông, không thể coi mại dâm là một nghề. Làm như vậy sẽ mất đi nét văn hóa, thuần phong mỹ tục vốn có của người Việt.
Nhưng ở một góc độ khác, nhiều người lại cho rằng, nên hợp thức hóa hoạt động mại dâm. Bởi trên thực tế, từ nhiều năm nay, dù cơ quan chức năng vẫn cố gắng cấm đoán, triệt phá các ổ mại dâm nhưng hoạt động này vẫn diễn ra sôi nổi, với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Do đó, nếu coi mại dâm là một nghề, Nhà nước sẽ dễ dàng hơn trong quản lý như: khoanh vùng các khu vực hoạt động; yêu cầu người hành nghề đi khám sức khỏe, kiểm tra HIV định kỳ để tránh lây lan cho người khác.
Xử lý mại dâm chỉ như bắt cóc bỏ đĩa
"Tổ chức phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) đã nhận định: “Lây nhiễm HIV từ gái mại dâm ra cộng đồng là con đường rất khó kiểm soát và liên quan đến tất cả mọi người. Đồng thời nó cũng báo trước về sự gia tăng số trẻ em nhiễm HIV từ mẹ và số trẻ mồ côi do ALDS....”. Điều đó khiến cả xã hội phải nhìn thẳng vào thực tiễn hiện nay. Mại dâm hoạt động trá hình dưới nhiều hình thức: cà phê, karaoke, tầm quất… Việc bắt giữ, cải tạo gái mại dâm chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa, bắt ở tụ điểm này lại xuất hiện ở tụ điểm khác. Nhìn sang các nước láng giềng, tệ nạn mại dâm được kiểm soát trong khu phố đèn đỏ. Tại sao chúng ta không lấy đó làm tham khảo", Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng PC45 (Công an tỉnh Bắc Giang).
Chưa nên công khai vào thời điểm hiện nay
"Tôi được biết, ở một số nước tiên tiến họ đã hợp thức hóa hoạt động mại dâm từ lâu. Họ có những quy định rất nghiêm ngặt như chủ chứa phải có danh sách nhân viên, đóng các loại bảo hiểm, còn nhân viên phải đi xét nghiệm sức khỏe hàng tháng… Việc đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực “phố đèn đỏ” cũng được thực hiện rất bài bản. Tuy nhiên, tôi e ngại, ở Việt Nam nếu “thả” nghề mại dâm sẽ phát sinh không ít tiêu cực. Biết đâu đó, nghề mại dâm sẽ là cơ hội cho nhiều người “đục nước béo cò”. Quy định, giấy chứng nhận chứng nhận sức khỏe đều có thể dùng tiền đê mua?", Tào Xuân Thủy (phóng phiên Truyền hình cáp Hà Nội)
Đừng vội bắt trước nước ngoài
"Người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Á Đông. Người ta vẫn coi trọng “công, dung, ngôn, hạnh”. Vậy thử hỏi, nếu công khai hoạt động mua bán dâm thì liệu những cô buôn phấn bán hoa seã́ được người đời coi trọng hay khinh bỉ? Có ai sẵn sàng lấy họ làm vợ hay họ sẽ phải sống bất hạnh suốt đời trong tai tiếng, tủi nhục? Vì vậy, đừng nên thấy nước ngoài làm gì thì bắt chước. Các cơ quan quản lý cần xét xem điều đó có hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước mình hay không", Đàm Thị Thúy (Cán bộ Viện Ngôn ngữ học Việt Nam).
Một cái nhìn khá thẳng thắn của nhà quản lý Trong buổi đối thoại trực tuyến ngày 24/7 vừa qua, trả lời câu hỏi về việc có nên công nhận mại dâm là một nghề hay không, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Nhìn thẳng vào thực tế, chúng ta thấy mại dâm là một hiện tượng xã hội và dù muốn hay không thì nó vẫn tồn tại. Có lẽ, cần có sự đổi mới trong thái độ đối xử với người bán dâm theo hướng tăng cường các giải pháp kinh tế-xã hội phù hợp hơn là các biện pháp mang tính chế tài tư pháp”. Trong khi vấn đề “nhạy cảm” này đang còn nhiều tranh cãi thì câu trả lời của Bộ trưởng Hà Hùng Cường được dư luận đánh giá là một cái nhìn khá thẳng thắn của nhà quản lý. |
Nguyễn Hường - Lương Liễu