"Ở đây em chẳng muốn về"
Chúng tôi tìm đến Bệnh viện Chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS ở Hà Nội (gọi tắt là Bệnh viện 09) - nơi điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ. Bởi chỉ cần nghe đến nơi đây với những bệnh nhân đặc biệt như vậy, không chỉ chúng tôi mà ai cũng không khỏi ái ngại.
Chị Nguyễn Thị Phương A
Gọi là bệnh viện nhưng chẳng có nhiều người đến khám, trong các phòng điều trị, những bóng người vật và đi lại với thân hình gầy héo, lở loét hoặc nằm trên chiếc giường ọp ẹp, xung quanh quần áo, xoong nồi ngổn ngang. Ngoài các bác sĩ chăm sóc, tuyệt nhiên không có bất kỳ ai là người nhà của bệnh nhân.
Khi chúng tôi đến, Nguyễn Thị Phương A. đang ngồi co ro nơi cuối giường gương mặt tươi tỉnh hẳn, nhưng giọng nói thì vẫn khò khè: "Em đến đây từ tháng 3/2011, em giờ không còn người thân nữa, ốm đau bệnh tật thế này, nếu không có các bác sĩ và những bệnh nhân khác chăm sóc thì em cũng chẳng biết mình sẽ sống thế nào”. Cuộc nói chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng lại bị đứt quãng vì những cơn ho sặc sụa, hay khi Phương A. phải dùng tay để xoa dịu những vết lở loét trên người mình.
Phương A. chia sẻ: "Trước đây, khi thấy mọi người xa lánh, bệnh tật ngày càng theo chiều hướng xấu, nhiều lúc nghĩ mình sống trên đời này chẳng còn ý nghĩa gì cả. Em luôn nghĩ tình người làm gì còn đối với người nhiễm HIV nữa. Nhưng từ khi được điều trị trong Bệnh viện 09, em thấy cuộc sống này tươi vui và yêu cuộc sống hơn. Em chỉ mong một ngày nào đó sẽ khỏe mạnh trở lại để được sống hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, nếu các bác sĩ chấp nhận, em sẽ ở lại đây để chăm sóc những cảnh ngộ giống mình".
Mỗi bệnh nhân vào Bệnh viện 09 điều trị đều có những nguyên nhân nhiễm HIV khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là: Đang bị HIV/AIDS giai đoạn cuối và có hoàn cảnh khó khăn. Đặng Nhật T. trước kia vốn là người nghiện ma túy nặng. Nhà gốc Hà Nội nhưng gia đình đông con, bố mẹ làm công nhân nên kinh tế chẳng dư dả gì. Học hết cấp 3, T. đành phải gác lại việc đèn sách, đi làm công nhân tại Công ty xe đạp Viha.
Hồi ấy đi làm cũng có đồng ra đồng vào, nhưng vì ham chơi, chán nản với hoàn cảnh gia đình, tôi tìm đến ma túy để giải khuây. "Nghiện được hơn 1 năm thì gia đình phát hiện, hết khuyên răn đến mắng mỏ, hết hỏi han đến bỏ mặc, mọi người coi tôi như đã chết. Ba lần hứa với gia đình từ bỏ cái chết trắng là ba lần tôi mất niềm tin với mọi người. Càng về sau, tôi càng sử dụng ma túy nhiều hơn. Tháng 5/2009, khi đi điều trị tràn dịch phổi, tôi mới phát hiện mình nhiễm HIV. Đến lúc này thì xung quanh tôi chẳng còn ai", T tâm sự.
Những ngày mới đến đây điều trị, T. vẫn giữ cái tính bất cần, thích quậy phá và coi cái chết là một điều tất nhiên. Nhưng khi thấy sự ân cần của bác sĩ, y tá trong bệnh viện và những người bệnh với nhau, T. dần cởi mở hơn. "Với tôi nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình, tôi nhận được sự quan tâm của mọi người như chính những người thân dành cho nhau. Trước đây, tôi chưa bao giờ biết quan tâm, chăm sóc đến ai, nhưng giờ tôi đã biết tắm giặt, nấu ăn, vệ sinh và giúp người khác làm việc vặt. Từ đó tôi thấy mình sống có ý nghĩa hơn. Khi tôi không tự chăm sóc được cho mình thì mọi người chẳng ai bảo ai cũng đều tự nguyện giúp tôi. Chưa bao giờ tôi thấy tình người thiêng liêng và đáng quý như thế", T kể lại.
