Casablanca (1942)
Là bộ phim quen thuộc với bất kỳ khán giả nào yêu điện ảnh, Casablanca được nhiều tạp chí bình chọn là phim tình cảm vĩ đại nhất mọi thời. Phim là câu chuyện tình tay ba ngọt ngào xen lẫn cay đắng xảy ra tại Bắc Phi trong thời khắc bom đạn của Thế chiến II. Nhân vật trung tâm của phim là Rick Blaine, một chủ quán bar ở Casablanca bị giằng xé giữa tình yêu dành cho Ilsa, người tình cũ của anh ở Paris, và trách nhiệm giúp cô cùng chồng là một lãnh tụ người Tiệp Khắc thoát khỏi Marốc để tới Mỹ.
Với những câu thoại đắt giá, hình tượng nhân vật khó quên và âm nhạc đầy mê hoặc, Casablanca đã trở thành một chuẩn mực của phim tình cảm Hollywood và 70 năm sau ngày công chiếu đầu tiên, đây vẫn được coi là một trong những bộ phim xuất sắc của điện ảnh thế giới.
Gone With The Wind (1939)
Lấy bối cảnh cuộc nội chiến Nam – Bắc Mỹ, Cuốn theo chiều gió xoay quanh tình yêu của nàng tiểu thư xinh đẹp kiêu kỳ Scarlett O’Hara. Yêu đơn phương một chàng trai nhưng không thành, cô tuyệt vọng tìm tới những cuộc hôn nhân ngắn ngủi, không hạnh phúc. Về sau, để thoát khỏi cảnh nghèo đói và cứu lấy gia đình, Scarlett miễn cưỡng kết hôn với Rhett Butler – một quý ông phong lưu, hào hoa. Rhett tìm mọi cách để giành lấy trái tim của người phụ nữ bướng bỉnh, cá tính nhưng không thành. Đến khi Rhett ra đi, Scarlett mới nhận ra mình đã yêu chàng.
"Cuốn theo chiều gió" có nhiều nụ hôn đi vào lịch sử điện ảnh của hai nhân vật Rhett và Scarlett.
Những ai từng xem Cuốn theo chiều gió chắc chắn không thể quên được những nụ hôn cưỡng ép đầy quyến rũ, gợi tình mà Rhett dành cho nàng Scarlett. Phim đã đạt 8 giải Oscar và khiến trái tim của hàng triệu người xem phải thổn thức trong hơn 7 thập kỷ qua.
Breakfast At Tiffany’s (1961)
“Hiền hòa, êm ả và lãng mạn như dòng sông trăng” – đó là lời nhận xét của rất nhiều khán giả về phim Bữa sáng ở Tiffany’s. Minh tinh huyền thoại Audrey Hepburn vào vai Holly, cô gái xinh đẹp sống trong một căn nhà nhỏ ở New York, thích giao thiệp với giới thượng lưu, dù cô luôn coi họ là những kẻ đểu giả và rỗng tuếch. Holly mong muốn sẽ kiếm được một chàng trai giàu có và đưa anh ta vào “bẫy”. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi khi một chàng nhà văn từ Rome có hoàn cảnh như Holly chuyển tới sống ở căn hộ gần chỗ cô…
Bộ váy đen thanh lịch mà Audrey Hepburn mặc trong phim đã đưa cô trở thành một biểu tượng thời trang bất tử trên màn bạc. Cảnh nhân vật Holly ngồi gảy đàn và hát Moon River bên cửa sổ cũng được đưa vào danh sách Những khoảnh khắc điện ảnh đáng nhớ nhất.
Doctor Zhivago (1965)
Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga Boris Pasternak, Bác sĩ Zhivago là một phim tình cảm được dàn dựng hoành tráng nói về một bác sĩ kiêm thi sĩ ở xứ sở bạch dương và những mối tình lãng mạn trong cuộc đời ông. Tâm lý của bác sĩ Zhivago cũng rất phức tạp khi phải lựa chọn tình yêu giữa hai người phụ nữ - Tonya, vợ ông, và Lara, người phụ nữ mang hai dòng máu Pháp và Bỉ mà Zhivago hết mực yêu thương. Chuyện tình tay ba này càng trở nên bi tráng hơn khi diễn ra vào những năm trước Cách mạng tháng 10 Nga.
Tình yêu trong Bác sĩ Zhivago được đánh giá là mạnh mẽ nhưng đầy thơ mộng trong bước đường tuyệt vọng của cuộc sống, của định mệnh. Chuyện tình tay ba trong phim được dẫn dắt bởi dàn diễn viên tài năng, bao gồm Omar Sharif, Julie Christie và Geraldine Chaplin.
Romeo and Juliet (1968)
Phiên bản điện ảnh nổi tiếng nhất của câu chuyện tình mà đại thi hào Shakespeare đã tạo nên có lẽ là bản năm 1968, với sự tham gia của Leonard Whiting và Olivia Hussey. Xuất thân từ hai dòng họ thù địch nhau, đôi trai gái yêu nhau say đắm và nguyện sẽ mãi bên nhau dù cho cái chết chia lìa. Sự ngăn cấm của gia đình đã khiến Romeo và Juliet phải chôn vùi tuổi thanh xuân và đem theo mối tình bất diệt sang thế giới bên kia. Romeo and Juliet của đạo diễn người Italy, Franco Zefirelli, đã giành hai giải Oscar vào năm 1969.
Vẻ đẹp cũng như diễn xuất của cặp minh tinh – tài tử Olivia Hussey và Leonard Whiting đã lấy đi bao nước mắt của khán giả. Phiên bản năm 1968 còn nổi tiếng với bản tình ca bất hủ A Time For Us làm rung động lòng người mỗi khi được ngân vang.
