Đó là một nữ thi sĩ đã gửi cho ông hàng trăm bài thơ và trong số đó đã biến thành nhiều bài hát nổi tiếng. Ông bảo, ông "yêu" tha thiết người con gái đó, ông viết tặng cho người đó rất nhiều bản tình ca. Nhưng trong suốt thời gian 10 năm "yêu đương tha thiết" người con gái đó, vợ ông cũng không hề ghen vì bà biết rằng đó chỉ là "mối tình thơ nhạc".
> Đọc thêm: Tâm nguyện cuối đời của nhạc sĩ Phạm Duy
Nhạc sĩ Phạm Duy
Để tình đẹp ngủ yên
Một số nhạc sỹ đã công bố những người yêu, "bóng hồng" gắn với những tác phẩm của mình. Mỗi một tác phẩm là một câu chuyện tình. Chẳng hạn như nhạc sỹ Lam Phương đã kể lại phút giây thăng hoa ngắn ngủi với cô diễn viên trên biển Nha Trang và đó là nguồn cơn cho sự ra đời của bài hát "Biển tình" và "Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi".
Nhiều nhạc sỹ của nhiều thời, dù già hay còn trẻ cũng thường không ngại ngần công bố tình yêu gắn với nhạc phẩm của mình. Tôi lấy làm băn khoăn vì sao một người đa tình như Phạm Duy lại không nhắc đến tên một "bóng hồng" nào, mặc dù mỗi bài tình ca của ông thường gắn với một người con gái cụ thể.
Đời người bao ngả rẽ, yêu thương nồng nàn rồi tình vội, tình xa người ta cảm nhận tất cả điều ấy trong nhạc của Phạm Duy. ông cũng thừa nhận: "Tình trong ca khúc của tôi là có thật. Tôi yêu ai đó bạn bè của tôi biết, vợ tôi cũng biết chứ không ảo ảnh, mơ mộng như Trịnh Công Sơn. Giữa lúc khó khăn, Trịnh tìm tình ru đời vào cõi mộng mị, tôi vẫn phá ra vách tường sương mù để tìm về thực tại".
Nói về tình yêu, người nhạc sỹ dường như quên mất tuổi tác, ông đảo tuổi để tự nhận mình mới 19 tuổi sung sức để yêu. Với ông, tình yêu không có tuổi. Mà cũng đúng thế thật, sức sống của con tim, của tâm hồn hầu như không liên quan gì đến tuổi tác cơ thể con người bao nhiêu.
Ông chia sẻ rất hóm hỉnh về tình duyên của mình: "Tôi nói chưa ai sướng bằng tôi. Sướng ở cái nghĩa người ta lao tới và không bao giờ quên được nhau. Đôi mắt bao giờ cũng còn đuôi, không bao giờ hận tình. Tôi quan niệm tình yêu đẹp lắm. Người nam và người nữ yêu nhau mới có cuộc đời, còn nếu không yêu thì tuyệt giống từ lâu rồi. Không phải dân Việt Nam từ 24 triệu người lên gần 100 triệu như bây giờ. Tôi là người yêu sự sống, và với tôi, sinh ra cuộc đời này là người đàn bà, thành ra phải quý trọng".
Vậy mà, hỏi ông những mối tình cụ thể, mối tình đẹp thuở ban đầu lưu luyến ấy thì cách trả lời của người nhạc sỹ khiến tôi bất ngờ: "Tình đầu ư, xa lắm rồi. Mà có ai dám chắc tình nào là tình đầu, tình nào là tình cuối. Tôi cứ yêu, yêu say đắm mà không phải là tình yêu thì có xác thịt đâu nhé. Tôi yêu trong thơ nhạc mơ mộng, trong sáng. Tình yêu là chất xúc tác để tôi thăng hoa cùng nốt nhạc của mình".
