Bức thư với những dòng rỉ máu: “Thế là còn 3 ngày nữa xử vợ anh, anh rất buồn và thương vợ nhưng không làm được gì để giúp em được... Anh vô cùng bất lực... Cô bạn gái đưa giấy xử kể cho anh nghe là: Chị Hằng ở trong đấy khổ lắm, chị bị cán bộ C. đánh sưng cả mặt, suốt ngày khóc và hoảng loạn chửi tên người đó. Anh nghe kể lại vô cùng uất ức, anh không còn con đường nào khác đi tìm diêm vương và thủy tề xem có giúp được gì không... Anh rất thương vợ con vừa phải xa cách nay lại chịu nỗi hàm oan này...”.
Một mực kêu oan
Trở lại phiên tòa diễn ra ngày 24/3/1998, nơi bà Đỗ Thị Hằng (SN 1953, trú tại phường Mỹ Độ, TP. Bắc Giang) cho rằng đã một mực kêu oan, nhưng vẫn không thể lay chuyển được quyết định cuối cùng của HĐXX bởi chữ ký của bà đã xuất hiện trên bản cung nhận tội. “Trước tòa, tôi nhiều lần khẳng định mình không bán chị Dương Thị Liễu, cũng không lừa đảo tài sản. Tôi thậm chí còn không biết chị Liễu là ai, tiền vay anh Phương tôi đã trả đủ, còn chị Mỹ là chỗ thân tình giúp nhau lúc khó khăn, không có chuyện tôi đi lừa để chị ấy tố cáo tôi ra công an”, bà Hằng khẳng định với PV. Giải thích về chữ ký trong bản cung, bà Hằng cho biết đó không phải do mình ký sau khi nhận tội mà là do được yêu cầu ký khống trên các tờ giấy trắng (?!).
Bà Hằng kể, trong suốt thời gian bị tạm giam để điều tra, bà đã một mực kêu oan và nhất định không nhận tội. Trong khi cả 3 điều tra viên Nguyễn Hữu T. (người cũng góp mặt trong vụ án oan sai của Nguyễn Thanh Chấn – PV), Nguyễn Văn Ch. và Hoàng Văn N. đều tỏ ra khá nhã nhặn, chỉ đơn giản hỏi – đáp thì điều tra viên Nguyễn Quang C. lại hoàn toàn trái ngược. Theo mô tả của bà Hằng, ông C. người thấp đậm, đen và thô lỗ, đã đánh chửi bà ngay trong buổi làm việc đầu tiên, khi bà Hằng vẫn khăng khăng nói mình vô can.
Trong suốt 10 năm qua, với xấp đơn kêu cứu trên tay, bà Hằng đã ròng rã đi kêu oan trong vô vọng.
Vì thể trạng ốm yếu nên chỉ sau vài buổi “đi cung” với điều tra viên C., bà Hằng đổ bệnh nặng với hàm răng nhiều chiếc bị gãy, toàn thân ê ẩm. Thấy vậy, điều tra viên C. đã đưa cho bà Hằng 3 tờ giấy phê-đúp trắng, yêu cầu bà ký trước rồi sẽ làm giấy cho bà tại ngoại để chữa bệnh khiến bà Hằng vô cùng mừng rỡ. Thế nhưng, trong khi lệnh tại ngoại chưa thấy đâu, bà Hằng bỗng nhận được lệnh triệu tập đi xử tại tòa. Cầm tờ lệnh trong tay, người phụ nữ giam cùng buồng với bà Hằng là bà Thoa (ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) còn động viên: “Chị không làm gì, cũng chẳng nhận tội thì ra tòa họ lại tha thôi”.
Lời an ủi của bà Thoa khiến bà Hằng càng thêm vững dạ. Đêm trước ngày ra tòa, cả hai còn ăn “liên hoan chia tay”. Bữa đó có cả xôi, thịt và chuối gia đình bà Hằng gửi vào mà không mảy may biết rằng, đó là đồ cúng trong đám tang của chồng bà, ông Ngô Văn Mỹ. Đến khi bước chân xuống chiếc xe bịt bùng, thấy cả 5 đứa con đều khóc nấc trong những chiếc áo xô trắng, bà Hằng còn cáu, quát: “Mẹ đi tù chứ có chết đâu mà mặc áo tang. Mẹ vô tội, tí về bây giờ”.
Tại phiên tòa, sau khi mọi lời chối tội và tố cáo đều trở nên vô nghĩa, ngay cả yêu cầu được gặp trực tiếp Nguyễn Quang C. để đối chất về bản cung cũng bị HĐXX gạt đi, bà Hằng đành buông xuôi chấp nhận án phạt. Bà tâm sự rằng, do biết trước số phận sẽ phải gánh “tiền oan nghiệp chướng” cho đàn con nên đành chấp nhận “án ma”. Bà cũng không yêu cầu phúc thẩm mà chỉ xin đọc một bài thơ ngắn đầy đau xót vừa nghĩ ra, thay cho lời cuối cùng muốn nói rồi lặng lẽ bước chân ra khỏi phòng xử án.
Trại tạm giam Kế (Bắc Giang), nơi bà Hằng bị tạm giam trong những ngày chờ xét xử.
