Chuyện về người 'anh hùng công binh quốc tế'

Chuyện về người 'anh hùng công binh quốc tế'

Thứ 5, 07/02/2013 08:29

Dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng dáng đi, giọng nói của ông vẫn còn sang sảng mỗi khi kể lại câu chuyện nơi chiến trường năm xưa. Có những kỉ niệm vẫn thường xuất hiện trong giấc mơ của ông như những cơn ác mộng. Cuộc chiến đã qua từ lâu, nhưng với những người đã từng sinh tử nơi trận mạc như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Trung vẫn như mới hôm qua.

Từ anh lính gan dạ nơi chiến trường

Theo chân đồng chí hội phó hội cựu chiến binh xã Thiệu Ngọc, (Thiệu Hóa,Thanh Hóa) tôi tìm đến nhà anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Trung. Không may cả hai ông bà đều đi vắng, chúng tôi đành phải ngồi đợi.  Ông Trung đã ngoài 90 tuổi nên ít khi đi ra ngoài mà chỉ quanh quẩn từ nhà ra xã. Đoán chừng ông đi thăm con cháu loanh quanh, tôi ngồi trò chuyện cùng đồng chí hội phó lại biết thêm được nhiều chuyện. Hóa ra căn nhà mái bằng nho nhỏ mà hai ông bà đang sống vốn là nhà tình nghĩa của địa phương xây tặng. Về hưu, tuổi được nghỉ ngơi nhưng ông vẫn còn nặng gánh gia đình. Người con dâu cả của ông mắc bệnh hiểm nghèo chỉ vài năm thuốc thang chữa trị mà khánh kiệt nhà cửa, lại thêm một đứa cháu đích tôn bị thiểu năng do ảnh hưởng chất độc màu da cam, ngoài 20 tuổi rồi vẫn cứ ngây dại. Không ngờ, những vết thương của chiến tranh lại sâu đến thế, nó không chỉ là những cơn đau nhức nhối lúc trái gió trở trời trên cơ thể người lính già mà còn truyền tới đời con, cháu.

Xã hội - Chuyện về người 'anh hùng công binh quốc tế'

Anh hùng Lê Văn Trung

Sinh 1926, trong một gia đình nông dân nghèo, đông con nên mới 15-16 tuổi, ông Lê Văn Trung đã phải theo người bà con ra thị xã Thanh Hoá học nghề cơ khí kiếm sống. Ông tham gia kháng chiến từ những ngày đầu kháng Pháp, vốn có tay nghề cao về sửa chữa cơ khí nên được giao nhiều trọng trách đảm bảo về máy móc, xe cộ của bộ đội. Ông có mặt trong nhiều chiến dịch quan trọng như chiến dịch Biên Giới, Tây Bắc, Điện Biên Phủ,... đến kháng chiến chống Mỹ, địa bàn hoạt động của đơn vị ông lại chuyển hẳn sang Lào.

Đơn vị ông đóng ở Mường Ngà, nằm trên tuyến đường từ Na Mèo sang Sầm Nưa, ở giữa là đèo Ba Bông, Mường Liệt, là nơi ta phải giằng co với địch từng km đường đèo, rừng quanh co. Trên thì máy bay địch quần thảo, dưới đất thì bom bi, bom lá, bom quả dứa, bom tai hồng, từ trường rải khắp nơi, bộ đội vướng phải thương vong không nhỏ. Bộ đội ban ngày nghỉ, đêm vẫn phải nguỵ trang để làm đường. Có những đoạn, ta phải men theo sườn núi để mở đường, một bên là núi, một bên là vực sâu, cộng thêm điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ đường.

Tuyến đường Phả Thuý là chiến công đầu tiên của đơn vị công binh 217. Hồi ấy, ông là trạm phó một trạm đóng ở Mường Ngà. Trạm có hơn 30 người phụ trách toàn bộ vấn đề kĩ thuật trên cung đường phụ trách. Cứ hễ có điện tín thông báo đến là những người lính thợ lại xách túi lên đường, bất kể ngày đêm. Có những "ca" nặng, phải đích thân ông đến mới thành. Trong chiến trường, mỗi một sáng kiến được đưa ra có sức nặng bằng mạng sống của con người nên ông và các đồng đội vẫn luôn tâm niệm sáng tạo và chính xác và sẵn sàng hi sinh.

