Ngoại hình bình thường, học hành tử tế (thậm chí có người học cao hiểu rộng), gia đình căn bản, sự nghiệp thành đạt nhưng do quá kén chọn hoặc quá kỹ tính, nhiều cô gái ngoài 30 tuổi vẫn không tìm được người đàn ông ưng ý. Trong khi đó, áp lực lấy chồng đến từ gia đình rất căng thẳng, lại thêm những lời xì xào từ xung quanh khiến một số cô gái bị stress nặng, thậm chí mắc chứng tâm thần.
Lớn tuổi vẫn làm cao
Bác sĩ chuyên khoa tâm thần Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội ) đã trực tiếp điều trị cho những cô gái đã nói ở trên. Gây ấn tượng với những người bệnh lẫn các bác sĩ điều trị ở Viện Sức khỏe tâm thần là trường hợp của một bệnh nhân ở Thanh Hóa.
Bệnh nhân này khi nhập viện đã 35 tuổi, sinh ra trong một gia đình cơ bản, được học hành, giáo dục đàng hoàng và đang làm việc ổn định tại một cơ quan nhà nước ở thành phố Thanh Hóa. Bản thân cô là niềm mơ ước của nhiều bậc cha mẹ, bởi ai cũng muốn có một đứa con chỉn chu, học tới nơi tới chốn, nghề nghiệp đàng hoàng, tương lai ổn định. Những tưởng tất cả những điều đó sẽ là thế mạnh, giúp cô sớm tìm được ý trung nhân cũng tương xứng với mình. Thế nhưng, mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Bất kể ai tìm đến với cô, theo con đường mai mối hoặc chủ động, chỉ có thể theo đuổi cô trong một thời gian ngắn rồi phải lắc đầu bỏ đi. Lý do vì cô quá khắt khe, kén chọn, luôn đặt ra những yêu cầu không tưởng dành cho những người đàn ông của mình như vừa có ngoại hình, vừa có công việc tốt, đạo đức tốt, gia cảnh tốt, yêu thương, chiều chuộng cô… Thậm chí, nhiều người còn cho rằng cô đồng bóng khi lựa chọn người yêu với tiêu chuẩn quá cao.
Sau nhiều cơ hội bị bỏ lỡ vì những người đàn ông đến với mình không đạt yêu cầu, tuổi lại nhiều, cô gái này bắt đầu tìm đường giải khuây bằng cách mở rộng các mối quan hệ ảo trên các diễn đàn trực tuyến hoặc các mạng xã hội. Từ khi tham gia các mạng xã hội, mọi người trong gia đình bắt đầu thấy cô sống khép kín. Ban đầu khi bị giục lấy chồng, cô còn phản ứng một cách từ tốn. Nhưng về sau, mỗi khi bị gia đình giục giã, cô đều nổi xung cho rằng mình còn trẻ, còn xinh đẹp, không việc gì phải vội vàng.
“Khi gia đình thấy cô này bắt đầu có những biểu hiện không bình thường như thích la hét, nhảy múa, rồi đập phá đồ đạc trong nhà, đặc biệt là có tật thèm đàn ông, mỗi lần nhìn thấy đàn ông là cô ấy nude thoải mái thì gia đình hoảng quá, đưa vào viện tâm thần điều trị. Có chuyên môn và kinh nghiệm nên chỉ cần nghe và quan sát là chúng tôi biết bệnh nhân bị ám ảnh quá lớn về một điều gì đó trong cuộc sống đã dẫn đến bị hoang tưởng nặng. Ở đây là nỗi ám ảnh vì lấy chồng quá muộn”, bác sĩ Dũng cho biết.
Tâm thần vì bạn trai thích “đào mỏ”
Trong khi đó, lại có bệnh nhân Hà Nội có sự nghiệp đàng hoàng nhưng cũng muộn chồng do tính cách quá khô cứng, công việc quá bận rộn. Với cô này, người bình thường không dám với, những người đàn ông thành đạt (bằng hoặc hơn cô) cũng không hứng thú do cô quá kỹ tính, lại hay để ý. Vì thế, ngay cả các đám “mai mối” cũng phải rút lui.
Vì tính tình như vậy, bệnh nhân này không hề có ý định làm mẹ đơn thân. Cô cũng không muốn sống đơn dộc cho đến khi lớn tuổi. Vì vậy, cô dần thay đổi tính cách để những người đàn ông tìm đến không bỏ cô đi. Cuối cùng, điều đó cũng mang lại cho cô một kết quả khá tốt, cô có bạn trai trong sự mừng rỡ của bản thân lẫn đại gia dình.
Yêu đương một thời gian, gia đình cô gái bắt đầu giục cưới. Tuy nhiên, cậu bạn trai này lại tỏ ra không hứng thú với việc kết hôn. Thêm nữa, người đàn ông này dường như chỉ quan tâm đến tài sản của cô chứ không thực sự yêu thương cô. Điều này khiến cô bị sốc. Mối tình đầu đã khiến cô gái đau khổ, thất vọng, rơi vào trạng thái bấn loạn, không kiểm soát được hành vi. Cả gia đình sau đó phải đưa cô vào bệnh viện tâm thần để điều trị
Theo bác sĩ Dũng, bệnh viện tâm thần thường xuyên tiếp nhận những ca bệnh như thế và thời gian gần đây, số bệnh nhân nữ chưa chồng ở độ tuổi ngoài 30 bị hoang tưởng có xu hướng gia tăng. Mức độ hoang tưởng còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Bệnh này không phải do các yếu tố khách quan mang lại mà lại do chính con người từ những thay đổi về lối suy nghĩ trong cuộc sống tạo nên.
Bi hài điều trị cho bệnh nhân tâm thần vì ế chồng
Nói về quá trình điều trị cho những bệnh nhân nữ bị tâm thần do muộn chồng, bác sĩ Dũng cho biết, hầu hết họ bị hoang tưởng, còn tùy thuộc vào áp lực và thời gian chịu đựng. Điểm chung nữa là điều trị cho những bệnh nhân này có những chuyện rất bi hài.
Có bệnh nhân bị hoang tưởng nặng vì gần 40 tuổi mà vẫn ế chồng, nhưng sau khi được một lần chạm vào đàn ông thì bỗng trở lại bình thường. Thậm chí, có người khao khát đàn ông đến nỗi chưa cần chạm vào người, mới chỉ nhìn thì bệnh nhân đã hét toáng lên và liên tục nói người đó đã quan hệ tình dục với mình.
Giải thích căn nguyên dẫn đến những hiện tượng này, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Phụ nữ đang tuổi thanh xuân, hormone sinh dục tăng cao những không được đáp ứng nhu cầu sinh lý (một cách tự nhiên) sẽ khiến họ bị ức chế. Kéo dài tình trạng này sẽ khiến họ mắc một chứng bệnh tâm thần gọi là hoang tưởng hưng cảm, với những biểu hiện tương tự như các trường hợp kể trên”.
Trên thực tế, có 3 nhóm nguyên nhân khiến bệnh nhân tâm thần phát sinh: tâm lý (gặp các ức chế về tinh thần, gây các sang chấn tâm lý), nội sinh (do cơ thể tự phát ra) và sau những tổn thương thực thể. Những bệnh nhân bị tâm thần vì hoang tưởng do không lấy được chồng như trên có thể xếp vào cả loại 1 (tâm lý) lẫn loại 2 (nội sinh).
“Những bệnh nhân trên bị rối loạn cảm xúc. Trước khi bị hoang tưởng hưng cảm, họ đã trải qua giai đoạn trầm cảm với những biểu hiện như mệt mỏi, lo âu, rối loạn giấc ngủ, đuối hơi khi làm việc, làm giảm hiệu suất lao động. Kéo dài tình trạng này sẽ dẫn tới các biểu hiện hưng cảm như nói nhiều, luôn muốn can thiệp vào công việc của ngiười khác nhưng không đem lại kết quả gì, đặc biệt là tính tình thay đổi rõ rệt”, bác sĩ Dũng nói.
Thực tế cho thấy, những bệnh nhân mắc các chứng bệnh hoang tưởng, hoang tưởng hưng cảm (nặng hơn hoang tưởng) có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều. Bác sĩ Dũng cho rằng, hiện nay các bạn trẻ, trong đó có không ít phụ nữ có tham vọng lớn trong cả cuộc sống riêng lẫn công việc, hoặc bản thân người đó bị gia đình áp đặt. Nhưng nếu không đạt được mong muốn, những ức chế phát sinh và kéo dài sẽ gây nên những bệnh tâm lý như trên.
Một lời khuyên bác sĩ Dũng đưa ra là khi có các biểu hiện bất thường về tâm lý, không nên đi khám vòng vo, bệnh nhân cần có sự trợ giúp của các bác sĩ tâm thần. “Đồng thời, mỗi người hãy luôn hài hòa giữa như cầu và thực tế để cảm thấy hài lòng về cuộc sống, tránh những sang chấn tâm lý do không đạt được những mong muốn”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Đối với những trường hợp đã phát bệnh như những trường hợp trên, các bác sĩ sẽ dùng thuốc kết hợp với phương pháp bình thần đề bệnh nhân mau chóng hồi phục. Còn đối với những trường hợp đang ủ bệnh mà biết được mình đang ủ bệnh thì có thể sử dụng thuốc an thần để kìm hãm bớt mong muốn hoặc dùng thuốc nội tiết tố để giảm hormone sinh dục. Thêm nữa, vai trò giáo dục của gia đình cũng rất quan trọng, không nên gây áp lực hoặc miệt thị mà cần chia sẻ, động viên để người bệnh tìm được những niềm vui mới.
P.V