Vẫn nhớ những mối tình mà nhiều phụ nữ dành tặng, nhưng ông lại chưa từng công bố. Với ông, nói về một bản tình ca nếu có chăng chỉ gắn với những kỷ vật của "người ấy". Còn tên tuổi của những "bóng hồng" lại được ông giữ bí mật làm "của riêng mình". "Những người đàn bà tôi yêu, hiện nay họ vẫn còn sống có gia đình hạnh phúc, tôi không muốn nhắc đến. Và tôi cũng phải thú thật, nếu trước đây tôi có yêu đi chăng nữa thì nay cũng đã hết rồi. Tôi không muốn chạy theo sự tò mò của công chúng, nếu như vậy, tôi đâu còn là tôi", nhạc sỹ Phạm Duy nói.
300 bài ghi dấu tình thơ-nhạc
Không nói tên nữ thi sỹ mà ông đã yêu trong suốt 10 năm, dù khi ấy đã có vợ. Ông gọi đó là mối "tình thơ-nhạc": "Tôi yêu người phụ nữ ấy lắm. Trong gia tài các nhạc phẩm của tôi, tôi dành tặng bà ấy 40 bài hát, đó là Phạm Duy lúc còn trẻ. Với tôi, có ba bài hát đánh đấu thời điểm tôi yêu, tôi xa và tôi quên bà ấy là: Ngày ấy chúng mình, Ngàn trùng xa cách và Chỉ từng đấy thôi".
Nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Đức Tuấn
Người yêu 10 năm ấy của nhạc sỹ Phạm Duy hiện đang ở Francisco (Mỹ). Thời ngập tràn yêu thương nữ thi sỹ đã gửi tặng nhạc sỹ 300 bài thơ tình. Ông cũng đã phổ nhạc rất nhiều bài thơ trong số đó.
Nói là đã quên nàng thơ của mình, nhưng trong sâu thẳm hồi ức của người nhạc sỹ đa tình vẫn hoài vọng tình xưa. Trong đâu đấy những trang hồi ký, lời dẫn cho ca khúc nhạc sỹ Phạm Duy vẫn để bóng nàng thơ hiện về: "Từ nay trở đi, tôi sống với kỷ niệm và không một lúc nào tôi ngưng soạn tình ca một mình, khi thì mượn lời thơ của các thi sỹ, khi thì do chính tôi soạn cả nhạc lẫn lời".
Yêu thì dốc hết lòng, nhưng trong thực tại ông vẫn không quên mình là người chồng, người cha của những đứa con. Có lẽ vì thế mà nàng thơ dù đã 10 năm yêu vẫn quyết định ra đi hay chăng? Bà Thái Hằng (vợ ông) cũng chỉ coi nữ thi sĩ đó chỉ là mối tình thơ- tình của ông, đó là hai tâm hồn đồng điệu với nhau dìu nhau cùng thăng hoa trong nghệ thuật. Chính vì thế, tình yêu ấy cứ gắn bó như vậy thôi mà không có sự hờn ghen, trách cứ từ phía bà Thái Hằng.
Con trai nhạc sỹ, trong câu chuyện của cha cũng góp lời minh chứng: "Mẹ biết hết chuyện của bố nhưng mẹ không ghen. Bố yêu để làm nguồn cảm hứng để sáng tác". Còn nhạc sỹ Phạm Duy nói về sự "nghiện yêu" của mình cũng khá khôi hài: "Tôi yêu làm ngọn nguồn cho cảm hứng sáng tác. Tôi "nghiện yêu", như Trịnh Công Sơn nghiện rượu ấy, như Văn Cao mê thuốc phiện thôi".
Nói đến tình cảm với vợ, ông thể hiện sự tôn thờ: "Tôi trở về nước, bà ấy nằm lại đất Mỹ, và tôi không thể yêu ai được nữa khi vợ tôi qua đời. Tôi mãi chung tình với bà, và bà cũng chấp nhận tôi với những cuộc tình thơ. Đó là cái hay mà tôi thầm cảm ơn bà đến hết cuộc đời".
> Những nhạc phẩm bất hủ của nhạc sỹ Phạm Duy
V.H