Nhiều ý kiến cho rằng, đến mạng người mà họ còn coi thường thì hành vi ấy phải xem như tội ác, phải bị lên án kịch liệt, phải bị trừng trị.
Y đức được mã hóa bằng tiền sẽ trở thành... "y cụ"
Trong khi người dân cả nước chưa hết bàng hoàng sau vụ tiêm thiếu vắc-xin tại trung tâm Y tế dự phòng TP. Hà Nội thì sự việc tương tự xảy ra tại tỉnh Phú Yên khiến không ít người choáng váng. Trung tâm Y tế dự phòng TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đã tiêm vắc xin phòng sởi, quai bị, rubella hết hạn cho bệnh nhân.
Đến nay, vụ việc tạm lắng xuống bởi phía lãnh đạo Trung tâm đã thừa nhận việc làm sai trái của thuộc cấp mình đồng thời khẳng định: Trung tâm đã sai khi thực hiện mũi tiêm vắc xin mà không kiểm tra kỹ, đầy đủ nên xảy ra chuyện tiêm vắc xin hết hạn sử dụng?
Sau hàng loạt sự cố tiêm vắc- xin, người dân hoang mang lo lắng - ảnh minh hoạ.
Hàng loạt vụ việc liên quan tới vấn đề y đức tại các bệnh viện chưa kịp lắng xuống thì một vụ việc động trời khác lại tiếp tục diễn ra. Vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm máu tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) là bê bối có quá trình kéo dài thời gian nhất, đến nay mới bị phát hiện và khiến dư luận hoang mang về đạo đức ngành y nhiều nhất.
Suốt 10 tháng ròng (7/2012- 5/2013), bệnh viện đã trả kết quả xét nghiệm huyết học cho bệnh nhân (bệnh án khác nhau, lứa tuổi khác nhau) bằng cách dùng kết quả in sẵn. Có khoảng 1.000 phiếu xét nghiệm được "nhân bản" như vậy tại đây, trả cho ít nhất 2.000 bệnh nhân. Trung bình một kết quả sử dụng cho 2-5 người. Ngay sau khi sự việc vỡ lở, có ý kiến nhận xét, khi y đức được mã hóa bằng đồng tiền thì sẽ trở thành... "y cụ".
Trước tình trạng này, bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng: "Vụ việc có mức độ sai phạm rất nghiêm trọng, nghiêm trọng đến mức có nhiều người không nghĩ có sự việc xảy ra như thế tại thời điểm này trên địa bàn Thủ đô. Mới đây, thành phố xử lý kỷ luật hành chính mức nặng nhất đối với một nhân viên y tế là sa thải khỏi ngành. Thế mà bệnh viện đa khoa Hoài Đức không biết sợ? Nếu nói đến y đức trong vụ việc này thì lại quá là xa xỉ đối với họ, ở đây không còn đơn giản là chuyện y đức?!".
Lương y “mắc bệnh” "ung thư phong bì"?
Cho đến nay, chưa có một thống kê nào công bố đầy đủ danh sách các bệnh nhân tử vong tại các bệnh viện mà trong đó có một phần không nhỏ là do sự tắc trách của các y bác sĩ điều trị. Nhưng điểm lại những vụ báo chí phản ảnh thời gian qua thì con số này cũng lên tới hàng trăm trong khi việc xử lý kỷ luật chỉ dừng ở mức... nội bộ còn những vụ việc xử lý hình sự thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thực tế thời gian qua, tỷ lệ bệnh nhân tử vong trong khi đến khám và điều trị tại các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế khá cao. Nguyên nhân của những cái chết thương tâm này lại đa phần chỉ được lý giải theo kiểu đổ lỗi khách quan do quá tải bệnh viện, chuyên môn, thiếu nhân lực và lý do dễ kết luận nhất là kiểu tai biến hiếm gặp. Phải chăng, đây là cách trả lời an toàn nhất, dễ dùng nhất và cũng thiếu trách nhiệm nhất, vô cảm nhất?
Sự tắc trách nghề nghiệp hay văn hóa phong bì trong bệnh viện (được ví von là bệnh "ung thư phong bì"-PV) là hai vấn đề nổi cộm liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng xét cho cùng đó cũng chỉ là hai trong số rất nhiều căn bệnh liên quan đến y đức mà ngành này mắc phải. Điều đáng buồn, ngay ở bệnh viện, nơi đứng giữa ranh giới mong manh sự sống chết của con người thì vai trò của văn hóa phong bì càng được bộc lộ một cách rõ ràng và phát huy vai trò của nó hơn bao giờ hết.
Quay trở lại chuyện động trời ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức, nhiều ý kiến đặt câu hỏi: Liệu khi chứng kiến vụ bê bối trên, những vị lãnh đạo ngành y có động lòng mà rà soát lại các “khối u” đang biến chứng hoành hành trong cơ thể ngành mình?
BTV