The English Patient (1996)
Câu chuyện của Bệnh nhân người Anh diễn ra vào những tháng ngày cuối cùng của Thế chiến II tại một ngôi biệt thự bỏ hoang ở Italy. Tại đây, nữ y tá Hana phải chăm sóc một bệnh nhân có cái tên đặc biệt - Bệnh nhân người Anh. Anh ta bị bỏng nặng, gương mặt méo mó, dị dạng nhưng ký ức tình yêu của anh vẫn luôn nguyên vẹn và luôn là tâm điểm trong mỗi cuộc trò chuyện với Hana. Bí mật của quá khứ và đời sống hiện tại dần hiện lên trong sự va chạm giữa Hana và Bệnh nhân người Anh.
Đó là mối tình hiện thực đẹp nhưng đượm buồn của Hana với Kip, chàng trung sĩ phá mìn và chuyện tình của quá khứ giữa Bệnh nhân người Anh với cô gái Katherine Clifton. Tình yêu với tất cả sự đẹp đẽ, đau đớn khi được đặt trong khung cảnh đổ nát, hoang tàn của chiến tranh đã đem tới những cảm xúc mãnh liệt cho hàng triệu người xem.
Roman Holiday (1953)
Kỳ nghỉ hè ở Roma kể về nàng công chúa Ann do quá chán với những nghi thức của Hoàng cung nên bỏ trốn đi chơi. Trên đường đi, nàng trúng tiếng sét ái tình với một chàng phóng viên người Mỹ. Cả hai lang thang trên khắp những con ngõ, những ngả đường của thành phố La Mã vĩnh cửu này để rồi khi trở về Hoàng cung, những ngày hè ở Roma đã trở thành những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời công chúa Ann. Tình yêu trong Kỳ nghỉ hè ở Roma được xây dựng đầy trong trẻo, thuần khiết giữa khung cảnh đẹp mê hồn của thủ đô Italy.
Đây cũng là bộ phim đầu tiên mà minh tinh huyền thoại Audrey Hepburn được đóng vai chính và ngay sau đó, Kỳ nghỉ hè ở Roma đã đem về cho cô tượng vàng Oscar danh giá dành cho Nữ diễn viên chính xuất sắc vào năm 1954.
Ghost (1990)
Khi ra mắt vào năm 1990, Oan hồn của Demi Moore và Patrick Swayze đã tạo nên những đột phá mới về nội dung so với những phim tình cảm thông thường khi thêm vào yếu tố tâm linh, kinh dị. Khi nhân vật Sam qua đời vì tai nạn ôtô thảm khốc, Molly – hôn thê của anh – trở nên phiền muộn và cô độc. Tuy nhiên, linh hồn của Sam chưa sẵn sàng để đi về thế giới bên kia mà vẫn ở lại trần gian bảo vệ, che chở cho Molly. Oan hồn mang ý nghĩa rằng tình yêu vĩnh cửu có thể vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết.
Bản tình ca Unchained Melody xuất hiện xuyên suốt phim đã trở thành một trong những tình khúc hay nhất thế kỷ 20. Lời ca và hình ảnh kết phim đọng lại trong tâm trí người xem cảm xúc về sự thăng hoa của tình yêu, khi hai tâm hồn đồng điệu hòa quyện vào làm một.
Pretty Woman (1990)
Được ví như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại, Người đàn bà đẹp kể về tình yêu giữa một thương gia giàu có và một cô gái làng chơi. Họ đến với nhau trong một ngày tình cờ và nảy sinh tình cảm. Tuy nhiên, địa vị xã hội là khoảng cách lớn nhất giữa hai người. Bằng ý chí và sức mạnh tình yêu vượt lên trên tất cả, cả hai đã tìm được bến bờ hạnh phúc với một kết thúc không thể hoàn hảo hơn – trong bộ vest lịch lãm, chàng lái chiếc limousine trắng và xuất hiện bên cửa sổ nhà nàng với một đóa hoa trên tay.
Hài hước, ngọt ngào và đầy mộng mơ, Pretty Woman đã thành công ngoài sức tưởng tượng và biến Julia Roberts trở thành minh tinh đắt giá nhất thế giới lúc bấy giờ. Biệt danh “người đàn bà đẹp” mà giới truyền thông đặt cho cô cũng là từ sau bộ phim này.
Titanic (1997)
Câu chuyện tình éo le giữa chàng họa sĩ nghèo người Mỹ, Jack, và tiểu thư quý tộc người Anh, Rose, trên con tàu định mệnh Titanic đã làm thổn thức trái tim hàng triệu người hâm mộ. Thuộc hai tầng lớp khác nhau, họ gặp gỡ rồi cùng nếm trải một tình yêu mãnh liệt trong một không gian mênh mông, rộng lớn của bầu trời và đại dương. Sau này khi trở thành một bà lão 80 tuổi, Rose đã ngồi kể lại cho con cháu về những ký ức tươi đẹp của thời tuổi trẻ, về người đàn ông mà cô thực sự yêu và đã đem đến cho cô một cuộc sống đích thực.
Titanic đứng thứ hai trong danh sách các phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh với 1,8 triệu USD. Tháng tư này, để kỷ niệm 100 năm ngày con tàu định mệnh ra khơi và chìm đắm dưới đáy Đại Tây Dương, đạo diễn James Cameron quyết định đưa Titanic trở lại các rạp chiếu với phiên bản 3D.
P.V