Tôi không nói đến số tiền trong tài khoản hay hệ thống nhà hàng cao cấp hoặc những thửa đất cò bay mỏi cánh của ông, vì chắc chắn một con người “đầu đầy sỏi” như ông sẽ khó mà lao đao về tài chính.
Điều tôi muốn đề cập đến là những thứ không thể đong đếm được.
Có lẽ vì “đầu đầy sỏi” nên ông không tư duy theo lẽ thường và vì thế, ông vô tư một tay che mắt thượng đế (khách hàng) và nghĩ rằng cái kim trong bọc sẽ không bao giờ lòi ra (như cái mác)?
Và cũng theo lẽ thường, “một sự bất tín, vạn sự bất tin”, vậy nên niềm tin của ông đã mất. Mọi chiếc khăn ông đã từng bán ra dù có made in Vietnam 1000% thì vẫn phải nhận những ánh mắt nghi ngờ và chịu sự “thất sủng” của những người đã từng nâng niu nó.
Cái giá phải trả cho việc bán đứng niềm tin là không thể đong đếm được.
Khi người ta đã mua một chiếc khăn tay với giá 644.000 đồng vì tin tưởng thương hiệu chứ không phải vì am hiểu lụa thì một khi niềm tin cất cánh bay, chiếc khăn đó cũng khó bán với giá 64.000 đồng.
Vốn dĩ khách hàng đa phần không đủ tỉnh táo như Ronald Reagan để luôn tâm niệm: “Tin tưởng nhưng cần xác thực”.
Nhưng đó cũng là việc mà ông cần làm từ bây giờ, doanh nhân Hoàng Khải.
Hãy bắt đầu đứng lên từ chính chỗ ông vấp ngã: Hãy chắt bóp niềm tin. Hãy luôn chứng minh cho khách hàng thấy rằng ông không còn sống trong lừa dối.
Ông sẽ dùng khả năng của mình để nâng cao chất lượng dịch vụ và biến những chiếc khăn khaisilk thành siêu phẩm.
Vì người ta chỉ đánh kẻ chạy đi nên biết đâu khi ông chạy lại, một chiếc khăn tay có thể bán với giá 6.440.000 đồng?
Khi niềm tin đã mất, ông vẫn còn hy vọng.