"Nai" là những người có tiền, có "máu" cờ bạc. Những chủ sổ "hợp đồng miệng" với lực lượng xe ôm, những tài xế xe du lịch dẫn khách, và đưa rước khách lên sòng bài cho chủ sổ "xẻ thịt". Chỉ cần khách chịu "xuất cảnh" qua casino, không cần biết túi có bao nhiêu tiền, đánh lớn hay nhỏ, lực lượng tuyển "nai" sẽ được chủ sổ trả công 200.000 đồng/"nai". Với mức thù lao hậu hĩnh, lực lượng này đi khắp hang cùng, ngỏ hẻm dụ dỗ, "tuyên truyền" về một thế giới casino thần tiên bên kia biên giới.
Chiêu trò "xẻ thịt" con bạc
Nhìn từ ngoài vào, tất cả các sòng bài đều có luật rõ ràng, rất công khai, công bằng nhưng đã là cờ bạc thì không tránh khỏi "cờ gian bạc lận". Bởi vậy, cứ 10 người bước chân vào sòng chơi bài thì sẽ có 9 người trắng tay. Trong số 9 người trắng tay ấy, một nửa trong số họ phải vay tiền của chủ sổ. Một khi đã vay tiền thì phải chấp nhận thân thể bầm dập dưới tay "xã hội đen".
Một con "nai" đại gia giờ trở thành cái bang.
Trong thế giới casino ở Campuchia, có những tiếng lóng chuyên biệt dùng để gọi từng dạng người trong sòng: Chủ sòng là người bỏ vốn đầu tư sòng bài; "Áo đen" (những người thay mặt chủ sòng quản lý sòng bài luôn mặc áo comple đen); "Săn sóc" (một lực lượng bảo vệ bên trong sòng bài, giữ gìn luật lệ riêng của chủ sòng); "Phi a" (Fear: thư ký ghi chép những bàn thắng-thua); "Đì Lơ" (Dealer: những người chia bài); "Ca Si" (Cashier: phòng kế toán của sòng); "Bảo vệ" (những người bảo vệ bên ngoài sòng bài). Ngoài ra còn có "chủ sổ" (người cho vay tiền thế mạng); Chủ cầm đồ; "lưu linh" (Rolling: người đổi phỉnh).
Phỉnh có hai dạng: "Phỉnh sống" và "phỉnh chết". "Phỉnh sống" là người chơi dùng tiền mặt đổi ra phỉnh để đặt bài. Còn "phỉnh chết" là phỉnh thắng bài. Sau khi thắng bài, người chơi dùng "phỉnh chết" đổi ra tiền mặt. Chủ sổ được hưởng phần trăm trong tổng số giá trị "phỉnh chết" của khách.
Căn cứ vào số tiền thắng cược đó, chủ sổ được cashier chia từ 2% đến 10% tùy vào hợp đồng. Mỗi chủ sổ tự tuyển lực lượng "lưu linh" cho mình với tiêu chuẩn: Nữ xinh xắn, ăn nói có duyên và đặc biệt phải là người đồng hương Việt Nam. Đơn giản, vì dễ "xử lý" nếu "lưu linh" ôm tiền bỏ trốn. Muốn xin vào làm "lưu linh" phải có sự bảo lãnh của "lưu linh" cũ và đóng thế chân cho chủ sổ từ 5 triệu đến 20 triệu đồng. "Lưu linh" được trả lương từ 150 USD đến 200 USD/tháng và được hưởng tiền boa của khách. “Lưu linh” thường mặt áo khoác có ghi tên chủ sổ, tên sòng. Ngoài ca trực, "lưu linh" được lên "phòng chết" của chủ sổ nghỉ ngơi mà không phải bỏ tiền thuê.
