“Trụ cột gia đình”
Từ mờ sáng đến tối mịt, cậu bé 12 tuổi Fayaz phải làm việc cực nhọc ở một lò rèn của người chú ở Kabul. Trong khi bạn bè cùng trang lứa được tới trường thì cậu bé phải luôn tay búa và làm những công việc nặng nhọc vốn không phù hợp với lứa tuổi của cậu. Sau khi bố đổ bệnh, Fayaz đã phải lao động nặng nhọc từ khi lên 7. Năm 2010, bố cậu bé qua đời do gia đình không đủ tiền chữa trị. Sau đó, cả ba anh em cậu phải tìm việc làm kiếm sống.
Một cậu bé làm việc tại một gara ô tô ở Kabul
Trường hợp của Fayaz cũng chỉ là một trong số 4 đứa trẻ người Afghanistan xuất hiện trong cuốn phim tài liệu dài 30 phút “Lao động trẻ em ở Kabul”, do Wahabzada đạo diễn, nhà sản xuất Jon Bougher. Đạo diễn Wahabzada cho biết có khoảng 50.000 tới 60.000 trẻ em đang làm việc ở Kabul. Chúng thường có những hoàn cảnh gần như nhau, có thể là mồ côi bố hoặc mẹ, bố tàn tật, mẹ không có khả năng lao động… vì thế chúng phải tự lăn lộn để kiếm sống.
Trong bộ phim tài liệu của Wahabzada, trường hợp của em Yassamin, 13 tuổi, người Afghanistan, mưu sinh ở các bãi rác tại Kabul, khiến người xem không khỏi xúc động. Hàng ngày cô bé đi lượm giấy, nhựa thải và kim loại về để bán. Cha của Yassamin đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết cách đây 4 năm. Mẹ em mắc bệnh thần kinh vì thế cô bé và người anh trai là “trụ cột tài chính” cho gia đình.
Cậu bé Abdul Wahab làm việc tại một lò rèn ở Kabul (Ảnh: Reuters chụp ngày 14-12-2010)
Nghèo vẫn hoàn nghèo
“Hầu hết các em đều đang phải làm việc cật lực để giúp đỡ gia đình nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo”, Eric Edmonds, phó giáo sư kinh tế học tại trường đại học Dartmouth và từng làm cố vấn cho rất nhiều tổ chức quốc tế về vấn đề lạm dụng lao động trẻ em, nói. “Tôi nghĩ việc lạm dụng lao động trẻ em hiện nay rất phổ biến. Theo tôi bản chất của vấn đề là các em buộc phải làm như vậy để giúp gia đình đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống”.
Mohammad Gul, một cậu bé 8 tuổi làm việc tại xưởng cơ khí ở Khost, Afghanistan ngày 11-12-2010 (Ảnh: AP)
Việc lạm dụng lao động trẻ em ở mỗi nước không giống nhau, theo Phó giáo sư Edmonds, thực trạng lạm dụng lao động trẻ em phổ biến nhất trên thế giới tính cho tới thời điểm này là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hay nói cách khác, khái niệm lạm dụng lao động trẻ em không quá xa lạ, bắt một đứa trẻ phải làm việc nhà nông chính là lạm dụng lao động trẻ em.
Ông Edmonds cũng cho biết thêm: “Rất nhiều người cho rằng lao động có thể giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách. Tuy nhiên trẻ em sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khi làm ruộng và tất nhiên nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc nhẹ nhàng như trông giữ cửa hàng. Trẻ em có thể sẽ hít phải các chất hóa học độc hại, bị phơi nhiễm với thuốc trừ sâu, phải vận hành các loại máy móc nông nghiệp quá lớn so với vóc dáng bé nhỏ của chúng”.
Tất nhiên nguy hiểm về mặt thể chất chỉ là một trong rất nhiều những hậu quả tất yếu của việc lạm dụng lao động trẻ em, cho dù là trên đồng ruộng hay trong nhà máy hoặc trên phố. Việc lạm dụng lao động trẻ em còn để lại hậu quả nghiêm trọng khi các em không có cơ hội đến trường. Các em sẽ lớn lên trong tình trạng nghèo đói, mù chữ và rồi thế hệ sau này cũng sẽ gặp phải vấn đề hoàn toàn tương tự như cha mẹ chúng.
Nhìn về một tương lai tốt đẹp hơn
Ở một vài quốc gia, trẻ em nghèo đói tới mức chúng phải dành cả ngày ở bãi rác để tìm phế liệu, ve chai hay thậm chí tìm đồ ăn thừa. Cách đây 11 năm, Elena Durón Miranda người Mexico, một trong 10 nhân vật được CNN bình chọn là nhân vật của năm 2011, đã thật sự sốc khi nhìn thấy khoảng 200 trẻ em, có em chỉ mới 3 tuổi, đang lượm rác ở Bariloche, Argentina.
Trẻ em làm tại nhà máy đóng gạch Sadat Ltd. Brick ở Kabul
Khi đó những em này đang thu lượm xúc xích, túi đựng khoai tây rán, túi đựng mì ăn liền, hay hộp sữa chua còn thừa ngay cạnh một cái tã lót dùng rồi. Cô Elena xót xa: “Con trai tôi cũng trạc tuổi những đứa trẻ kia và thật kinh khủng khi tưởng tượng con cái mình cũng phải lao động như vậy”. Sau đó, cô Elena đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên gọi PETISOS tạo cơ hội cho các em phải lao động từ nhỏ được học tập và tham gia các chương trình ngoại khóa. “Nếu còn lạm dụng lao động trẻ em thì đói nghèo sẽ vẫn còn tiếp diễn”, Elena nói, “Điều này có thể ảnh hưởng đến tương lai của bất kì quốc gia nào”.
Trên thực tế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) ước tính 30% trẻ em Afghanistan trong độ tuổi 5-14 đang phải lao động dưới nhiều hình thức và 158 triệu trẻ em trên toàn thế giới đang phải lao động, gánh trách nhiệm như những người lớn thực thụ. Tuy nhiên, 68% dân số Afghanistan ở độ tuổi dưới 25, vì thế sức trẻ dường như đang là thế mạnh của quốc gia hồi giáo này. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu tận dụng đúng nguồn lực này và đầu tư kịp thời. Đây sẽ là cơ hội vàng giúp Afghanistan đi lên từ vũng lầy chiến tranh, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu để có một tương lai tốt đẹp hơn.
Chu Hương