Những "thủ đoạn bẩn" của tổng thống Nixon

Thứ 6, 28/12/2012 00:06

Là người khởi xướng một trong những vụ bê bối chính trị tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ Watergate, Richard Nixon cũng là tổng thống duy nhất tính đến thời điểm hiện tại buộc phải từ bỏ nhiệm sở khi đang đương nhiệm.

Không những thế, với 28.000 trang tư liệu mới được công bố gần đây về vị cựu tổng thống này, người dân Mỹ đã được hiểu thêm vì sao một người lắm mưu nhiều kế như Richard Nixon cũng có ngày phải đóng chiếc đinh cuối cùng lên “cỗ quan tài chính trị” của mình.

Nguồn cơn ân oán với giới truyền thông

Tổng thống Richard Nixon khi đương nhiệm

Richard Nixon là Tổng thống thứ 37 của nước Mỹ. Ông đắc cử tổng thống nhiệm kỳ đầu vào năm 1968 và nhiệm kỳ hai năm 1972, nhưng phải từ chức chỉ sau 17 tháng cầm quyền (9/8/1974) vì liên quan tới vụ năm nhân viên thuộc Ủy ban tái cử Tổng thống có hành vi đột nhập Trụ sở quốc gia Đảng Dân chủ, tại khách sạn Watergate ở Washington D.C. Vụ Watergate được coi là scandal chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và lần đầu tiên buộc một vị Tổng thống đương nhiệm từ chức.

Khi còn đương nhiệm, hầu hết những đối thủ chính trị của Richard Nixon đều nắm bắt được điểm yếu của vị tổng thống này chính là rất ghét giới truyền thông, đặc biệt là tờ "Washington Post". Nguyên nhân làm cho Richard Nixon “ghét cay ghét đắng” thời báo nổi tiếng này chính là việc tổng biên tập của "Washington Post"- Katharine Graham đã cho đăng những tài liệu mật về chiến tranh tại Việt Nam.

Tháng 6 năm 1971, bất chấp lệnh cấm của chính phủ Mỹ mà đứng đầu là tổng thống Richard Nixon, hai thời báo nổi tiếng nhất của Mỹ lúc bấy giờ là "Washington Post" và “New York Times” đã cho đăng tải rất nhiều tư liệu “tuyệt mật” được cho là nhạy cảm liên quan tới cuộc chiến mà Mỹ đang phát động tại Việt Nam. Nội dung của những tư liệu này đã giúp người dân hiểu một cách thấu đáo hơn tại sao Mỹ lại lún sâu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam như vậy?

Đối với tổng thống Richard Nixon thì việc công bố tập tài liệu này của hai thời báo đã làm “tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia”. Lập tức, dưới sự chỉ đạo nhanh chóng từ tổng thống Nixon, Bộ Tư pháp Mỹ đã ra lệnh cấm công bố các tài liệu tuyệt mật. Tuy nhiên thời báo “Washington Post” vẫn hợp sức cùng “New York Times” quyết định đưa sự việc lên Tòa án tối cao Mỹ. Ngày 21/06/1971, tòa án quyết định hai tờ báo này đã chiến thắng, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử báo chí của Mỹ.

Tiếp đó vào tháng 6 năm 1972, một lần nữa tờ "Washington Post" lại tiếp tục tiến hành điều tra các hoạt động trong đợt tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 của Richard Nixon. Và một sự thật “chưa từng tồn tại trong lịch sử chính trị của Mỹ” đã được phơi bày khi "Washington Post" đã phát hiện ra hành động lắp đặt máy nghe trộm của Đảng Cộng Hòa cầm quyền nhằm phá hoại các hoạt động tổ chức tranh cử của Đảng đối lập. Để che giấu hành vi sai trái của mình, chính quyền của tổng thống đương nhiệm Richard Nixon đã không ngừng hăm dọa, cảnh cáo ngầm Washington Post nói chung và bà tổng biên tập Katharine Graham nói riêng. Tuy nhiên người đứng đầu Washington Post đã không hề nhụt chí với câu nói nổi tiếng: “Khi đã bơi đến chỗ sâu nhất của dòng sông thì phải tiếp tục bơi vì không có đường rút lui nữa”. Và kết quả là Tổng thống Richard Nixon đã buộc phải từ chức và ra đi trong sự nhục nhã của một kẻ bại trận.

Cũng chính từ khi Washington Post phanh phui vụ bê bối tồi tệ nhất của chính phủ khi đó, một bước thay đổi lớn trong lịch sử truyền thông Mỹ đã được thiết lập. Lúc này các tờ báo ở Mỹ có thể tự do bày tỏ những chính kiến khác nhau của mình mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Một năm sau, Wasington Post giành được giải thưởng Pulitzer, xác lập được địa vị của một tờ báo lớn ở Mỹ.

Dùng thủ đoạn “bẩn” để leo lên chức tổng thống

Trong tập tài liệu được công bố mới đây thì không ai có thể tưởng tượng được rằng một người với tiếng vang lừng lẫy như Richard Nixon cũng đã phải dùng tới những thủ đoạn “bẩn” để đạt được mục đích của mình.

