Ông Nguyễn Tuấn Lâm cũng là một trong 2 chuyên gia khảo cổ học Việt Nam được cử đi đào tạo tại Úc về khảo cổ học dưới nước. Suốt 10 năm trời lăn lộn với những cuộc khai quật khảo cổ tại cố đô Huế, ông Lâm đã gặp những câu chuyện kỳ bí, những sự trùng hợp kỳ lạ không thể giải thích nổi.
Đó là những sự trùng hợp đến kỳ lạ mà cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Như cái chết của người quản tượng; Hòn đá bất thường trong Điện thờ lăng Gia Long; Tiếng gọi bí ẩn dẫn nhà khảo cổ học tìm ra cột thiêng cùng tấm địa đồ tại Lăng Thiệu Trị, và cả những cái chết bất ngờ…
Tấm bia đàn xã tắc và 2 đám tang
Trong 10 năm thực hiện Dự án khai quật khảo cổ học 17 di tích tại Huế, Trưởng đoàn khảo cổ học tại Huế của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, chuyên gia khảo cổ học Nguyễn Tuấn Lâm đã ghi nhận lại rất nhiều chuyện thần bí, kỳ lạ đã xảy ra. Trong suốt nhiều năm qua ông Lâm vẫn ám ảnh về những câu chuyện bí ẩn đó mà chưa từng hé lộ. Ông Tuân kể lại:
Cuối tháng 7-2007, Bộ VH-TT&DL ra quyết định thực hiện Dự án khai quật khảo cổ học Đàn Xã tắc phục vụ công tác trùng tu trước thềm Festival Huế 2008. Ngày động thổ được chọn là 1-1-2008, nhưng ngay khi lễ động thổ vừa diễn ra, tôi nhận được tin báo, nhạc phụ qua đời do đột tử tại TP.HCM. Sau 3 ngày tổ chức tang lễ, lo hậu sự cho bố, tôi tiếp tục quay trở lại thực hiện dự án còn dang dở thì nhiều sự kiện kỳ lạ lại liên tiếp diễn ra.
Đó là chuyện công nhân làm việc tại đây cùng người dân trong khu vực bàn tán xôn xao về việc nhiều người cùng mơ thấy một giấc mộng. Trong đó, hàng đêm có một cụ ông râu dài, tóc bạc phơ chỉ mặc một bộ quần áo trắng tha thẩn trong khu khảo cổ. Sau nhiều lần đắn đo, tôi quyết định mở hố thăm dò tại đúng vị trí đó thì bất ngờ một tấm bia lớn được phát lộ. Đó chính là tấm bia “Xã tắc chi thần” mà các nhà khoa học vẫn tranh luận lâu nay để tìm ra vị trí đặt bia nhưng chưa có kết quả.
Ngay sau đó, tấm bia được dựng lại và cũng từ đó, các vị trí cột mốc, chỉ giới dần dần lộ ra đầy đủ và hoàn chỉnh. Sự việc nếu chỉ có thế thì chắc cũng không có gì lạ, nhưng đến đúng ngày nộp báo cáo kết quả khảo cổ học, kết thúc dự án thì tôi tiếp tục nhận được tin thân phụ mình qua đời tại Hà Nội. Từ đó, những sự việc kỳ lạ kiểu như thế được tôi để ý đến nhiều hơn và xâu chuỗi lại.
Sự cố ám ảnh
Nhắc lại những chuyện kỳ lạ chuyên gia Nguyễn Tuấn Lâm cho biết ông bị ám ảnh nhất là những cái chết và hiện tượng bất thường xảy ra đúng vào kỳ Festival Huế năm 2006. Để phục dựng lại Lễ tế đàn Nam Giao trong Festival Huế 2006, chính quyền Huế đã quyết định mua từ Đắk-Lắk 2 con voi và thuê 2 người quản tượng. Theo kế hoạch 2 con voi này sẽ đi đầu đoàn ngự đạo dẫn theo đội ngũ quan binh chỉnh tề tiến về nơi hành lễ. Song, ngay trước buổi lễ, một người quản tượng trong lúc cho voi ăn đã bất ngờ bị voi dùng ngà xuyên thẳng bụng, quăng lên trời quật chết.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ: “Mãi cho tới bây giờ, cái chết của người quản tượng vẫn còn ám ảnh tôi bởi cảnh tượng kinh hoàng đó. Thêm vào đó, cùng kỳ Festival còn xảy ra một sự cố đau buồn khác. Ngay trong buổi lễ khai mạc Festival, trời bỗng nổi cuồng phong dữ dội làm đắm một chiếc thuyền đang ngoạn cảnh trên sông Hương đoạn qua gần điện Hòn Chén. Theo tôi nhớ có tới 3, 4 người đã bỏ mạng trong tai nạn này”.
Không chỉ những tai nạn bất ngờ, tại đây cũng luôn xảy ra các sự trùng hợp, kỳ bí đến nay vẫn chưa có lời giải thích. Như lần đoàn kiểm tra của các nhà lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học có tên tuổi và khách thăm quan đến thăm khu khai quật lăng Gia Long (Thiên Thọ lăng). Chuyến thăm của đoàn từ lúc xuống xe cho tới khi vào điện làm lễ, thắp hương đều được nhà khảo cổ học Nguyễn Tuấn Lâm dùng máy quay ghi lại. Tuy nhiên, đến khi xem lại thì toàn bộ đoạn ghi hình đoàn tiến vào điện chính dâng lễ, thắp hương trong điện đã trở thành một khoảng đen khó hiểu.
