Với sự ổn định trở lại của cuộc sống sau hai năm đại dịch Covid, các ngành dịch vụ cũng đang dần dần bắt nhịp gần với tốc độ phát triển của giai đoạn trước dịch. Ngành phim ảnh Việt Nam cũng bắt đầu sôi động hơn với sự ra mắt của nhiều bộ phim trong nước và quốc tế, khuấy động thị trường phim ảnh và phòng vé.
Hầu hết các bộ phim ra rạp đều tạo được mối quan tâm và đón chờ của khán giả từ đó có nhiều thảo luận và tranh luận về đánh giá và cảm nhận với mỗi phim.
Việc phê bình, đánh giá mỗi bộ phim là chuyện hiển nhiên khi có một bộ phim ra rạp. Tuy nhiên đánh giá và phê bình dựa trên cơ sở chuyên môn nào, dựa trên các yếu tố nào, với mỗi thể loại phim như thế nào thì lại là điều chưa được định hướng và phân loại rõ ràng hiện nay.
Phê bình phim Việt Nam ở đâu?
Thị trường phim Việt trong vài năm qua về doanh thu có phần khởi sắc, tuy nhiên chất lượng và màu sắc phim Việt là điều cần quan tâm. Nhiều người cho rằng, các phim Việt gần đây có bóng dáng dòng phim “mỳ ăn liền” của những năm 90 tái xuất trở lại, với những chủ đề loanh quanh gây cười nhạt nhẽo, mua kịch bản nước ngoài làm lại… cốt tìm cách lôi kéo khán giả trẻ đến rạp để nhà sản xuất hưởng doanh thu.
Ngược lại với doanh thu, điện ảnh Việt gần như không thu được hiệu quả gì và khá bấp bênh để xây dựng dấu ấn cho riêng mình trong tương lai lâu dài để tìm cơ hội đưa điện ảnh Việt vươn ra tầm quốc tế, cơ hội quảng bá văn hoá con người Việt Nam thông qua điện ảnh vô cùng mong manh.
Phải chăng điện ảnh Việt đang thiếu đi lực lượng mạnh mẽ trong phê bình điện ảnh? Đó là cái gốc khách quan, điểm tựa khá chắc chắn của các nhà làm phim.
Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của các nhà phê bình phim vì ở bất cứ quốc gia nào, lực lượng phê bình phim tối quan trọng, họ giúp định hướng, thể hiện khách quan các quan điểm có tính học thuật nhằm tác động tích cực vào môi trường điện ảnh, giúp minh bạch thị trường, tránh sự nhiễu loạn của xã hội làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất phim, đi sai chủ trương của Nhà nước về phát triển điện ảnh.
Rất lâu rồi chúng ta không nhắc tới một cơ quan hay tổ chức phê bình phim điện ảnh một cách chính thống dẫn đến môi trường phê bình phim rất nhiễu loạn, "nhiều người ví như một cái chợ". Nhìn sâu xa, nó cực kỳ nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của điện ảnh Việt Nam, dẫn đến mất định hướng trong phát triển điện ảnh quốc gia lâu dài.
Phê bình phim hay xúc phạm, thoá mạ?
Thực trạng này đang diễn ra rất nguy hiểm và tràn lan. Khi một bộ phim ra đời, ngoài những ý kiến khách quan của khán giá thì phía sau còn có một lực lượng "phê bình tự do", tự xưng là nhà phê bình, hay cây viết phê bình, bình luận, tiktoker, reviewer… mọc như nấm sau mưa, viết tán loạn, thể hiện ý kiến dưới chiếc áo tự nhận là cảm nhận, bình luận, đánh giá phim.
Chưa dừng lại, song hành là các group (hội nhóm) thi nhau bình luận mua vui, tha hồ, thỏa sức tung hứng theo kiểu thích gì nói đó, thậm chí nói bừa bãi, thậm chí chê bai xúc phạm đến các tác giả, tác phẩm điện ảnh theo tính cá nhân một cách thô lỗ, xâm phạm quyền cá nhân mà chưa có cơ quan quản lý nào xử lý theo luật.
