Vài năm nay, nhiều vụ học trò giở thói côn đồ, đánh thầy, cô giáo đến mức trọng thương, phải vào viện cấp cứu khiến dư luận bất bình.
Nam sinh viên dùng gậy sắt đánh thầy giáo trọng thương
Ngày 31/5 vừa qua, vụ việc thầy Nguyễn Huy Oánh (sinh năm 1944), giảng viên ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội, bị một nam sinh viên trong trường dùng gậy sắt đánh trọng thương khiến dư luận bàng hoàng.
Sinh viên Tạ Quang Nghĩa, đối tượng dùng gậy sắt đánh thầy giáo trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội. |
Sự việc bắt đầu lúc 9h5 ngày 31/5, chị Đàm Thị Ngọ phát hiện có tiếng động mạnh phát ra từ nhà vệ sinh nam. Chị Ngọ đẩy cửa vào thì thấy có hai người, một nam thanh niên và một người lớn tuổi đang vật lộn và máu chảy nhiều dưới sàn. Chị Đàm chạy ra ngoài hô hoán thì nam thanh niên vội bỏ chạy ra ngoài.
Nghe tiếng hô hoán, nhiều người chạy đến phòng vệ sinh thì phát hiện người còn lại đang nằm trên vũng máu là thầy Nguyễn Huy Oánh, một giáo viên trong trường. Thầy Oánh được đưa đến bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu. Lúc này trên cổ thầy Oánh còn quàng một chiếc túi xách.
Sự việc ngay lập tức được cấp báo lên cơ quan công an. Khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra xô xát, tiến hành kiểm tra chiếc túi, cơ quan chức năng đã phát hiện các giấy tờ mang tên Tạ Quang Nghĩa (sinh năm 1989), sinh viên lớp QL 17.19 của ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội. Nghĩa chính là người đã đánh thầy Oánh trong nhà vệ sinh.
Trưa cùng ngày, Tạ Quang Nghĩa đã đến cơ quan công an đầu thú. Nguyên nhân dẫn tới hành vi đánh thầy của Nghĩa ban đầu được xác định là do mâu thuẫn với thầy Oánh khi thầy đánh dấu số buổi Nghĩa nghỉ học vào sổ theo dõi.
Ngoài đánh thầy Oánh, Nghĩa còn có ý định ra tay đánh một cô giáo khác trong trường nhưng chưa kịp thực hiện. Hung khí là cây gậy sắt được Nghĩa dán ni lông bọc kín rồi cho vào cặp.
Học sinh đánh vỡ đầu thầy giáo vì bị xử lý do không mặc đồng phục
Ngày 31/10/2012, thầy L.Đ.H, giáo viên môn toán của trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6, TP.HCM), bị một học sinh lớp 10C20 đánh ngay trong giờ học.
Theo lời kể của các học sinh lớp 10C20, học sinh tên Huy của lớp vi phạm nội quy nhà trường, không thực hiện đúng tác phong, đồng phục quy định khi đến trường nên bị giám thị lưu ý với giáo viên chủ nhiệm.
Đến tiết học thứ hai, là giờ dạy của thầy L.Đ.H - giáo viên chủ nhiệm của lớp, thầy H đã nhắc nhở và gọi Huy ra cho giám thị xử lý. Căm tức vì điều này, học sinh Huy đã đánh thầy chảy máu đầu.
Vừa cắt trọc đầu, học sinh rủ bạn đánh thầy
Sáng 2/10/2012, thầy giáo Phạm Xuân Đông (sinh năm 1990), giáo viên trường THPT Đặng Thai Mai (Thanh Chương, Nghệ An) lên lớp và phát hiện học sinh Trần Văn Việt, một học sinh lớp 12C3, cắt trọc đầu.
Thấy vậy, thầy Đông yêu cầu học sinh Việt lên Hội đồng nhà trường gặp thầy Phó hiệu trưởng chuyên trách xin phép, khi ấy mới được vào lớp. Thay vì lên gặp thầy Phó hiệu trưởng, Việt đã bỏ về nhà.