Sức thanh niên, cấp trên giao nhiệm vụ gì ông cũng làm kể cả việc đi tháo bom nổ chậm vốn không thuộc chuyên môn của mình. Có lần, được lệnh của chỉ huy, trong tay chỉ có 1 chiếc cờ lê, ông hô rõ rồi bắt tay vào nhiệm vụ tháo bom. Quả bom được tháo xong, thủ trưởng hỏi ông mới thủng thẳng đáp: "Báo cáo, có đồng chí nào dạy tôi phá bom đâu". Sự liều của ông khiến đồng đội không ít phen phải giật mình. Xe của bộ đội chạy trên tuyến đường trọng điểm bắn phá từ Phu-lu-xua sang Mường Liệt phải qua một đoạn dốc dài, phải tranh thủ đi đêm, nếu để đến sáng rất nguy hiểm. Những két nước, két xăng, dây dẫn nước làm mát cho máy bị hỏng thì ông dùng những ống tre nứa thay thế, khắc phục cho máy hoạt động qua vùng nguy hiểm rồi mới thay thế. Đặc biệt sáng kiến đúc tay bin cho xe tuy đơn giản lại hữu hiệu trong bối cảnh trên trời, dưới đất đều là bom đạn. Khi xe hỏng tay bin, ông dùng gỗ phiến làm má phanh, tuy không lâu bền được nhưng chịu được khoảng 200 cây số thì mới hỏng, lúc này xe đã ra đến hậu cứ, ta sẽ có điều kiện để thay thế phụ tùng. Vùng đất địch bắn ác liệt, có những ngày hết xe này đến xe khác lần lượt thay nhau đánh điện cứu viện, những người lính thợ có khi vài ba ngày không ngủ là chuyện thường tình.

Suối Nậm Tiền, Nậm Mật nằm trên đường giao thông huyết mạch Na Mèo - Sầm Nưa, có cả thuyền để chở ô tô sang. Chiếc thuyền chở ô tô bị bắn thủng, thợ làm mãi không xong, ông lại phải đích thân đến. Mới làm xong tối hôm nay, sáng mai địch lại đánh, bắn thủng thuyền, ta lại phải hàn. Công việc luôn phải đảm bảo cho đường vận chuyển đạn được xuyên suốt.

Lần khác, có một chiếc máy kéo đang chở hai khẩu đại bác của ta trên đường sang Cánh Đồng Chum thì bị rơi xuống hố. Việc này đáng lẽ thuộc trách nhiệm của đơn vị bộ binh nhưng vì là lính thợ nên ông không thể đứng ngoài nhìn. Chiếc máy bị hỏng lúc nửa đêm nhưng khi ông tới nơi thì trời đã rạng, máy bay địch đã bắt đầu bắn phá, rất nguy hiểm. Nhưng nếu không sửa ngay, đường sẽ bị tắc, đoàn xe sẽ trở thành miếng mồi ngon cho bom đạn kẻ thù. Một mình ông hì hụi sửa chữa cho đến khi chiếc máy hoạt động trở lại. Tập trung đến nỗi tiếng gào rít của máy bay trên đầu, bom đạn xung quanh ông cũng không nghe thấy.

Từ đường 6, đường 7 sang đèo Phu-lua-cốc rồi đến Cánh Đồng Chum, làm sân bay Nội Bài, đời lính của ông gắn với những chuyến đi và dầu mỡ, máy móc. Có những giai đoạn chiến dịch gian khổ, xe của ta bị chặn, địch kéo đến và bao vây, bộ đội có thể mở đường máu rút lui nhưng kiên quyết không để xe rơi vào tay giặc. Ông mới tháo cả 6 bộ nến thuộc bộ chế hoà khí của xe, tháo cả bộ chia điện làm cho chiếc xe không thể nào hoạt động được, cho dù địch có kéo đến thì cũng chỉ có xác xe. Khi địch rút, bộ đội lại kéo về, lắp ráp lại và sử dụng bình thường.

