Những thất bại của TT Donald Trump: Báo hiệu sóng gió chính trường?

Những thất bại của TT Donald Trump: Báo hiệu sóng gió chính trường?

Vũ Thu Hương

Vũ Thu Hương

Thứ 6, 31/03/2017 15:41

Hai tháng sau khi nhậm chức, ông Trump đã liên tiếp hứng chịu những thất bại: Dự luật y tế Trumpcare bị rút, sắc lệnh hạn chế nhập cư bị chặn và những bê bối liên quan đến Nga...

Dự luật y tế Trumpcare bị rút

Dự luật chăm sóc y tế Mỹ do Tổng thống Donald Trump đề xuất đã buộc phải rút, ngay trước khi đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện, do không có đủ sự ủng hộ từ chính đảng Cộng hòa.

Ông Trump phải rút dự luật chăm sóc sức khỏe ngay trước khi lấy phiếu để thay thế chương trình Obamacare. Điều này khiến cam kết loại bỏ Obamacare của ông không thành hiện thực.

Theo phân tích, 14 triệu người Mỹ sẽ mất bảo hiểm y tế từ đầu năm sau, nếu Trumpcare được thực hiện.

Theo AFP, trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết loại bỏ và thay thế chương trình chăm sóc y tế Obamacare do ông Obama đề xuất.

Ông Trump dường như dồn toàn lực vào dự luật Trumpcare và bỏ nhiều thời gian để thuyết phục các thành viên đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, dự luật này đã phá sản với việc phe Cộng hòa kêu gọi xây dựng một kế hoạch mới.

Hồ sơ - Những thất bại của TT Donald Trump: Báo hiệu sóng gió chính trường?

Tổng thống Mỹ Donald Trump phải rút dự luật chăm sóc sức khỏe ngay trước khi lấy phiếu. Ảnh Reuters. 

Sự thất bại của Trumpcare đã làm suy yếu quyền lực của Tổng thống Trump, tạo động lực cho đảng Dân chủ và khiến những tuyên bố về việc ông sẽ là người quyết định cuối cùng ngày càng trở nên hão huyền.

Thị trường chứng khoán lớn của Mỹ đã giảm điểm sau khi ông Trump gặp thất bại với Trumpcare.

“Việc không thông qua Trumpcare dấy lên sự nghi ngờ về khả năng tồn tại của các kế hoạch kích thích tài chính của ông Trump”, ông Christopher Vecchio, nhà chiến lược của trang giao dịch tiền tệ DailyFX, nhận định.

Sau thất bại trong việc bãi bỏ Obamacare, chính quyền Trump mongmuốn tiến trình cải cách thuế sẽ ít sóng gió hơn và hy vọng vấn đề này sẽ ít gây chia rẽ trong các thành viên của đảng Cộng hòa.

“Chăm sóc y tế là một vấn đề rất phức tạp. Thuế là vấn đề đơn giản hơn”, bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết.

Vài ngày trước khi các nỗ lực của đảng Cộng hòa hòa nhằm hủy bỏ và thay thế Obamacare thất bại, Tổng thống Trump thậm chí còn hứa sẽ “giảm thuế lớn nhất kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan”. 

Tuy nhiên, việc cải cách thuế, điều chưa từng thực hiện kể từ 1986, không phải dễ dàng. Một vài Tổng thống của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa trước đây đã thất bại, do gặp những rào cản về thủ tục, hoặc những thỏa hiệp phức tạp.

Sắc lệnh cấm nhập cảnh bị chặn

Ngày 27/1, một tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo gồm: Iran, Iraq, Syria, Sudan, Somalia, Libya và Yemen. Tuy nhiên, sắc lệnh này đã vấp phải làn sóng phản đối gay gắt. Sau đó, tòa án bang Washington đã chặn sắc lệnh này.

Ngày 6/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh di trú mới, trong đó tạm thời cấm người dân 6 nước có đông dân theo Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Sắc lệnh mới có hiệu lực từ 16/3 tạm cấm nhập cảnh trong vòng 90 ngày đối với người dân từ 6 nước gồm Iran, Libya, Yemen, Syria, Somalia và Sudan. Lý do khiến Iraq được cho ra khỏi lệnh cấm là bởi Chính phủ nước này đã cam kết tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và nhiều hoạt động liên quan khác.

Hồ sơ - Những thất bại của TT Donald Trump: Báo hiệu sóng gió chính trường? (Hình 2).

Biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump. Ảnh Reutes.  

Tuy nhiên, Tòa án bang Maryland, Hawaii vẫn tiếp tục chặn sắc lệnh cấm nhập cảnh mới. Thẩm phán khẳng định, lệnh cấm nhập cảnh sửa đổi vẫn phân biệt đối xử và chống lại đạo Hồi.

Việc hai lần sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump bị các tòa án chặn lại được cho là thất bại cay đắng của Tổng thống đương nhiệm Mỹ. Có ý kiến cho rằng, nó có thể sẽ mở đầu cho những sóng gió trên chính trường nước Mỹ.

Và những cáo buộc liên quan tới Nga

Cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Nga tìm cách gây ảnh hưởng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, theo hướng có lợi cho ông Trump.  Từ đây, nhiều người đặt ra nghi vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump có liên quan đến Nga.

Hồi cuối tháng 12, ông Obama ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vì cáo buộc liên quan đến hoạt động gián điệp. Đồng thời áp đặt việc trừng phạt với hai cơ quan tình báo Nga cũng với cáo buộc xâm nhập vào các tổ chức chính trị Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Hai cơ quan tình báo Nga bị trừng phạt là Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), Cơ quan Tình báo Quân sự (GRU). Bốn quan chức của GRU và 3 công ty cung cấp sự hỗ trợ cho cơ quan này cũng bị trừng phạt.

Mỹ hiện vẫn tiến hành các cuộc điều tra về vấn đề này. Đảng Dân chủ cho rằng, Nga đã tiến hành tấn công mạng, xâm nhập vào hòm thư điện tử của đảng này, dẫn đến sự thất bại của ứng cử viên Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Hồi tuần trước, Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey cũng khẳng định,FBI đang điều tra xem liệu các cố vấn tranh cử của ông Trump có hợp tác với Nga hay không.

Xem thêm>> Chuyên gia Việt nêu 3 lý do TT Trump muốn xoá bỏ di sản của Obama

Đào Vũ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.