Những ngôn từ được các bên này tung hê và sử dụng như tiêu chuẩn để đánh giá phim có thể kể đến "rác rưởi", "phim rác", "kinh tởm", "rẻ tiền", chưa kể đến chế giễu, chửi bới, chửi tục và tung hô việc sử dụng những ngôn từ này như một xu hướng, phong trào.
Tình trạng này đã có từ lâu nhưng có lẽ do chưa có ai lên tiếng ngăn chặn nên thời gian gần đây, ngôn từ được các bên tự do này sử dụng ngày càng có xu hướng "tiêu cực" và "bôi nhọ" một cách khiếm nhã hơn.
Có thể kể tới một số các bộ phim như “Chuyện ma đô thị" (Hàn Quốc) bị chụp mũ là bộ phim nếu bạn muốn ăn *** thì hãy tới rạp. "Chuyện ma gần nhà" bị nói là rác phẩm.
Không những bêu xấu một cách khiếm nhã các tựa phim, các "review tự xưng" này còn chụp mũ đồng loạt như “Các cảnh hành động Việt Nam xem ** chảy"
Thậm chí, cũng có rất nhiều bình luận chê bai, xúc phạm trực tiếp cơ quan kiểm duyệt phim của Nhà nước.
Đây là những ngôn từ khiếm nhã, thiếu văn hoá trầm trọng không nên được sử dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào chứ không nói đến là để phát ngôn giữa nơi công luận. Việc sử dụng ngôn từ dung tục, thoá mạ trong nói chuyện trực tiếp hoặc bình luận trên mạng xã hội hoàn toàn có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị xử phạt tuỳ mức độ hậu quả gây ra.
Chưa bàn đến nội dung phim tốt hay chưa vì đó là tuỳ quan điểm cá nhân và cảm nhận của mỗi người, tuy nhiên việc sử dụng những ngôn từ không phù hợp văn hoá, thuần phong mỹ tục, xây dựng và định hướng một xu hướng cảm nhận và truyền bá phim thô tục, thiếu văn hoá đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế hệ trẻ lâu dài.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã từng bức xúc: "Sinh viên vừa ra trường là được đưa về viết mục văn hoá, thế là có thể đi bình luận về phim" song hành đó lực lượng tự nhận mình là phê bình phim có khi chưa từng học một ngày về chuyên ngành phê bình thì đếm không xuể. Khi khoác danh "chiếc áo phê bình phim" là mặc sức tung hê, nâng lên đặt xuống bộ phim theo cảm hứng cá nhân thậm chí kèm ngôn từ đôi khi ngây ngô, có lúc tục tĩu
Nguy hiểm cho một ngành quan trọng
Sự vắng bóng của các Nhà phê bình phim được đào tạo bài bản hoặc giàu kinh nghiệm trên thị trường điện ảnh đã tạo nên một môi trường phê bình, bình luận phim cực kỳ lộn xộn và hỗn tạp khó kiểm soát, rất nguy hiểm như một vấn nạn.
Khán giả của chúng ta quá lâu rồi không tiếp cận các ý kiến từ các nhà phê bình có chuyên môn, nghiêm túc, có lẽ đây là kẽ hở dẫn đến việc dễ dàng nghe theo các cá nhân với danh xưng ra vẻ rất oách… review phim, tiktok review phim để lựa chọn phim dẫn đến nhiều khán giả thất vọng về lực lượng này.
Thực trạng này không chỉ diễn ra trong ngành điện ảnh, thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc.
Phê bình phim cần lắm một tổ chức quy tụ những cá nhân, tập thể những nhà phê bình có chuyên môn cao, thực lực và đầy trách nhiệm để song hành cùng phát triển bền vững với điện ảnh Việt khát vọng xây dựng một ngành công nghiệp điện ảnh mới thành hiện thực.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả