Những cuộc tình gay cấn của vị vua đồng tính

Thứ 5, 27/12/2012 23:53

Một điều đặc biệt trong cung điện Sanssouci mà bất cứ ai khi bước vào đều có thể nhận ra, thậm chí thoáng giật mình. Trong cung điện, nhà vua cho trang hoàng rất nhiều chân dung của những mối tình đồng tính luyến ái trong thời cổ đại Hy Lạp.

Một trong những mối tình tiêu biểu đó là Orestes và Pylades được nhà vua Friedrich II ca ngợi như những người hùng của tình bạn. Không chỉ dừng lại ở đó, cung điện Sanssouci còn lưu một bài thơ mà Friedrich II viết dành tặng cho một người bạn của mình khi đến đây.

Bài thơ viết: "Trong Hoàng cung được trang hoàng lộng lẫy này/Đôi ta hãy cùng tự do chung sống...".

Và người ta có thể nhận ra rằng, tất cả những người được mời tới cung điện đều là những người đàn ông. Họ đến đây vui chơi với nhà vua và có những cử chỉ thân mật.

Những điều bí ẩn, lạ lùng này đã khiến người ta dấy lên một mối hoài nghi về giới tính thực sự của Friedrich II, và cũng lí giải nguyên nhân trước đây ông không chịu lấy vợ, cũng như việc đối xử lạnh nhạt với người vợ sau này. Từ những tư liệu thu thập được, nhiều sử gia khẳng định rằng, Friedrich II đích thị là một ông vua đồng tính.

Thực tế cho thấy Friedrich II có một mối quan hệ thân mật đến mức lạ thường với người lính hầu của ông có tên là Christoph Keith. Khi còn là một hoàng tử, Friedrich II cho phép Christoph Keith ở bên mình suốt ngày đêm.

Sở dĩ Friedrich II không hào hứng cũng như kịch liệt phản đối chuyện lấy vợ là vì ông cảm thấy ở bên cạnh Christoph vui hơn, ông có thể gắn bó với Christoph không rời một giây một phút.

Khi vua cha Friedrich Wilhelm I phát hiện ra điều bất thường này, ông đã truyền lệnh đày ải Keith. Việc Keith bị đày ải khiến cho Friedrich II đau buồn, ủ rũ mất một thời gian dài.

Tuy nhiên, sau đó, người ta lại phát hiện ra Friedrich II có mối quan hệ với người vệ sĩ mới - đó là Trung tá Borcke. Friedrich II từng viết những lá thư mà giọng điệu trong đó sặc mùi của yêu đương, tình ái, rằng “chẳng ai yêu mến Ngươi bằng Ta đâu...”.

Friedrich II cũng tha thiết đề nghị Borcke “đền đáp” tình yêu thương mà ông dành cho anh ta.

Ông cũng được xem là vị vua đồng tính với lịch sử tình ái vô cùng gay cấn

Một trong những người khác nhiều người cho là có quan hệ đồng tính luyến ái với Friedrich II chính là Trung úy Hans Hermann von Katte. Nhiều quan lại trong triều đình Phổ cho rằng mình đã nhìn thấy sự thân mật trên mức tình bạn giữa hai người này.

Không chỉ có những biểu hiện lạ thường, cả hai thậm chí còn lên một kế hoạch táo bạo, đó là trốn ra khỏi nước Phổ. Đây thực sự là một sai lầm lớn dẫn đến một cơn thịnh nộ lôi đình của nhà vua Friedrich Wilhelm I. Sự việc diễn ra vào năm Friedrich mới chỉ 18 tuổi.

Tuy nhiên, lúc này mối quan hệ với Trung úy Hans Hermann von Katte đã vô cùng thân thiết. Vì quá chán nản trước việc liên tục bị vua cha giục lấy vợ, Friedrich ông đã cùng với Trung úy Hans Hermann von Katte và một số sĩ quan cấp thấp trong quân đội Phổ lập mưu trốn sang nước Anh. Mọi kế hoạch được chuẩn bị kĩ lưỡng và thời cơ cũng đã đến.

Tháng 8 năm 1730, vua Friedrich Wilhelm I có một chuyến thị sát ở miền Tây Nam Đức. Friedrich đã xin đi cùng chuyến đi này, cũng muốn nhân cơ hội này để tẩu thoát cùng Hans Hermann von Katte.

Tuy nhiên, một trong số những người đi theo đã không giữ được bí mật và báo cáo với nhà vua về kế hoạch tẩu thoát này nhằm hưởng lượng khoan hồng. Sự việc bại lộ và được đưa ra tòa án quân sự.

Trong vụ án này, Hans Hermann von Katte bị tuyên án tù chung thân còn hoàng tử Friedrich được đưa vào giam trong nhà tù một thời gian ngắn. Kế hoạch không thành, lại phải chịu cảnh giam cầm khiến Friedrich vô cùng buồn bã và đau khổ. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chưa khiến Friedrich suy sụp bằng việc chứng kiến cái chết của người tình Hans Hermann von Katte.

Sau khi phát hiện ra chân tướng vụ việc, biết được mối quan hệ bất thường giữa Katte với Friedrich, vua cha Friedrich Wilhelm truyền lệnh xử tử đối với tay trung úy này. Ngày 6 tháng 11 năm 1730, tại Küstrin (Kostrzyn) - một pháo đài trên sông Oder, Katte bị đưa ra hành hình. Katte bị bịt mắt và bị một tên đao phủ xử trảm.

Hoàng tử Friedrich cũng có mặt trong sự kiện này. Nhiều người đã kể lại rằng, khi chiếc đầu của Katte rơi ra, người ra nghe thấy Friedrich hét lên: "Katte! Xin lỗi Ngươi nhiều lắm!".

Ngay sau đó, hoàng thái tử lăn ra ngất. Sự kiện kinh hoàng đó thậm chí còn khiến cho Friedrich mất nhiều ngày hoang mang và sống trong những cơn ác mộng cũng như sự nhung nhớ về Katte. Tuy nhiên cũng nhờ biến cố khủng khiếp này mà Friedrich cuối cùng đã chịu xuống nước và đồng ý lấy vợ.

Những ngày tháng ở trong tù cùng với sự quan tâm ân cần của vua cha đã khiến cho Friedrich có một cảm nhận khác về tình cha con và khiến ông viết thư xin lỗi vua cha. Cảm động vì điều này, Friedrich Wilhelm I vội vàng đến ngục thăm con và sau đó đã ân xá cho Friedrich.

Danh sách những người tình trong bóng tối của thái tử Friedrich chưa dừng lại ở đó. Một thời gian sau cái chết của Katte, vẫn chứng nào tật ấy, Friedrich nhanh chóng tìm được người bạn mới cho mình, đó là một người nông dân trẻ có tên là Fredersdorf mà Friedrich gặp trong một lần cùng cha đi thị sát.

Ái tình đã khiến Friedrich say sưa và mù quáng tới mức không tiếc tay phong cho Fredersdorf chức quan đại thần.

Friedrich cũng tạo ra một cơn chấn động cũng như những sự ghen tị cho tầng lớp địa chủ Phổ bằng việc ban cho con trai của Fredersdorf một điền trang khiến cho từ một người nông dân, y đã trở thành một địa chủ giàu có bậc nhất trong thiên hạ.

Những người tâm giao của Friedrich thuộc đủ mọi thành phần. Ngoài những người lính hầu, người nông dân hay những viên trung úy của triều đình Phổ thì Friedrich còn qua lại với cả những nhà ngoại giao. Keyserling - theo một nhà ngoại giao người Pháp - từng được mời đến chơi cùng nhà vua và chung sống với Friedrich trong vòng nhiều tiếng đồng hồ.

Trong suốt quãng thời gian đó, Friedrich không cho Keyserling ra ngoài đường, vì "sợ thiên hạ dị nghị về ông ta”.

Mối quan hệ trên cả đặc biệt

Một số ghi chép còn tiết lộ một sự thật khiến nhiều người phải ngỡ ngàng và choáng váng, đó là mối quan hệ giữa Friedrich với nhà triết học, nhà thơ nổi tiếng người Pháp Voltaire. Nhiều tài liệu cho rằng giữa Voltaire và nhà vua nước Phổ đã có một tình bạn trên cả tuyệt vời.

Tuy nhiên, chính những bút tích hay những câu thơ của Voltaire còn lại cho đến ngày nay đã tố cáo một tình cảm trên mức bình thường giữa hai người này. Năm 1740, khi Friedrich II von Hohenzollern lên ngôi Quốc vương, nhà vua đã gửi thư mời Voltaire đến thăm kinh đô Berlin.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ đại văn hào vướng vào mối tình với bà Chatelet, nên Voltaire đã từ chối chuyến đi này. Nhưng như một định mệnh không tránh khỏi, vào năm 1743, vua Pháp với mục đích nhằm củng cố liên minh Pháp - Phổ đã cử một người sang viếng thăm vua Phổ. Người được lựa chọn không ai khác chính là Voltaire.

Và nhà triết học người Pháp này đã trở thành một trong những thượng khách đã được Đại đế Friedrich II tiếp đón tại cung điện xa hoa Sanssouci.

Sau chuyến công cán đó, Voltaire còn trở lại nước Phổ nhiều lần theo những lời mời cá nhân. Đặc biệt, sau khi bà Chatelet qua đời vào năm 1749, cuối cùng thì Voltaire cũng nhận không ít lời mời đến chung sống với nhà vua.

Vào tháng 7 năm 1750, Voltaire đến kinh thành Berlin. Là viên thị thần của ông, Voltaire được ông chu cấp cho 20.000 quan Pháp và sống tại một trong những cung điện Hoàng gia Phổ.

Trong suốt gần 50 năm kể từ đó trở đi, Voltaire đã cùng với Đại đế Friedrich II trải qua nhiều giây phút thăng hoa tại cung điện mùa hè. Có lần, Voltaire từng gửi tặng một bài thơ cho ông, ví ông như Julius Caesar - vị hoàng đế đồng tính luyến ái đã cải cách hệ thống lịch thời kỳ La Mã cổ đại, và từng gọi ông là "Đức Vua vĩ đại, đẹp trai và thích quấy rối người khác".

Ở bên cạnh Đại đế Friedrich II, Voltaire hưởng mọi bổng lộc, vinh hoa phú quý của một người thân cận hoàng đế.

Trong khi đó, Voltaire trở thành người thầy, nhà triết học và người bạn tận tụy nhất của ông. Thậm chí, có lần, Voltaire từng thốt lên rằng: “Trong suốt bốn năm nay, hạ thần là nhân tình của Đức Kim thượng...”.

Trong cung điện nguy nga tráng lệ, Đại đế Friedrich II và Voltaire ngồi đàm luận với nhau khoảng hai tiếng đồng hồ. Sau đó, họ cùng nhau dùng bữa tối trong ánh nến lãng mạn và tiếp tục kéo dài câu chuyện của mình cho tới tận khuya.

Chuyện đồng tính luyến ái của Đại đế Friedrich II trước sau vẫn chỉ là những câu chuyện bí mật được giấu kín trong bóng tối. Thế nhưng, bỗng một ngày, người ta đọc được một ghi chép của Voltaire thẳng thắn nói về chuyện giới tính này của nhà vua.

Trong ghi chép của mình, Voltaire viết: “Nhà vua ngủ theo kiểu Sparta trên một chiếc võng giản dị của quân đội nước Phổ. Khi đức vua vận hoàng bào và mang hia, triết học Khắc kỷ phải nhường chỗ cho trường phái Epicurus trong một khoảng thời gian ngắn.

Có hai hoặc ba sủng thần tới gặp Ngài, họ là những Trung úy trong quân đội triều đình, hoặc là những học viên trẻ của trường sĩ quan, những anh lính hầu, hoặc là những haidouk (lính bộ binh người Hungary). Họ đã cùng nhau uống cà phê.

Ngài mà thả một chiếc khăn quàng cổ vào anh chàng nào thì anh ta sẽ còn ở riêng cùng Ngài thêm 15 phút nữa. (Trong cung cấm của Thổ Nhĩ Kỳ, một nguyên phi được chọn để ăn nằm với Sultan thường ra mắt Sultan với một chiếc khăn quàng cổ)”.

Tác phẩm khiến nhiều người choáng váng bởi nó công khai luôn chuyện Đại đế Friedrich II là một vị vua đồng tính luyến ái. Choáng váng hơn nữa là khi nó được viết ra bởi chính người đã nhiều ngày đêm chung sống cùng đức vua.

Khi biết chuyện, Đại đế Friedrich II đã giữ một thái độ không phủ nhận chuyện đồng tính mà cũng không cho rằng nội dung quyển sách này là đúng. Đức vua cũng không truy cứu chuyện Voltaire đã nói ra bí mật này.

Người ta đồn rằng, trước khi sự việc này xảy ra, giữa đức vua và Voltaire đã nổ ra một cuộc tranh luận dẫn đến bất hòa. Và việc tung ra những lời trên chỉ là một cơn nóng giận tức thời của Voltaire dành cho người bạn lâu năm của mình.

Chính Voltaire sau này cũng đã ám chỉ về vụ việc này rằng: “Hai người tình bất hòa với nhau, nói cách khác là hai kẻ náo loạn hoàng cung giận nhau. Tuy nhiên, tình yêu thương nồng nàn vẫn bất diệt”.

> Đọc thêm: Những câu chuyện huyền bí trong hậu cung xưa

Anh Lê

* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐSPL.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.