Tôi học đều các môn nhưng nổi trội nhất là môn văn. Những cảm xúc mà tôi có được chính là cách khơi gợi cảm hứng học từ cô Lành - giáo viên dạy văn năm lớp 8 của tôi. Những bài giảng của cô vừa dễ hiểu, lại sâu sắc vô cùng.
Cũng năm học lớp 8, chúng tôi được học một trích đoạn trong tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Nội dung nói về cảnh chị Dậu phải bán cái Tý cho nhà Nghị Quế để có tiền đóng sưu thuế.
Cho đến giờ, tôi vẫn còn thuộc lòng những câu văn mà cô đã đọc cho lớp tôi nghe trong tiết học hôm ấy. Khi cô đọc đến đoạn: "U nhất định bán con đấy ư? U không cho con ở nhà nữa ư? Khốn nạn thân con thế này. Trời ơi! Ngày mai con chơi với ai? Con ngủ với ai?” tôi thấy mắt cô đỏ hoe. Và thế là không ai bảo ai, cả cô và trò đều khóc, có bạn nấc lên thành tiếng.
Năm tháng qua đi, bây giờ tôi đã là giáo viên dạy Ngữ văn nối nghiệp cô ở một thành phố lớn. Tôi yêu nghề, không cảm thấy hổ thẹn với nghề ấy là nhờ tình yêu cô, yêu thơ, yêu chị Dậu, cái Tý...
Hôm rồi, tôi nhận được tin nhắn của cô với nội dung ngắn gọn, trầm buồn nhưng đầy chân thành: “Hoài à, cô đã nghỉ hưu rồi. Bảng đen phấn trắng giờ chỉ còn trong hoài niệm. Cho dù cuộc đời còn lắm trớ trêu thì em cũng nên giữ lửa với nghề để nuôi dưỡng lòng đam mê và làm nhiệm vụ vẻ vang trồng người, em nhé”.
Nhớ lời cô, tôi chọn phương châm sống: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.
Hôm nay, tôi viết những dòng tâm tình này thay cho những đóa hoa tươi thắm kính dâng lên cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam với sự tri ân và tấm lòng biết ơn sâu nặng.
Tôi cũng muốn gửi lời nhắn đến các đồng nghiệp đang giảng dạy trên khắp mọi miền Tổ quốc: “Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”.
Phan Thế Hoài