18 giờ 30 phút chiều 23/7/2013 theo giờ Washington (tức 5 giờ 30 phút sáng 24/7 theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã tới sân bay quân sự Andrew ở thủ đô Washington D.C, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama.
Đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại chân cầu thang máy bay có Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, David Shear, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường và phu nhân cùng đông đảo các cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, đại diện cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được tiếp đón tại sân bay quân sự Andrew. Ảnh: TTXVN
Ngay sau khi tới Washington D.C, tối 23/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về Nhà Việt Nam tại Washington D.C, gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thông báo tình hình kinh tế, xã hội trong nước, thăm hỏi, động viên các cán bộ nhân viên sứ quán hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng tốt đẹp.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho thấy một dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ bởi sau 5 năm gián đoạn giữa hai nước mới có một cuộc viếng thăm cấp cao như vậy. Trước đó, bốn năm liên tiếp từ 2005 đến 2008, Việt Nam và Mỹ liên tiếp tổ chức các cuộc gặp gỡ cấp cao khi người đứng đầu Chính phủ Việt Nam là Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mỹ năm 2005; Tổng thống Mỹ George W. Bush tham dự Hội nghị APEC và chính thức thăm Việt Nam năm 2006; sau đó 1 năm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết “đáp lễ” lời mời của Tổng thống Mỹ và năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có chuyến thăm Mỹ để lại nhiều ấn tượng.
Dấu mốc 10 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ George W. Bush đã có cuộc hội đàm rất thành công ngày 21/6/2005 tại Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo đã vượt qua những trở ngại về sự khác biệt văn hóa, những vấn đề hậu quả chiến tranh, cũng như cách tiếp cận không giống nhau đối với một số vấn đề nhạy cảm.
Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm Mỹ năm 2005.
Trong suốt cuộc hội đàm, việc Tổng thống Bush với thái độ hòa giải, đánh giá cao thành tựu đổi mới của Việt Nam, thừa nhận những tiến bộ về tôn giáo, nhân quyền tại Việt Nam thời gian qua, khẳng định Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam gia nhập WTO, nhận lời sang thăm Việt Nam vào năm 2006 là điều cách đây 10 năm không ai nghĩ tới. Nhưng đó lại là điều phi thường có thật. Như lời cựu binh chiến tranh Việt Nam, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain: “Sự hiện diện của ngài Thủ tướng tại Washington ngày hôm nay và các vị quan khách Mỹ chứng tỏ những nước từng ở hai chiến tuyến có thể trở thành đối tác bạn bè”.
![]() |
![]() |
Hình ảnh của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Nhà Trắng năm 2005. Ảnh:TTXVN |
Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm này đã gửi hai thông điệp quan trọng đến Chính phủ Mỹ và cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Thông điệp thứ nhất, Thủ tướng khẳng định quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang không ngừng phát triển theo tinh thần hướng về tương lai và đã thu được thành công bước đầu rất đáng phấn khởi. Tuy hai bên vẫn còn quan điểm khác biệt trong một số vấn đề cần giải quyết nhưng có thể nói giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ không có tranh chấp lớn. Thông điệp thứ hai, Thủ tướng khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn coi đồng bào sinh sống ở nước ngoài nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.
Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, quan hệ hợp tác giữa hai nước còn mở rộng sang cả lĩnh vực an ninh, quốc phòng là một trang mới trong lịch sử Việt - Mỹ.
Thủ tướng Phan Văn Khải tới thăm ĐH Havard, Mỹ.
Đánh giá về chuyến thăm này, Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi đó, cho hay: “Có thể nói đây là một chuyến thăm lịch sử vì chuyến thăm lần này là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của người đứng đầu chính phủ nước CHXHCN Việt Nam sau 30 năm kết thúc chiến tranh, lại đúng vào dịp hai nước đang có những hoạt động thiết thực kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, bình thường hóa quan hệ và cũng là dịp kỷ niệm 5 năm hai nước ký Hiệp định thương mại song phương (BTA)”.
Ông Vũ Khoan cũng cho biết: “Mặc dù đã đạt được sự nhất trí cao về nhiều mặt, nhưng hai bên cũng còn một số khác biệt về nhân quyền, tôn giáo. Qua giải thích của chúng ta, phía Mỹ cũng đã có những hiểu biết thêm về chính sách của chúng ta, nhưng điều quan trọng là hai bên đã nhất trí thông qua đối thoại để thu hẹp bất đồng”.
“Nắm tay hướng tới tương lai”
Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ George Bush, từ 18 - 23/6/2007, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và phu nhân rời Hà Nội đi thăm chính thức Mỹ. Chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước CHXHCN Việt Nam đến Mỹ diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Việt Nam - Mỹ đã được bình thường hóa hoàn toàn và có những bước phát triển tích cực, đem lại nhiều kết quả thiết thực đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Bush trả lời báo chí. Ảnh: Getty
Cũng giống với chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang hôm nay, lúc 20h ngày 20/6/2007, chuyên cơ chở Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Andrew ở thủ đô Washington. Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ, các cán bộ sứ quán và đông đảo Việt kiều đã ra đón Chủ tịch nước.
Ngay sau đó Chủ tịch đã có buổi gặp gỡ và nói chuyện với các gia đình bà con Việt kiều ở thủ đô Washington. Tại buổi nói chuyện, chủ tịch nước đã nhấn mạnh sức mạnh đoàn kết giữa người Việt Nam là quan trọng và không thể phá vỡ được, và người Việt Nam muốn làm tốt cần đảm bảo được đoàn kết chung vì “người Việt Nam ở đâu cũng chung một nhà, chung một mẹ Việt Nam. Dù người mẹ có khó khăn, nghèo khổ, nhưng vẫn là người mẹ mà mình yêu quí suốt đời”.
Chủ tịch cùng phái đoàn Việt Nam vẫy chào những người có mặt tại sàn chứng khoán New York. Ảnh: AP.
Sau cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước, Chủ tịch nước và Tổng thống G.Bush họp báo tại phòng Bầu dục. Tổng thống G.Bush bày tỏ sự thán phục đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tổng thống G.Bush nói mối giao hảo của hai bên sẽ tốt đẹp hơn nếu hai bên giải quyết được những vấn đề khác biệt về tôn giáo và nhân quyền.
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: AP.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết, quan hệ Việt - Mỹ hiện rất tốt đẹp, đặc biệt là từ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống G. Bush vào tháng 11/2006. Chủ tịch nước khẳng định mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa nhân dân hai nước là yếu tố tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông khẳng định VN là đất nước hòa bình, ổn định, hữu nghị; nhân dân VN muốn đoàn kết với nhân dân Mỹ. “Chúng ta nên nắm tay nhau hướng đến tương lai”, ông nói.
Tăng cường quan hệ kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ
Đó là trọng tâm trong chuyến thăm nước Mỹ từ 23-26/6/2008 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngay sau cuộc hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ George Bush, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp gỡ ngắn với báo chí tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, thông báo vắn tắt cho báo chí về những nội dung cơ bản mà hai nhà lãnh đạo đã hội đàm, trao đổi, nhất trí thông qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Tổng thống Bush khẳng định Hoa Kỳ đang xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam được tham gia chương trình Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) và ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc Hoa Kỳ công nhận Quy chế Kinh tế Thị trường. Hoa Kỳ khẳng định đang xem xét nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam, trước mắt là nhập khẩu quả thanh long. Hai bên cũng thoả thuận sẽ khởi động đàm phán Hiệp định Đầu tư Song phương (BIT)”.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt tay thân mật với Tổng thống Bush. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Cố vấn Đối ngoại của Thượng nghị sĩ Barack Obama. |
Thủ tướng cũng có cuộc trao đổi cởi mở kéo dài 45 phút với cựu giám đốc Cục dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan. Chuyên gia kinh tế hàng đầu này của nước Mỹ đã đưa ra một số tư vấn và phân tích cho Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mời ông sang thăm Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Trong chuyến thăm năm 2008, Thủ tướng Việt Nam đã có một lịch trình làm việc dày đặc như tham dự tọa đàm "Sáng kiến Giáo dục với Việt Nam", tham dự diễn đàn doanh nghiệp hai nước và tiếp hàng chục tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ.
Tại diễn đàn doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng cho rằng sự có mặt của 300 doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Thủ tướng khẳng định sẽ tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thành công tại Việt Nam; sẵn sàng gặp gỡ, trao đổi để tăng cường sự hiểu biết, cùng nhau hợp tác để đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Ngay sau diễn đàn, doanh nghiệp hai nước đã ký một số hợp đồng kinh tế như thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam với Conoco Philip về dự án thăm dò và khai thác than ở đồng bằng sông Hồng, thỏa thuận mua các sản phẩm từ bông của vùng Texas của Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Một số dấu mốc đáng nhớ trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: 10-11/7/2012: BTNG Hoa Kỳ Hillary Clinton thăm Việt Nam. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ |
Tuệ Minh