Khi chủ sổ "tuyển" được con bạc liền giao cho các "lưu linh" kèm cặp giúp đỡ cách chơi bài như một thư ký riêng. Con bạc chỉ việc ngồi chễm chệ bên bàn bài, "lưu linh" sẽ tận tình phục vụ cơm, nước tận tay để khách dồn hết "tâm huyết" vào cửa "sinh, tử". "Lưu linh" có nhiệm vụ thúc đẩy khách chơi bài rơi vào trạng thái "say máu". Khi con bạc cháy túi cũng không hề biết mình "sập bẫy" mỹ nhân “lưu linh”. Đến nước này, không bỏ qua cơ hội, "lưu linh" bắt đầu đề nghị được "hỗ trợ" vốn để con bạc gỡ gạc. Đang nóng máu vì thua bài, con bạc không có thời gian suy nghĩ về lãi suất sẽ gật đầu nhanh chóng. Chỉ cần có thế, chủ sổ xuất hiện "hỗ trợ" tiền ngay lập tức, đổi lại con bạc đặt niềm tin với chủ sổ bằng "mạng" của mình.
Chủ sổ cho con bạc vay tiền với mức lãi suất tại chỗ là 25%. Như vậy, ví dụ con bạc viết giấy nhận nợ 10.000 USD nhưng thực chất chỉ nhận được 7.500 USD. Ngoài ra, con bạc còn phải chịu chia tiền "xâu" 15% cho từng cây bài thắng. Nhận tiền xong, con bạc đã biến thành con nợ. Chủ sổ cắt cử một cái bang bám sát con nợ 24/24 trong sòng bài. Mỗi cây bài thắng, cái bang còn xâu 15%. Con nợ không được bước chân ra sòng bài khi chưa thanh toán hết tiền cho chủ sổ. Dù thắng hay thua, tất cả con bạc đều bị "xẻ thịt" tơi tả. Tính ra, con bạc chỉ là kẻ đánh bài thuê cho họ. Ngay sau khi con bạc vay tiền, “lưu linh” hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục đi tìm con bạc khác mồi chài.
Khi con nợ thua sạch túi, không có khả năng trả nợ, cái bang sẽ đến đưa lên “phòng chết". Kể từ đây, con nợ trở thành "tù nhân" của chủ sổ. Từ khi lên “phòng chết", chủ sổ bắt đầu tính lãi suất 10% ngày trên tổng số nợ cho đến khi có người đứng ra "chuộc mạng". Nếu chậm trễ, cái bang sẽ tra tấn con nợ cho đến khi phải "ói" ra tiền. Thế là màn kịch bị xẻo tai, chặt ngón tay, móc mắt... để hù dọa gia đình đã được nhiều con nợ thỏa hiệp với chủ sổ.
Những "lưu linh" đang ngồi chờ "nai".
Những con đỉa hút máu người
Hiện nay, tại cụm casino Bavet, mỗi sòng bài "nuôi" ít nhất 5 chủ sổ. Tất cả đều là người Việt Nam. Để được làm ăn trong sòng, chủ sổ phải ký quỹ thấp nhất 100 triệu đồng cho phòng cashier. Chủ sổ trả lương cho lực lượng "lưu linh", phải lôi kéo khách về cho sòng. Đổi lại, chủ sổ được cấp một căn phòng trong khách sạn của sòng, gọi là "phòng chết" để làm nơi giam giữ con bài vay tiền thế mạng.
Đối với các chủ sổ, ngoài đồng tiền không còn thứ gì khác trên đời kể cả ruột thịt. R và G là 2 anh ruột, cùng làm chủ sổ ở 2 sòng khác nhau. Nhiều lần người ta chứng kiến hai anh em này xua đệ tử đuổi nhau đâm chém như kẻ thù chỉ vì giành giật khách chơi bài. Trung tuần tháng 8/2012, R và G về nhà giỗ cha ở Đức Hòa (Long An). Nhắc lại chuyện giành khách chơi bài, cả hai lại lao vào quyết tử. Kết quả, G phải đi bệnh viện khâu ruột, còn R bó bột cẳng tay.