Chiều cùng ngày, Việt rủ hai người bạn là Nguyễn Doãn Tấn và Nguyễn Tiến Thuận đi uống rượu rồi bàn kế hoạch đánh thầy giáo. Sau khi uống rượu xong, cả ba mang theo ống nước bằng sắt đến đợi ở khu vực vắng người qua lại để đónđánh thầy Đông.
Hai đối tượng Nguyễn Doãn Tấn và Nguyễn Tiến Thuận tại cơ quan công an. |
Khi thầy giáo Đông xuất hiện, sợ bị phát hiện, Việt đứng canh xe, còn Tấn và Thuận bịt mặt, cầm ống sắt xông vào đánh thầy tới tấp. Thầy giáo Đông bỏ chạy vào nhà dân kêu cứu nhưng hai đối tượng trên vẫn đuổi theo để đánh tiếp. Sau đó, chúng còn đập hỏng xe máy của thầy Đông rồi mới bỏ đi.
Hậu quả là thầy giáo Phạm Xuân Đông bị thương ở tay, chân, vai, lưng… và phải điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Thanh Chương.
Bị nhắc thiếu gọn gàng, học sinh tát thầy giáo
Nhiều người dân thành phố Đà Nẵng rất bức xúc khi biết vụ việc một học sinh đã thẳng tay tát vào mặt và dùng hung khí tấn công thầy giáo chỉ vì thầy giáo nhắc nhở học sinh ăn mặc gọn gàng trước khi vào lớp.
Theo đó, khoảng 13h15 ngày 5/5/2012, P.H.V (học sinh lớp 11/10, trường THPT Ông Ích Khiêm – huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) bị thầy giáo Nguyễn Thanh Tú (giáo viên môn toán) nhắc nhở phải ăn mặc gọn gàng trước khi vào lớp học.
Bị nhắc nhở, học sinh P.H.V không những không nghe lời mà còn tát thẳng vào mặt thầy giáo Nguyễn Thanh Tú giữa rất đông học sinh của lớp.
Ngay sau khi tát thầy giáo, V. chạy xuống hộc bàn lấy thanh sắt mang theo để tiếp tục đánh thầy giáo. Tuy nhiên, thầy Tú đã đưa tay đỡ được và bị thương nhẹ. Nhiều học sinh của trường chạy đến can ngăn và báo lãnh đạo nhà trường. Vụ việc sau đó được báo cho công an xã đến lập biên bản và xử lý.
Học sinh dùng gậy đập thầy giáo tới tấp
Sự việc xảy ra ngày 19/3/2012 tại thành phố Sóc Trăng. Học sinh manh động đánh thầy là Lý Thái Bình, lớp 11C3 thuộc một trường THPT trên địa bàn thành phố.
Do vi phạm nội quy của trường nên Bình bị thầy Nguyễn Thành Trung, là giáo viênđồng thời là giám thị phụ trách lớp 11C3, nhắc nhở.
Không nghe thầy giáo nhắc nhở, Bình lấy một khúc cây dài chừng 1m xông vàođánh thầy Trung tới tấp. Trước hành vi hung hãn của học sinh, thầy Trung chỉ biết đưa tay lên đỡ rồi hô hoán để mọi người xung quang can thiệp.
Học sinh có hành động côn đồ này sau đó đã bị nhà trường kỷ luật.
Nhiều vụ học trò giở thói côn đồ, đánh thầy, cô giáo đến mức trọng thương, phải vào viện cấp cứu khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. |
Nam sinh đánh cô giáo gãy mũi, bất tỉnh
Ngày 23/2/2011, khi chạy xe máy từ trường THPT Tôn Đức Thắng (tỉnh Ninh Thuận) về nhà, cô giáo dạy hóa Lý Thị Thu Sương đã bị một nam sinh mặc đồng phục của trường chặn lại đạp, đánh ngã xuống đường tại cầu Lương Cách (xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận).
Cô giáo bị chảy máu mũi ướt cả áo khoác, bất tỉnh phải vào bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện đa khoa Ninh Thuận, cô Sương được các y bác sĩ khâu vết thương sau gáy dài 5x0,5 cm. Kết quả chụp X quang cho thấy cô Sương bị gãy xương chính mũi.