Tuy bề ngoài có vẻ không bao giờ quan tâm phái yếu, nhưng kỳ thực Nixon luôn coi họ như công cụ hữu hiệu để đối phó, triệt hạ các đối thủ chính trị của ông bằng cách phanh phui các vụ bê bối tình dục. Trong khi bản thân tìm đủ mọi cách bảo vệ cuộc sống cá nhân và luôn răn đe bất cứ ai xâm phạm riêng tư ấy, thì Nixon lại ra lệnh cho các nhân viên của mình theo dõi sát sao các đối thủ chính trị, hòng moi và bung ra bất cứ điều gì bất lợi có thể gây scandal. Một trong những thủ đoạn này đã được sử dụng nhằm hạ bệ đối thủ cùng chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 1972.

Trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 38 được diễn ra, tổng thống Richard Nixson đã điểm mặt được “kẻ thù chính trị” lớn nhất của mình khi đó chính là Thượng nghị sĩ Edward Kennedy của Đảng đối lập- một chính trị gia được dân Mỹ ngưỡng mộ. Thấy trước được tiềm năng của một đối thủ vốn xuất thân từ dòng dõi quý tộc, tổng thống đương nhiệm Richard Nixon khi đó đã cử thuộc hạ bí mật giám sát mọi hoạt động của thượng nghị sỹ Edward Kennedy.

May mắn cho Richard Nixson là vào năm 1969, đối thủ của ông- Edward Kennedy đã tạo một vết nhơ cho dòng họ Kennedy khi ông lái xe đâm vào một cây cầu ở Chappaquiddick gần nhà riêng và làm một phụ nữ thiệt mạng. Lợi dụng “hương hồn” của người phụ nữ quá cố, tổng thống Richard Nixson khi đó đã vin vào tai nạn này nhằm làm giảm thấp uy tín của đối thủ tiềm năng. Cuối cùng mọi nỗ lực của tổng thống Nixon cũng thành công khi vụ tai nạn này đã làm ảnh hưởng đến nỗ lực ra tranh cử tổng thống duy nhất của Edward Kennedy hơn một thập kỷ sau đó.

Trong quan điểm chính trị của Nixson thì thứ vũ khí cuối cùng để có thể gây tổn thương và triệt hạ sự nghiệp một người đàn ông chính là buộc tội anh ta bị gay. Và suốt những năm tháng theo đuổi nghiệp chính trị, Richard Nixon cố gắng tận dụng thành công thứ vũ khí này. Một trong số những trò “bẩn” của Nixon trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1972 là làm hoen ố thanh danh hai đối thủ của Đảng Dân chủ – khi buộc tội thượng nghị sĩ Hubert H.Humphrey và Jackson là cặp đôi đồng tính luyến ái. Cũng trong suốt một thời gian dài, Nixon cũng cho nhân viên theo dõi nhà báo nổi tiếng Jack Anderson - một trong những người chỉ trích ông ta mạnh mẽ nhất để tìm cách buộc tội nhà báo này là dân gay.

Trong khi đó tại cùng thời điểm, giới chính trị gia ở Mỹ cũng đã đồn thổi mức quan hệ “có một không hai” giữa Nixon và Bebe Rebozo- một người bạn thân thiết của tổng thống. Mặc dù ở thời điểm đó, chưa ai công khai khẳng định đó là cặp đồng tính, nhưng tiếng đồn đã lan xa. Thậm chí một phụ tá thân cận của Nixon là Alexander Haig đã từng khẳng định với Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Henry Kissinger rằng: “Đó là mối quan hệ đồng tình luyến ái”. (?!)

Tổng thống làm ăn với mafia?

Mặc dù mối quan hệ “đồng tình luyến ái” với Bebe Rebozo của cựu tổng thống Nixon chỉ là những đồn đoán vô căn cứ, nhưng việc một tổng thống Mỹ lại kết thân với một tên trùm tội phạm như Bebe Rebozo đã khiến nhiều người đặt ra nghi vấn. Vậy đằng sau mối quan hệ đó ẩn chứa những bí mật gì?

Bebe Rebozo là một tên trùm tội phạm “khét tiếng” tại Mỹ vào những thập niên 60 của thế kỷ trước. Đây cũng là người có cổ phần trong chuỗi khách sạn của Lansky ở Havana, Mỹ. Theo nhà sử học Anthony Summers, mối quan hệ giữa Nixon và Rebozo trở nên thắm thiết vào những năm đầu thập niên 50 khi Nixon còn là một người say mê đỏ đen. Thường thì Rebozo bao hết số tiền thua của Nixon, có khi lên tới 50.000 USD, khi các cuộc chơi đỏ đen diễn ra ở khách sạn Nacional của Lansky.

Không chỉ có vậy, Nixon và Rebozo cũng đã mua rất nhiều đất ở Florida với giá rất hời từ Donald Berg, một phần tử cũng có nhiều hoạt động bất chính. Thậm chí mật vụ của Nhà Trắng cũng đã từng khuyên Nixon ngừng quan hệ với Berg vì tên này có nhiều tai tiếng.

Một thành viên mafia khét tiếng một thời của Mỹ- Bill Bonanno đã cho biết, thông qua Rebozo, Nixon đã “có những vụ làm ăn với những người trong gia đình của Trafficante – một ông chủ tội phạm ở Florida và kiếm được rất nhiều lời từ kinh doanh bất động sản, hậu thuẫn cho việc cấp giấy kinh doanh sòng bạc, che đậy các cuộc gây quỹ chống Chủ tịch Fidel Castro...”. Tuy nhiên, tất cả những thông tin này cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ đưa ra kết luận chính xác.

Hải Hiền (Theo Hoàn Cầu)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.