Tù chung thân vì khai báo hung thủ
Chúng tôi trở lại ấp Nam, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, thăm gia đình anh Trần Văn Chiến nhưng gặp đúng lúc cửa nhà anh đóng im ỉm. Hàng xóm cho biết ngày nào vợ chồng anh cũng tất bật ngoài đồng.
Anh Chiến bị bắt khi mới 19 tuổi và ra tù thì đã 35.
Lần giở lại câu chuyện xảy ra cách đây 34 năm, chiều 20.5.1979 người dân xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông bất ngờ phát hiện thi thể của trưởng công an xã Tân Điền Phan Văn Sên nằm tại một khu đất trũng. Qua khám nghiệm hiện trường và tử thi, cơ quan điều tra xác định nạn nhân tử vong là do bị giết.
Ngày hôm sau, anh Trần Văn Chiến (khi ấy 19 tuổi) đến công an xã trình báo là Trần Văn U (anh em cô cậu ruột) chính là người đánh chết anh Sên và đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Mặc dù có công cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng, nhưng bất ngờ, anh Chiến lại bị nghi ngờ có mối quan hệ đồng phạm. Kết quả là Trần Văn Chiến bị cơ quan điều tra khởi tố bị can và bắt tạm giam vì là đồng phạm về tội giết người.
|
Anh Chiến nhớ lại: “Trưa hôm đó tôi đang ngồi chơi ở nhà thì Trần Văn U tới nói “tao đã giết ông Sên rồi”. Nói xong anh ta chụp lấy cái giỏ nhà tôi bỏ bộ quần áo vô rồi vội vã ra đi, lúc đó tôi cũng chưa biết hư thực ra sao. Ngày hôm sau, nghe bà con nói đã phát hiện xác ông Sên tôi liền tới Công an xã Tân Điền báo lại sự việc. Nhưng không ngờ họ lấy dây điện trói tôi lại rồi giải lên huyện. Ngay sau đó lần lượt anh em, chú bác tôi tất cả hơn 10 người đều bị gọi lên xã để lấy lời khai”.
Anh Chiến kể tiếp: “Tại công an huyện, tôi nói chỉ nghe Trần Văn U nói vậy chớ không biết gì hết, nhưng họ không chịu. Họ đánh và buộc tôi phải khai vì U không thể làm một mình. Ngay cả ông chú ruột và ông anh bà con chú bác với tôi cũng bị đánh. Bị đánh đau quá chịu hết nổi nên tôi đành phải khai đại là có tham gia giết người"...
Nếu tử hình cũng đành chịu
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Trần Văn Chiến khai nhận rằng: “vì U bị ông Sên tìm bắt để lập hồ sơ đưa đi cải tạo, do vậy U nảy sinh ý định trả thù. U yêu cầu Chiến tham gia giết Sên, Chiến nhận lời và 2 bên có sự bàn bạc thống nhất hành động. Chiều hôm đó U đến nhà rủ Chiến ra nghĩa trang nấp. Chờ khoảng 20 phút thì Sên trên đường công tác về ngang, cả 2 bất ngờ xông ra, dùng cây đánh vào đầu và người Sên, làm nạn nhân té xuống bất tỉnh. U tiếp tục đè lên người và dùng tay bóp cổ Sên... Sau đó cả hai kéo xác nạn nhân bỏ vào vùng đất trũng, có nhiều cỏ và U bỏ trốn”.
Dựa vào lời khai trên, cơ quan điều tra kết luận Chiến đồng phạm với U về tội giết người, cướp tài sản.
Sau đó Viện KSND tỉnh Tiền Giang ra quyết định truy tố Chiến đồng phạm về tội giết người. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20.3.1980, anh Chiến không nhận tội, cho rằng bị ép cung. Mặc dù vậy, TAND tỉnh Tiền Giang vẫn tuyên buộc Chiến tội đồng phạm giết người, phạt tù chung thân.
Anh Chiến nhớ lại: “Khi ra tòa tôi đã phản cung nhưng Viện kiểm sát không chấp nhận và tòa cũng tuyên buộc như Viện kiểm sát. Không còn biết cách nào, tôi đành theo số phận và không kháng án. Sau nhiều lần được xét giảm án, ngày 21.8.1995 tôi được trả tự do. Tính tổng cộng từ khi bị bắt giam và chấp hành hình phạt tù chung thân đến khi được thả ra là 16 năm 3 tháng, chính xác là 5.929 ngày”.
Khi ấy, anh Chiến là một trai làng mới lớn, trình độ hiểu biết không cao (mới học hết lớp 2), nên gần như không hiểu rõ quy định của pháp luật.
Hơn nữa, thời ấy ngành tư pháp, tố tụng còn nhiều hạn chế nên khi tòa tuyên án, anh cũng đành chịu, không hề biết "kháng án" hay "nhờ luật sư bào chữa" là gì.
Chúng tôi tự hỏi, nếu thời điểm ấy, với tội danh giết người, tòa tuyên án tử hình và anh Chiến phải thi hành án thì giờ đây, người đàn ông này, cùng 1 vợ và 2 đứa con, có còn ngồi trò chuyện rôm rả với phóng viên. Và cái án oan mà anh Chiến phải gánh chịu, sau này mặc dù được minh oan, liệu có còn bao nhiêu ý nghĩa...
(Còn tiếp)
Theo Hoàng Phương (Thanh niên online)