Đó không chỉ là nỗi đau riêng của "Vua Lốp" Nguyễn Văn Chẩn, mà còn là thiệt hại và nỗi ám ảnh của người dân trong một thời kỳ dài trước những năm đổi mới…
Gom nhặt phế thải thành sản phẩm có ích
Nhà văn Trần Huy Quang thu thập tư liệu về "Vua Lốp" rất đầy đủ. Nhưng trong số tư liệu mà ông cung cấp cho báo chí và đồng nghiệp trong hành trình kêu oan cho "Vua Lốp", thì những tư liệu mô tả về lốp xe "Quyết Thắng" nổi tiếng một thời là rất quý báu, nó mang tính như một bản "kháng án" kêu oan cho một sản phẩm của thế kỷ...
Thời trước, lốp xe của “Vua Lốp” luôn được xếp hàng chờ mua.
Nhà văn Trần Huy Quang đã viết về việc phát minh ra sản phẩm lốp xe "Quyết Thắng" của "Vua Lốp" như sau: "Tôi làm nghề cao su từ hồi còn nhỏ, từng mổ xẻ nhiều loại lốp ô tô, cấu tạo nó như thế nào tôi biết. Và đó là sự gợi ý có tính chất quyết định nhất: Tanh và mành bóc từ lốp ô tô. Nhưng khi làm phải hỏng tới vài chục chiếc lốp mới tìm ra được cách bóc thành từng tấm mảnh như bây giờ ta thấy. Chiếc đầu tiên tôi để mép gấp ra bên ngoài, vì như thế dễ làm. Chiếc lốp ấy ra đời cũng đẹp lắm, tôi nhờ một ông xích lô lắp vào đi hộ. Bơm thật căng. Không ngờ ông ấy đi được đến Kim Liên thì mành bật ra, tanh ra tanh, lốp ra lốp, ông xích lô cầm một nhúm, ném toẹt vào nhà. Tôi không buồn, ngược lại, rất vui nữa là đằng khác. Vì tôi biết nó hỏng cái gì! Như vậy gấp mép ra không được mà phải gấp vào, đúng là phải gấp vào".
Được biết, để làm ra chiếc lốp không khó, nhưng đạt đến độ bền như lốp "Quyết Thắng" của Nguyễn Văn Chẩn thời tám mươi, tám mốt đó thì phải qua 5 năm tìm kiếm pha chế. Để có được tiếng tăm của lốp xe "Quyết Thắng", ông Chẩn đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài. Từ những năm 1962, chỉ có ba bốn bố con sản xuất, đến 1978, sau nhiều năm tập trung nghiên cứu tận dụng các loại phế liệu ở Hà Nội, lốp mành thục của ông mới ra đời và đứng vững trên thị trường.
Cũng từ đó, mỗi năm gia đình ông Chẩn lại cho phòng vận tải quận và các cơ quan nhà nước từ 1500 đến 2000 chiếc lốp xe thồ để cung cấp cho các đội vận chuyển lương thực, thực phẩm đường ngắn. Đồng thời tạo việc làm tại chỗ cho cả nhà gồm vợ chồng, con cái, dâu rể tất cả 10 lao động và nhiều bà con khác trong khu vực. Đến năm 1981, mặc dù có nhiều khó khăn về điện, một số loại hóa chất phụ gia được cấp có hạn, nhiều tháng không sản xuất được, gia đình ông Chẩn vẫn giao cho Nhà nước 1500 chiếc xe thồ bằng mành.
Theo như ông Trần Huy Quang kể lại, thời điểm đó, phế liệu được tận dụng tối đa. Ông Chẩn đã bóc lốp ôtô cũ ra để làm tanh xe thồ. Phần cao su còn lại, mảnh lớn giao cho cơ sở bạn làm dép lốp, số rìa rẻo không thể tận dụng được thì đốt lên để nung sấy khuôn và thu lấy khói làm bột đem pha vào cao su thay thế cho loại bột đen nhập từ nước ngoài. Cao su phế liệu cũng vậy, phải chọn nhặt từng cân, từng lạng trong cái đống "tạp phí lù" của nhà máy thải ra, rồi bằng kinh nghiệm lâu năm trong nghề, tự phân ra chất xem có thiếu loại hóa chất gì để bổ sung thêm. Ông Chẩn cũng cho biết, phải dùng xăng công nghệ sản xuất, mà nghiên cứu sử dụng xăng thường của Nhà nước cấp.
Về công nghệ sản xuất này của ông Chẩn, chính Báo Nhân Dân số ra ngày mồng 6/4/1982 có đăng bài "Lốp xe thồ làm bằng mành thục" của tác giả Bùi Ngọc có đoạn kết luận như sau: "Qua việc làm của gia đình này, chúng tôi tin rằng với nguồn phế liệu cao su hiện có trong thành phố, có thể tạo ra việc làm cho hàng vạn lao động và làm ra không ít sản phẩm bằng cao su".