Cô giáo Sương bị học sinh đánh gãy mũi, bất tỉnh. |
Theo lời nhân chứng Nguyễn Ngọc Rồi, trên đường về nhà ông thấy hai xe máy cùng ngã trên đường. Lúc này có một học sinh đạp liên tiếp vào mặt một người phụ nữ. Ông Rồi dừng xe, can: “Có gì cũng từ từ, sao đánh người ta” thì học sinh này thôi đánh cô Sương nhưng lại cởi áo, xông vào đánh ông.
Theo trình bày của cô Sương, nam sinh chặn đường đánh cô là em Nguyễn Như Thành, học sinh lớp 11B2A của trường. Vào giờ hóa, Thành không chịu làm bài tập nên cô Sương có nhắc nhở nhưng Thành không nghe mà tự ý ôm cặp bỏ về.
Khi bị Thành chặn xe, cô Sương tưởng Thành muốn xin lỗi cô nhưng không ngờ Thành nói lớn: “Bà dám cả gan giỡn mặt hả”, rồi đạp xe cô. Thành còn đạp giày liên tiếp vào mặt, mũi cô giáo khiến cô bị bật ngửa, phần gáy đập mạnh vào xe.
Học trò đánh thầy, cô giáo: Hiện tượng đáng báo động
Những vụ học sinh, sinh viên ra tay đánh thầy giáo, cô giáo chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ như bị thầy cô nhắc nhở về việc ăn mặc, làm bài tập… xảy ra ngày càng nhiều trong thời gian qua khiến nhiều người lo sợ về việc văn hóa học đường đang xuống cấp trầm trọng, những giá trị đạo đức cốt lõi bị đảo lộn, truyền thống tôn sư trọng đạo đang bị mai một.
Nhiều chuyên gia xã hội học, chuyên gia tâm lý, các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh cho rằng đây là một hiện tượng đáng báo động, cần tìm ra nguyên nhân dẫn tới những hành vi côn đồ, manh động của một số học sinh trên để tìm cách đầy lùi tình trạng nguy hiểm này.
Theo thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, có ba nguyên nhân chính dẫn tới hành động nguy hiểm của các trường hợp học trò đánh thầy, cô giáo: “Một là, từ xưa, lứa tuổi mới lớn rất dễ có hành động bột phát do hưng phấn thần kinh mạnh. Cộng hưởng với việc thiếu chín chắn trong suy nghĩ, thiếu kinh nghiệm trong phản ứng nên hành động rất mạnh mẽ bất ngờ.
Hai là, giới trẻ bây giờ cái tôi phát triển rất sớm. Ngày xưa thầy cô là số một, là chân lý, thầy cô cha mẹ bảo gì thì nghe đấy. Nhưng bây giờ xã hội đã hiện đại, tôn trọng cái tôi cá nhân của mỗi người, thế nên một số bạn trẻ thổi phồng cái tôi của mình quá mức và làm thui chột đi giá trị tôn sư trọng đạo.
Ba là, học sinh ít được dạy về kỹ năng kiềm chế cảm xúc và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Cảm xúc bản năng chưa được thuần dưỡng, mâu thuẫn với thầy cô chưa biết cách giải quyết. Thế nên học sinh khi tự ái, khi bức bối là phản ứng một cách rất “bản năng”.
Bên cạnh nguyên nhân từ phía học sinh, một số chuyên gia cũng cho rằng, hiện tượng này còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như cách ứng xử của người lớn, của một số thầy cô giáo chưa phù hợp khiến hình ảnh thầy, cô giáo trong mắt học sinh không còn đẹp như trước nữa.
Chính vì thế, để ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai, ngoài việc xử lý nghiêm các đối tượng học sinh côn đồ, cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân khiến các học sinh này làm như vậy, trong đó có nguyên nhân từ chính các thầy, cô giáo để giải quyết tận gốc vấn đề.
Theo Tri Thức Trẻ