Liên tiếp xảy ra những vụ xâm hại tình dục trẻ em, gây phẫn nộ dư luận, khiến các bậc cha mẹ vô cùng hoang mang lo lắng, nhiều ông bố bà mẹ lên các diễn đàn hỏi về cách để nhận biết những người mắc bệnh ấu dâm.
Mới đây, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe Dân số (CCIHP) để hiểu rõ hơn về hành vi, tâm lý của những kẻ biến thái.
Bác sĩ Thiên giải thích: “Có thể nói, đa số các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em đều từ người quen biết, bao gồm người thân (anh họ, cậu, chú, bác, cô, dì, thím...), hàng xóm và một số người trẻ thường tiếp xúc... Nên để quan sát bằng mắt thường, rất khó có thể phát hiện ra ai người đang mắc bệnh ấu dâm.
Với những người quen, họ đã có thời gian tiếp cận trẻ, tạo cho trẻ cảm giác tin tưởng tuyệt đối và việc xâm hại trẻ rất có thể sẽ diễn ra nhiều lần, nhưng với người lạ, các đối tượng này chỉ thực hiện được một lần và thực hiện hành vi xâm hại với nhiều trẻ khác nhau”.
Khi những vụ xâm hại trẻ liên tục xảy ra, nhiều bậc phụ huynh bắt đầu loay hoay cho việc bảo vệ con mình mà không biết, chính thói quen để người lạ dễ tiếp cận con mình lại là hành động tiềm ẩn “đẩy” con đến gần hơn với tội phạm ấu dâm.
“Các ông bố bà mẹ Việt đang mắc một sai lầm nghiêm trọng, cứ thấy ai ôm, hôn, vồ vập con mình thì họ cho rằng, người đó quý trẻ nên mới làm thế. Chính điều đó đã tạo cơ hội cho một số kẻ bệnh hoạn lợi dụng để lạm dụng tình dục con bạn.
Tuy nhiên, việc đụng chạm, sờ mó cơ thể trẻ cũng rất khó để phân biệt đâu là kẻ ấu dâm. Bởi văn hóa Việt Nam thường biểu hiện tình yêu trẻ bằng việc ôm, hôn, nựng...trẻ. Khi thấy con bị sờ mó các bậc cha mẹ không hề cảnh giác. Chỉ đến khi con bị xâm hại, cha mẹ mới vỡ lẽ... thì đã quá muộn", bác sĩ Thiên cho biết.
“Những người mắc bệnh ấu dâm luôn tạo sự tin tưởng cho trẻ, để trẻ cảm thấy rằng họ rất đáng tin. Họ thường có ánh mắt, cử chỉ không đàng hoàng, hay tìm cách tiếp cận trẻ em khi ở một mình. Có những biểu hiện cưng nựng trẻ, âu yếm, vuốt ve thái quá và có cái nhìn thèm khát đối với trẻ...”, bác sĩ Thiên nhận định.
Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều bài học, rất nhiều số liệu cảnh báo đau buồn, rất nhiều lời khuyên dành cho bậc cha mẹ khi con cái họ cũng có thể bị xâm hại nhưng cách mà họ làm dường như vẫn chưa đủ để bảo vệ con mình.
Bác sĩ Thiên cho rằng, trẻ không thể “tránh” đi đâu được khi những kẻ mắc bệnh ấu dâm đang ở xung quanh và rất gần trẻ. Vì vậy, trẻ cần được cha mẹ giáo dục, trước hết về sự riêng tư và phân biệt nam nữ cần thiết, kể cả giữa anh em ruột... Dặn trẻ đừng vội vã tin bất cứ một lời nói của ai nhất là những kẻ lạ mặt, hoặc nếu là người thân thì phải chạy về xin phép người lớn.
Dạy trẻ những kỹ năng tự bảo vệ, nhận thức cơ bản về hành vi xâm hại, thường xuyên nhắc trẻ không vui chơi ở những nơi vắng vẻ. Hướng dẫn trẻ cách thoát thân trong trường hợp bị người xấu khống chế, cách kêu cứu, dạy cho chúng thái độ không sợ hãi, dám lên tiếng trước những hành vi lệch lạc.
"Hãy dạy trẻ hất tay người lạ khi đụng chạm vào cơ thể mình và đi ra khỏi bối cảnh đó ngay, dạy con thoát khỏi những tình huống đáng sợ hoặc khó chịu, đừng để câu chuyện xâm hại trẻ xảy ra rồi mới lên tiếng cảnh báo hay ân hận.
Bậc làm cha mẹ cũng cần phải hiểu, mọi ý niệm cần nhất quán, từ chi tiết nhỏ đến chi tiết lớn, như vậy mới có thể hình thành cho trẻ một thói quen tốt... Cần phải thường xuyên theo dõi tâm lý, biểu hiện, kiểm tra quần áo, thân thể con cái để tránh được nguy cơ bị xâm hại tình dục”, bác sĩ Thiên phân tích.
Xem thêm:
Xâm hại tình dục: Chuyên gia bật mí 6 "bí kíp" trẻ bảo vệ mình
Phương Quỳnh