Cũng tại khu vực điện chính, chỉ trước đó vài ngày, một vụ tai nạn kỳ lạ đã xảy ra. Trong lúc kiểm tra, chụp ảnh tư liệu hiện trường, một cán bộ Ban quản lý dự án Cố đô Huế lúc đó phát hiện ra một tảng đá lạ thường rất đẹp ở trong điện. Để tiện việc nghiên cứu, ông đã yêu cầu bảo vệ nhấc tảng đá ra khỏi điện để chụp ảnh nhưng lại quên bê hòn đá trả lại vị trí cũ. Và khi ông cán bộ này vừa đến cổng thì bị va chạm xe máy.
Sau nửa tiếng tìm kiếm, mọi người mới phát hiện ra ông đang nằm bất động trong một bụi tre gần đó. “Đến giờ chúng tôi vẫn chưa thể lý giải được nguyên do nào cán bộ đó bắn vào trong bụi tre có chiều cao quá đầu người mà chỉ bị xây xát ngoài da. Để đưa ông ra, người ta đã phải chặt bụi tre. Chiếc xe của ông chỉ khởi động được khi hòn đá được đem trả vào vị trí cũ trong điện”…
Tiếng gọi lạ và bức địa đồ
Là một nhà khoa học, không bao giờ tin vào những chuyện ma mị, kỳ quái, nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thể tìm ra những bí ẩn đằng sau các câu chuyện kỳ lạ trong quá trình khai quật lăng Thiệu Trị (Xương Lăng). Những ngày đầu mở hố thám sát khai quật khảo cổ học, tôi cùng các đồng nghiệp nghe thấy đâu đó có tiếng lảng bảng vọng lại. Đến nửa đêm, tôi lại nằm mơ có người chỉ dẫn mình đến một di chỉ vô cùng quan trọng tại khu vực lăng Thiệu Trị.
Quyết định thử vận may tại địa điểm vừa được báo, ông cho tổ chức đào ngay tại đó. Chỉ qua lớp đất mặt, một bức tranh được xếp bằng gạch đá được phát lộ. Ông tự tay tỉ mẩn làm sạch từng góc cạnh và phát hiện đây là một bức địa đồ với trung tâm ở giữa là dòng sông Hương uốn lượn. Điểm đặc biệt ở chỗ, những viên gạch dùng để xếp bức địa đồ đều là loại gạch có từ thời Gia Long. Nhưng địa điểm phát hiện lại nằm trong quần thể khu di tích lăng Thiệu Trị.
Biết tin, các nhà nghiên cứu về cố đô Huế đã có mặt với rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Trong đó, chủ yếu tập trung ý kiến cho rằng bức địa đồ thể hiện lại những thế đất đẹp ở Huế với hai bên tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ xoay quanh trục chính là sông Hương.
Tại thời điểm ấy, mọi người đều muốn tổ chức một cuộc hội thảo để luận bàn tấm địa đồ kia thể hiện những gì và tại sao lại xuất hiện ở khu vực lăng Thiệu Trị. Nhưng sau nhiều biến động, cho đến nay, hội thảo vẫn chưa được diễn ra. Ý nghĩa thật sự của bức địa đồ vẫn là một bí ẩn.
Những ngày tiếp sau, tiếng gọi lạ lại xuất hiện đưa ông ra xa khỏi khu vực khảo cổ, lần tìm đến sát bờ sông Hương. Tại đây, ông và một người đồng nghiệp đã phát hiện ra một di tích, đó chính là cột chỉ giới quan trọng của lăng Thiệu Trị. Sử sách có ghi lại, cây cột thiêng được dựng để nhắc nhở người dân là khu vực linh thiêng, ai đi ngựa qua phải xuống ngựa, ai đi bộ phải ngả nón cúi đầu mà đi, người trên thuyền không được khua mái, cấm những lời bông đùa, cợt nhả.
Cây cột cao tới 4m với nhiều hoa văn lạ mắt trạm trổ trên chất liệu gạch được gắn bởi loại vữa đặc biệt. Do tối trời, ông chỉ kịp cùng người đồng nghiệp chụp lại vài tấm hình làm tư liệu. Sáng sớm hôm sau, khi trở lại nghiên cứu thì cây cột đã bị đập phá tan tành, toàn bộ phần thân của cây cột chỉ còn 1m, xung quanh là đống gạch đá kéo dài ra bờ sông Hương.
Cây cột bị chủ mảnh đất đập đi để xây khu nghỉ dưỡng. Sau này, chính người chủ nhà đã phải thừa nhận và phục dựng lại cây cột theo các hình ảnh chụp được trước đó. Nhưng, chắc chắn một điều nếu không có sự dẫn dắt kỳ lạ kia, thì sẽ chẳng còn dấu tích của cây cột thiêng.
Nhà khảo cổ học Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ cố đô Huế - đất văn hiến vẫn còn muôn vàn những chuyện kỳ bí chưa tìm được lời giải đáp. Những chuyện mà ông kể có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên được nhiều người chú ý. Đến nay những câu chuyện kỳ bí như vậy vẫn được người dân Huế truyền tai nhau thu hút sự quan tâm của tất cả các du khách mỗi khi đặt chân đến nơi đây
Theo An ninh Thủ đô