Tối 12/3, 10 cựu binh và thân nhân của 7 anh hùng, liệt sỹ Gạc Ma đang sinh sống tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... đã có mặt tại cửa biển Cẩm Nhượng, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh để làm lễ tri ân, thả đèn hoa đăng tưởng niệm 64 anh hùng liệt sỹ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma (14/3/1988).
Nhớ lại trận hải chiến năm xưa, ông Lê Hữu Thảo, Trưởng ban liên lạc cựu binh và ân nhân liệt sĩ trong trận hải chiến Gạc Ma (trú tại Hà Tĩnh) bùi ngùi kể, vào khoảng đầu tháng 3/1988, ông cùng các đồng đội Đậu Xuân Tư, Hoàng Trọng Chúc... được giao nhiệm vụ xuống bãi đá ngầm san hô, cảnh giới và bảo vệ cho lực lượng công binh dựng cờ ở đảo Gạc Ma.
Thời điểm lúc bấy giờ, ông là tiểu đội trưởng của một trong hai trung đội chiến đấu do Lữ đoàn 146 lập ra trước khi tàu HQ-604 được lệnh rời Cam Ranh ra bảo vệ Gạc Ma. Lúc này, trong tay chỉ có hai khẩu AK nhưng ông Thảo cùng đồng đội phải mặt đối mặt với hơn 50 lính Trung Quốc có vũ trang cùng tàu chiến yểm trợ.
“Khi bị lính Trung Quốc tấn công và nổ súng, tôi đã nhanh chóng đánh trả, thoát hiểm rồi ra cứu đồng đội trong đó có ông Hoàng Bùi Hải, nay là Đại tá, Phó chỉ huy trưởng tỉnh đội Thanh Hóa và ông Nguyễn Văn Lanh, người về sau được phong anh hùng.
Tôi rất nhớ thương các đồng đội của tôi, những người đã nằm lại nơi biển khơi và cả những người đã may mắn sống sót trở về nay vẫn còn gian khó. 30 năm trôi qua rồi, nhưng mỗi lần nhắc đến cuộc chiến, lòng tôi lại bồi hồi không nguôi, nhớ thương đồng đội đã ngã xuống”, cựu binh Thảo xúc động nói.
Vượt qua hàng trăm km từ tỉnh Quảng Trị ra Hà Tĩnh, cựu binh Trần Thiên Phụng (55 tuổi) ngậm ngùi nhớ lại, vào đêm 12/3/1988, ông cùng 6 đồng đội được lệnh lên đường ra đảo Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đến rạng sáng ngày 14/3/1988, quân ta và quân Trung Quốc cùng đổ bộ lên đảo. Vào khoảng 6h30 cùng ngày, phía Trung Quốc bắt đầu xả súng vào quân ta. Trong trận chiến này, có 2 người đồng đội trong số 6 người cùng ông ra đảo đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, 4 người sống sót trong đó có ông. Sau 3 năm bị Trung Quốc giam cầm, ông đã được trả tự do về Việt Nam đoàn tụ với gia đình.
“Tròn 30 năm sau trận hải chiến trên biển, chúng tôi đã liên lạc cùng thân nhân các liệt sĩ những người lính sống sót trong trận chiến Gạc Ma có dịp gặp mặt sau bao nhiêu năm xa cách. Chúng tôi vỡ òa trong hạnh phúc.
Niềm hạnh phúc này được nhân đôi khi chúng tôi cùng nhau thả đèn, thắp những nén nhang cho 64 đồng đội đã hi sinh. Dù trải qua thời gian dài, nhưng cuộc chiến vẫn còn in đậm trong tâm trí những người lính” ông Phụng ngậm ngùi.
64 chiếc đèn hoa đăng tượng trưng cho 64 vị anh hùng, liệt sĩ đã bỏ lại máu xương, hi sinh anh dũng trong trận chiến Gạc Ma được những người đồng đội, người thân thả xuống biển, ngậm ngùi tưởng nhớ các anh...