Với phát minh của mình, ông Chẩn được Ban khoa học kỹ thuật UBND TP.Hà Nội cấp giấy "Chứng nhận chất lượng" vào ngày 5/3/1982 và ông Chẩn đã đem sản phẩm đi triển lãm "Thành tựu - kinh tế kỹ thuật Việt Nam", được trao tặng Huy chương đồng do ông Nguyễn Thọ Chân ký. Thế nhưng, chưa đầy 5 tháng sau vào ngày 27/8/1983, một quyết định thu hồi của UBND TP. Hà Nội được đưa xuống mà không nói rõ lý do thu hồi...
Vua lốp Nguyễn Văn Chẩn (bên trái ảnh).
Tai họa vì... một phát minh vĩ đại
Như vậy, tiếng tăm, theo sau nó là tai họa, chữ tài liền với chữ tai. Giữa năm 1983, tai họa ập xuống. Lại khám nhà. Lại niêm phong. Ông Chẩn bị bắt phải thao diễn kỹ thuật trong ba ngày trước hàng chục quan sát viên trong nghề. Không đưa ra bí quyết nghề nghiệp thì lốp không được như lốp đã bán, người ta kết tội là không phải dùng phế liệu mà dùng cao su chính phẩm, vật tư Nhà nước quản lý, để sản xuất. Sẽ rũ tù. Muốn khỏi tội thì phải tung bí quyết nghề nghiệp ra. Và trong hoàn cảnh đó, "Vua lốp" chọn cách thứ hai và cũng là cách trung thực nhất. Thế là những bí quyết phải tung ra giữa bàn dân thiên hạ, và ai đã lợi dụng dịp này để móc kỹ thuật, ông Chẩn biết cả.
Ngày tàn của sản phẩm lốp "Quyết Thắng" rất nhanh, kể từ ngày 8/7/1983, lục soát kê biên tài sản. Ngày 25/7/1983 khởi tố vụ án và bắt giam Chẩn. Ngày 27/8/1983 xử lý hành chính đặc biệt thu nhà, tài sản, công cụ, nguyên liệu, bằng một quyết định ông Nguyễn Đông ký sẵn. Vợ chồng con cái ông Chẩn tay không ra khỏi nhà. Vào ngày đó, ông Chẩn từng kêu, nếu có tội xin được trừng trị bằng pháp luật. "Nhưng một công dân dù có tội gì thì họ cũng không thể chịu nổi hai hình phạt thi hành cùng một lúc được. Treo cổ thì thôi chém đầu, chứ chém đầu thì không còn cổ để treo" - Trích "Lời khai của bị can".
Thế rồi, sau đó là hành trình không mệt mỏi của vợ chồng ông Chẩn gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan pháp luật và chính quyền. Ông được phúc tra và xem xét lại. Viện Kiểm sát tối cao yêu cầu Hà Nội ra quyết định đình chỉ điều tra Nguyễn Văn Chẩn.
Về đoạn đời đầy oan trái này, Nhà văn Trần Huy Quang viết trong "lời khai của bị can" như sau: "Nhưng cơ sở Công an Hà Nội ra quyết định miễn tố. Miễn tố là có tội nhưng miễn cho. Ai cũng biết chỉ có Viện Kiểm sát mới có quyền ra quyết định miễn tố hay đình chỉ điều tra. Nhưng Sở Công an cứ ra. Tại sao lại làm thế, chả nhẽ Sở Công an Hà Nội không biết luật định tổ chức? Có lẽ Sở Công an mới trả lời được. Cuối cùng Viện Kiểm sát tối cao phải ra quyết định hủy bỏ quyết định miễn tố của Sở Công an Hà Nội và ra quyết định đình chỉ điều tra, thừa nhận tôi vô tội và yêu cầu Hà Nội trả lại tài sản để tôi sản xuất. Thế nhưng bên dưới vẫn "im lặng một cách đáng sợ”. Rồi ông Chẩn nhận được thư trả lời của ông Phương Minh Nam đề ngày 16/12/1986 nói rằng việc Hà Nội thu nhà của ông bà là đúng đắn và từ nay không có cơ quan nào giải quyết đơn khiếu tố của ông bà nữa. Lại một cái tên được ký tên và đóng dấu sẵn. Thế là tôi hết quyền khiếu tố, không biết như thế có đúng luật khiếu tố không?... Tôi đang là bị can của một vụ án, vụ Z.30. Đây là lời khai của bị can. Hôm nay bị can mới được nói về số phận của "cái kiến". Ai cho phép "cái kiến" quyền được nói? Tôi xin quỳ xuống đất và xin được vái hai cái: Một cho đồng chí N.V.L. và một cho báo chí...".
Đến bây giờ, khi trò chuyện với chúng tôi, Nhà văn Trần Huy Quang than thở rằng, "vụ án" là dấu ấn của thế kỷ, mang đến nỗi đau không chỉ riêng gia đình ông Chẩn mà con đem đến sự ám ảnh cho cả một thế hệ báo chí đấu tranh cho sự tiến bộ. Cũng theo ông Quang, hệ lụy của vụ án oan "Vua Lốp" đến tận bây giờ vẫn chưa kết thúc... (Còn tiếp).
Thành Văn