Với Nguyễn Thị D., ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp là người phụ nữ có đôi mắt u uất, chứa chan nhiều tâm sự, thể hiện là người bất cần khi trên người xăm đầy những từ hậm hực như: Hận đời; ơn đền oán trả. Khi kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, D. nói rất nhỏ nhẹ, giọng ăn năn: "Tất cả là do em đua đòi mà thôi. Em như ngày nay chẳng do ai cả, em sướng mà không biết sướng, cứ luôn nghĩ là mình bất hạnh.
Trước đây em cũng có gia đình hạnh phúc, được sự yêu thương của người thân, nhưng em đã phá tan tất cả. Hiện nay, chồng em đang phải thụ án 17 năm tù về tội buôn bán ma túy, em thì phải nằm ở đây, thằng con 3 tuổi rồi mà chẳng mấy khi được gặp mặt bố mẹ. Được sự động viên của các y, bác sĩ, em thấy mình có thêm nghị lực, phải cố gắng để sớm được về nhà, bù đắp cho cậu con trai của mình".
"Nếu sợ thì chẳng làm được"
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Văn, điều dưỡng trưởng Kkhoa nội chia sẻ: "Ngoài việc điều trị bệnh, các bác sĩ ở đây phải kiêm luôn là nhà tư vấn bởi những người mới đến đây đều mặc cảm với bản thân, sống tiêu cực và không muốn hợp tác với các bác sĩ. Nhiều người trước khi đến đây họ là thành phần bất hảo, hay là đối tượng đáy của xã hội, chúng tôi phải nhẹ nhàng, chọn cơ hội và khéo léo động viên, tư vấn họ mới chịu hợp tác.
Chăm sóc một bệnh nhân nhiễm HIV
Hiện tại Bệnh viện 09 đang điều trị nội trú cho 66 bệnh nhân, ngoài ra mỗi tháng có thêm khoảng 70 - 100 người đến khám, lấy thuốc. Bác sĩ Vũ Văn Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện tâm sự: "Các bệnh nhân đến đây điều trị đều bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, không những thế, họ còn mắc thêm những bệnh hiểm nghèo khác. Chữa bệnh cho họ, chúng tôi phải chịu nhiều áp lực, khi vừa phải chữa bệnh, phòng chống lây bệnh sang mình, còn phải đối mặt với sự bất hợp tác của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu mình không làm thì ai sẽ làm".
Bác sĩ Tuấn cho biết: "Làm việc ở nơi nguy hiểm, không được trọng thị và ít khi được chia sẻ, nên mọi người trong cơ quan đều phải động viên lẫn nhau. Hiện nay, bệnh viện vẫn luôn trong tình trạng thiếu bác sĩ. Chuyện những người đến đây làm việc, do áp lực công việc, gia đình, người yêu ngăn cản, mắc những bệnh truyền nhiễm phải nghỉ việc là chuyện bình thường. Nhưng mỗi khi thấy những bệnh nhân sắp chết được cứu chữa kịp thời rồi đưa ra hòa nhập với cuộc sống với tinh thần tích cực, hướng thiện, các bác sĩ lại có thêm động lực để làm việc".
"Vì là bệnh viện điều trị HIV/AIDDS miễn phí cho những người giai đoạn cuối, có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ nên việc chọn lọc đối tượng đủ tiêu chuẩn vào điều trị gặp nhiều khó khăn, chẳng thế, các y, bác sĩ nơi đây vẫn thường xuyên bị đe đọa. Nhiều lần tôi và các y, bác sĩ trong viện bị người nhà của người nhiễm HIV chửi bới, bản thân người đó cũng đến trước cổng bệnh viện dùng dao và bơm kim tiêm đe dọa, đòi vào viện điều trị. Tuy nhiên, xét theo các yêu cầu thì họ không thuộc các trường hợp được điều trị ở đây. Sau khi được giải thích, nhiều người đã suy nghĩ lại và đến để xin lỗi", bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Bác sĩ Tuấn cho biết thêm: "Nếu ai sợ khó khăn, sợ nguy hiểm, và sợ bị đe dọa thì chắc chắn sẽ không thể làm việc được ở đây".
Hoàng Lãm