5 năm giam cầm và 5 đứa con hư hỏng
Cả 4 điều tra viên lấy cung bà Hằng đều đã qua đời Nhắc lại những tháng ngày ê chề trong trại tạm giam và việc mình bị bức cung, đánh đập, bà Hằng ý thức được rằng việc chứng minh lời tố cáo của bà là điều rất khó, nhất là trong trường hợp cả 4 điều tra viên tham gia lấy cung bà đều đã không còn nữa. Bà Hằng cho biết, mỗi cán bộ đều qua đời vì các lý do khác nhau nhưng người bà nhớ nhất là Nguyễn Quang C. đã chết vì ung thư vòm họng. Tuy nhiên, bà Hằng cho biết vẫn sẽ lên tiếng để làm rõ điều mà bà cho là oan khuất. |
Mãn hạn, ngày 16/4/2002 bà Hằng trở về dưới căn nhà rách nát với hành trang chỉ là hai bàn tay trắng cùng một mảnh giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tù. Gần 5 năm bị giam cầm sau song sắt (bà Hằng được đặc xá tha tù trước 1 năm), ngày trở về, người mẹ chết sững bất lực khi thấy bầy con 5 đứa đều hư hỏng cả.
Trước cảnh đời nghiệt ngã, bà Hằng chẳng còn biết làm gì khác ngoài tự răn mình rằng đó chính là kiếp nạn, là quả báo bà phải gánh chịu do kiếp trước ăn ở không tử tế. Để thanh thản, bà náu mình vào cửa Phật, hàng ngày tụng kinh, gõ mõ, cầu cúng làm phúc cho đời. Cũng chính vì thế, câu chuyện oan khuất của bà được truyền miệng trên cả một vùng rộng lớn, nhiều chi tiết đã thành giai thoại.
Cũng trong khoảng thời gian này, do kinh tế vô cùng eo hẹp, bà Hằng đã rất khổ sở khi vừa phải còng lưng thăm nuôi các con trong trại và vừa phải trang trải các chi phí trên đường đi kêu oan. “Cứ thấy ai mách gặp người này, người nọ có thể ra chuyện là tôi lên đường đi gặp ngay. Nhưng chẳng hiểu sao họ đều đi đâu mất hoặc qua đời. Đến ông Phạm Văn Ngọ (nhân vật đã đề cập ở các kỳ trước) là một người rất quan trọng, tôi muốn gặp để đối chất thì cũng chết trong tù. Các con trai ông Ngọ cũng đều chết cả vì ma túy”, bà Hằng tâm sự.
Về phía anh Phan Văn Phương và chị Khổng Thị Mỹ, sau khi ra trại, bà Hằng cũng nhanh chóng tìm gặp để xác minh, thực hư chuyện họ tố cáo mình thì lúc này cả hai người mới ngã ngửa ra khi biết bà Hằng đi tù một phần là vì họ. Ngay lập tức, chị Mỹ viết giấy xác nhận có chứng kiến của chính quyền địa phương nói rằng, chị và bà Hằng là chỗ thân thiết, có vay tiền qua lại của nhau. Bà Hằng có vay 300.000 đồng và đã trả đầy đủ. “Tôi không kiện chị Hằng mà sao cán bộ điều tra lại ghép tội chị Hằng lừa đảo, điều này là hoàn toàn sai” - chị Mỹ viết trong giấy xác nhận.
Gặp lại cố nhân và thông tin khiến người xưa ngất xỉu
Thời gian cứ thấm thoắt thoi đưa kéo người đàn bà bất hạnh ấy càng chìm sâu thêm vào nỗi tuyệt vọng. Thế rồi vào đợt đầu năm 2012, trong một dịp đi lễ ở chùa Phúc Linh, một ngôi chùa cổ linh thiêng có từ thế kỷ XVII ở huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), bà Hằng vui sướng tột cùng khi tình cờ gặp lại người bạn tù (bà Thoa- PV) cùng phòng trong trại tạm giam Kế năm nào cũng đang đội lễ lên chùa. Chứng kiến từ những ngày đầu tiên bà Hằng vào trại tạm giam, đêm đêm nghe người bạn tù vật vã khóc than kêu oan ức, bà Thoa là người hết sức tin tưởng và cảm thông với nỗi hàm oan của bạn. Niềm vui lại càng nhân lên gấp bội khi người bạn cũ ghé tai bà Hằng thì thầm: “Cái Liễu trong vụ án của chị nó đã về rồi đấy”.
Vừa nghe xong tin, chân tay bà Hằng bủn rủn, trời đất như đảo điên, bà Hằng kinh ngạc nhìn người bạn tù năm nào và ngất xỉu ngay trước cửa chùa. Vậy là nỗi oan khuất của bà tưởng chừng sẽ không bao giờ hóa giải được nay đã tìm được yếu nhân. Khi tỉnh dậy, bà Hằng lập tức bỏ ngang buổi lễ, thuê xe ôm chạy vội đến nhà chị Liễu nhưng sự đời nào có giản đơn như vậy...
Long Nguyễn
(Còn nữa)