Giới cái bang không lạ gì hai vợ chồng H-T đều những chủ sổ độc ác táng tận lương tâm. H từ TP. Hồ Chí Minh mò sang casino Campuchia đánh bài từ năm 2005 đến nay. Trong những ngày vùi đầu vào bài bạc, H quen và kết thân với một nữ nghiền bài khác tên T. Cùng sở thích đánh bài nên hai người nhanh chóng trở thành tình nhân. H và T cắm đầu vào bài bạc không màng đến gia đình ở Việt Nam, nhưng khi vay tiền thế mạng thì ỉ ôi gọi về cho vợ và chồng đem tiền sang chuộc. Trớ trêu thay, sau nhiều lần sang chuộc mạng, vợ H và chồng T đã có tình cảm với nhau. Biết thế, nhưng chính H và T cũng chấp nhận ly dị để hai người được chính thức đến với nhau và cũng để được chia tài sản. Sau khi có vốn từ vụ ly dị, cả H và T lấy casino làm nhà, mở sổ thu tiền xâu. Còn vợ H và chồng T đã chính thức gá nghĩa với nhau, cùng nuôi "con anh, con em".
Con bạc nào lỡ lọt vào con mắt cú vọ của H và T đều có cơ hội lên "phòng chết". Khi thấy 1 khách sộp bước vào sòng, ngoài việc điều "lưu linh" bám theo, H còn thuê cái bang đóng vai người sành bài ngồi cạnh tác động để khách say bài. Khi khách đã trở thành con nợ, H thuê đàn em đến tận nhà ở Việt Nam để gây áp lực đòi tiền. Hiện trong tay H có ít nhất 20 sổ đỏ, sổ hồng xiết nợ của con bạc ở rải rác khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ.
Ở sòng Kings Crown có hơn 30 chủ sổ, chủ cầm đồ lớn nhỏ nhưng ác độc khét tiếng, ngoài vợ chồng H-T còn có D "ốm"; N "pê đê"; S "Tân Bình"; P "Năm Cam"... Dù P "Năm Cam" không phải là đệ tử của trùm giang hồ Nam Cam nhưng cũng không ai biết vì sao P có hỗn danh như vậy. Trước đây, P "Năm Cam" có cổ phần hùn trong 1 casino nên bà ta cũng từng thuộc hàng trùm sòng. Không hiểu sao, thời gian gần đây, bà ta trở thành một chủ sổ cho vay thế mạng.
Giới cái bang đồn rằng, bà ta vẫn còn là trùm sòng nhưng do dính tay vào một vụ án nào đó ở Việt Nam nên phải ẩn thân vào vai chủ sổ tránh tai mắt của cảnh sát truy nã(?). P "Năm Cam" chính là người sáng tác ra kiểu lột truồng con nợ "không còn khả năng thu hồi vốn" ném vào cánh đồng hoang cách biên giới hàng trăm cây số.
Kiểu quản lý "kiếp luân hồi" Phương thức chơi bài và những luật lệ của các casino đều giống nhau. Hiện nay, các casino cho cả trẻ em, người trong nước (Campuchia) vào chơi. Trước đây, khi vào sòng, khách chơi bài chỉ được phép chơi bằng phỉnh. Mỗi sòng có một mẫu mã phỉnh riêng và chỉ có giá trị lưu hành trong sòng. Đó là cách quản lý "kiếp luân hồi" đồng tiền trong sòng, tránh việc nhân viên biển thủ. Sau này, hầu hết các casino đều cho khách chơi bằng tiền mặt lẫn phỉnh. Vì vậy, phòng cashier không thể quản lý nổi nhân viên "lưu linh". Đó là cơ hội khiến lực lượng chủ sổ chuyên cho vay vốn đánh bài chính thức bước vào sòng tạo quyền lực. Giới chủ sổ được chính các chủ sòng mời đến hợp tác "hút" tiền của khách chơi bài. Nếu nói chủ sòng là kẻ biến con bạc thành kẻ cạn túi thì chủ sổ là kẻ biến con bạc thành kẻ trắng tay. |
Phóng sự Hồ Xuân Dung