TS.BS Phan Bích Nga – Giám đốc trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, trong những ngày này, số trẻ đến khám, tư vấn biếng ăn, suy dinh dưỡng tăng cao hơn ngày thường. Nguyên nhân được TS. Phan Bích Nga chia sẻ do cha mẹ vô tình áp dụng chế độ ăn cho trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng, cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt, uống nhiều nước giải nhiệt, thậm chí bồi bổ con quá mức sẽ khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng.
Những sai lầm ấy được TS. Phan Bích Nga chỉ ra gồm:
Khẩu phần không đủ vi chất dinh dưỡng
Điều tra dinh dưỡng cho thấy hiện khẩu phần ăn của trẻ em Việt Nam từ 2-5 tuổi dù đã đáp ứng đước 95% nhu cầu năng lượng nhưng mới chỉ đáp ứng được 57% nhu cầu sắt và 65% nhu cầu vitamin A.
Nguyên nhân là bố mẹ cố gắng ép con ăn nhưng thực đơn vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu các thức ăn động vật là nguồn cung cấp các vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao. Trẻ bị thiếu các vitamin A, sắt, đặc biệt là kẽm.
Thiếu kẽm khiến sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn do rối loạn vị giác. Đồng thời, sự phân chia tế bào sẽ khó xảy ra nên ảnh hưởng trầm trọng đến sự tăng trưởng. Trẻ em thiếu kẽm thường biếng ăn, còi cọc và chậm lớn.
Các mẹ có thể bổ sung kẽm cho con thông qua thức ăn như tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng). Trẻ nhũ nhi nên cố gắng cho bú mẹ, vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.
Giảm bớt chất bột đường
Phụ huynh thường dùng bột sắn dây, ninh đậu xanh, đậu đen để thay thế cháo cho bữa ăn của trẻ với mục đích thanh nhiệt, dễ ăn và tiêu hóa tốt. Tuy nhiên, các loại thực phẩm này không phù hợp với sức khỏe của trẻ nhỏ. Bột sắn hoặc các loại hạt đậu thường không có nhiều năng lượng như cơm, cháo.
Chế độ ăn thiếu hụt năng lượng sẽ khiến cơ thể trẻ phải huy động các chất để sinh năng lượng cho bé thoạt động. Vì vậy, trẻ dễ bị xuống cân nếu không ăn đủ chất bột đường.
Bữa ăn kéo dài quá lâu
Nắng nóng thường làm trẻ dễ biếng ăn. Do đó, thay vì cho trẻ ăn cùng một lúc, bố mẹ nên chia nhỏ bữa. Điều này sẽ giúp trẻ dễ hấp thu dinh dưỡng hơn.
Khi cho trẻ ăn, một bữa không nên kéo dài quá 45 phút. Bởi khi ăn quá lâu, thức ăn bị vữa có thể gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ.
Ăn quá nhiều đồ ngọt
Với các loại như kẹo ngọt, kem, nước ngọt, hoa quả ngọt (mít, vải, nhãn…), cha mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều. Chế độ ăn quá nhiều đồ ngọt có thể làm tăng lượng đường trong máu, khiến cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn, mụn nhọt trên da. Thói quen này còn có thể gây ra thừa cân béo phì, rối loại chuyển hóa (bệnh tiểu đường).
Cho trẻ uống các loại lá để làm mát cơ thể
Các loại lá thanh nhiệt như nhân trần, nụ hoa tam thất, nước đậu đen chỉ tốt cho người lớn. Đối với trẻ nhỏ, loại nước này không nên dùng thay thế nước lọc và sữa. Trẻ dưới 2 tuổi cần phải ăn uống các thực phẩm nhiều năng lượng.
Sử dụng nhiều nước ngọt có ga
Nước ngọt có ga chỉ nên sử dụng mỗi tháng một lần vì chúng có nhiều chất gây bất lợi cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Lượng đường trong một lon nước ngọt có ga thường rất lớn, nhưng chỉ là năng lượng rỗng. Trẻ tiêu thụ một lon nước ngọt có ga mỗi ngày có thể tăng trong lượng cơ thể lên 6,75 kg sau một năm sử dụng.
Ngoài ra, lượng axit phosphoric và lượng phosphate có trong nước ngọt có ga dễ gây loãng xương. Lượng caffein có trong đó cũng làm giảm khả năng tập trung của trẻ. Chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ tránh xa loại nước này để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới chức năng gan và thận.
Thời tiết nóng bức, trẻ dễ mắc các chứng bệnh cảm, sốt, dễ bị biếng ăn, các mẹ sợ con giảm cân sẽ thúc ép ăn. Hoặc đơn giản do trẻ mải chơi trong lúc ăn nên các mẹ sẽ quát mắng, dọa dẫm khiến trẻ sợ ăn, chỉ cần nghe hoặc nhìn thấy bát bột, bát cơm là trẻ quay đi, khóc, buồn nôn; trẻ lớn hơn một chút sẽ chạy trốn.
Để giúp các bậc phụ huynh không mắc phải những sai lầm đó và tăng vi chất dinh dưỡng cho con, TS.BS Phan Bích Nga cho hay: Các bậc cha mẹ cần lưu ý tránh việc cáu gắt, đánh con khi ăn, nhất là trong hoặc sau khi trẻ có vấn đề về sức khỏe. Mẹ không nhất thiết nhồi ép bắt trẻ ăn đủ từng bữa nhưng cần cố gắng cho trẻ ăn đủ số lượng thức ăn trong ngày (lấy bữa nọ bù bữa kia).
Khi trẻ lớn hơn, hãy kể những câu chuyện ngộ nghĩnh về thức ăn và màu sắc của thức ăn như rau xanh, bí đỏ, cà rốt, màu vàng của trứng, mầu nâu của tôm, cua… Đồng thời, chú trọng đến việc chế biến, tạo mùi vị, hình thức hấp dẫn, thay đổi món ăn để trẻ hứng thú hơn với bữa ăn.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần cho con ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn; bữa ăn của trẻ có những thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu Vitamin A, Vitamin D; cho trẻ trong độ tuổi uống Vitamin A liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống 1 liều Vitamin A; trẻ từ 24 – 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm; thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun; phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai nên uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa chất theo hướng dẫn.
Nguyễn Huệ