Thời điểm cuối những năm 80, đầu 90, ông Trung đang ở cương vị trạm trưởng công binh, đơn vị 216 ở Sầm Nưa, sau chuyển về Na Sản thì đổi thành 298. Nửa trung đoàn 559 được chuyển vào Nam tiếp tục chiến đấu, phần còn lại về làm sân bay Cánh Đồng Chum, sau cùng chuyển về Na Sản.

Xã hội - Chuyện về người 'anh hùng công binh quốc tế' (Hình 2).

Vợ chồng AH LLVTND Lê Văn Trung

Những kỉ niệm còn theo suốt năm tháng thời bình

Đang trò chuyện với chúng tôi bằng giọng nói sang sảng, bất chợt thấy ông buồn, nâng chén rượu lên mà không uống nổi, mắt cứ nhìn đi đâu xa lắm. Thấy vậy, vợ ông mới nhắc tôi: "Ông ấy đang nghĩ về những người đồng đội của mình đấy, cháu ạ!"

Mấy chục năm đã trôi qua, hình ảnh những người đồng đội hi sinh trước mặt mình năm nào vẫn luôn hiện hữu. Có những đồng chí tiếng hô xung phong chưa dứt đã hoàn toàn biến mất trong làn khói bom, có đồng chí bị đá đè, gào thét trong đau đớn, đến khi được đồng đội cứu ra cũng là lúc trút hơi thở cuối cùng. Những tiếng thét, sự đau đớn, máu và những phần còn lại của đồng đội vừa là nỗi đau, vừa là sự nhắc nhở với những người còn sống như ông.

Trở lại với cuộc sống đời thường sau những tháng năm rong ruổi khắp các chiến trường, ông lại cùng vợ vun vén cho gia đình nhỏ. Người phụ nữ mà tình yêu chỉ đến sau hôn nhân, được cha mẹ hỏi cưới cho ấy đã bao năm tần tảo nuôi cha mẹ chồng, chăm sóc con cái để ông được yên tâm nơi chiến trường. Lúc nào, bà cũng vững lòng tin và chờ đợi ngày ông trở về, cho dù có tin đồn ông hi sinh, bà vẫn chờ lá thư tiếp theo mà ông gửi về hàng tháng theo như lời dặn. Ông bà lấy nhau cũng gần 70 năm rồi, thời gian được sống bên nhau cũng chẳng bao nhiêu nữa vì thế họå chăm sóc nhau từng chút một. Năm nay, bà già lắm rồi, lưng đã còng gập xuống, răng cũng đã rụng nhiều. Nhìn bà ngồi bỏm bẻm nhai trầu bên cạnh ông, tự nhiên tôi lại thấy duyên.

Tuổi già nép bóng vào nhau, chuyện con gà, con chó đến chuyện con cháu, bà đều nghe theo ông. Kể cả cái chuyện ông hay mang  những cái quạt, mô tơ, đồng hồ cũ kĩ ra sửa chữa cho đỡ nhớ nghề bà cũng chiều theo. Ông cứ bày, bà cứ dọn, các con có nói thế nào bà cũng mặc kệ, miễn là ông cảm thấy vui. Cảnh nhà còn nhiều khó khăn, nghịch cảnh nên đồng lương hai ông bà dồn hết chữa chạy cho con cháu mà không một lời than thở. Sự lạc quan của những người lính trong chiến trường đến khi đối diện với cuộc sống thời bình không vì thế mà lung lạc, lại càng trở thành bài học quý cho những lớp con cháu trông theo. 

 Với những chiến công và sáng kiến, nỗ lực không ngừng trong cuộc kháng chiến, ông đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bên cạnh nữ anh hùng Ngô Thị Cảnh, ông là chiến sĩ còn lại thuộc trung đoàn 559 có được vinh dự  này.  

Đỗ Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.