Trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng, trên địa bàn xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) đã có gần 100 người dân bị chó lạ cắn. Người dân ở xã xác nhận, đó không phải là chó nuôi, chó thả rông của các hộ dân trong thôn, xã mà là chó ở đâu đến. Theo chuyên gia y tế dự phòng nhận định, bị chó cắn mà chưa xác định được nguồn gốc của đàn chó thì rất nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng của người dân
Chó rông sẽ bị tiêu diệt
Cho đến hiện tại, người dân trên địa bàn xã Bắc Sơn vẫn chưa hết bàng hoàng bởi sự xuất hiện và tấn công của một số con chó từ nơi khác đến cắn chó nhà và người. Điều nguy hiểm ở chỗ, đến nay rất khó xác định những con chó này có thực sự bị mắc bệnh dại hay không càng khiến vùng quê vốn yên bình này thêm u ám bởi những lo lắng về bệnh dại và bệnh dịch khác do chó lạ mang tới cho chó nhà và người dân.
Tỏ vẻ lo lắng, bác Nguyễn Thị Cam ở thôn Tiên Chu cho biết: "Không biết, chó nuôi của gia đình tôi có bị chó lạ ở nơi khác đến cắn, truyền bệnh hay không mà cách đây mươi mười lăm ngày, con chó của gia đình bỗng dưng bỏ ăn. Sau khi bỏ ăn hai ngày, đến ngày thứ ba, nó bỗng dưng quay ra cắn cả 4 người trong gia đình. Điều nguy hiểm ở chỗ, ngay ngày hôm sau (tức sau khi cắn người trong nhà - PV), con chó bỗng nhiên chết khiến cả gia đình thấp thỏm lo sợ. Đến nay, toàn bộ các thành viên trong gia đình tôi được tiêm phòng đầy đủ nhưng tôi vẫn trong trạng thái bất an vì không biết có bị mắc bệnh dại hay không, có ảnh hưởng đến sức khoẻ sau này không" - bác Cam nhấn mạnh”.
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Văn Thành, người dân thôn Nam Lý tâm sự: "Chỉ trong thời gian ngắn mà hàng chục người trong thôn bị chó cắn khiến mọi người đứng ngồi không yên. Ra đường, gặp ai cũng thấy nét mặt hoang mang, lo sợ. Về nhà là cả một bầu không khí u ám, lo lắng vì bệnh tật có thể xâm lấn, gây hại bất cứ lúc nào?! Nhà tôi có con nhỏ nên cả vợ lẫn chồng bảo nhau phải cẩn thận, không để con chơi một mình, ra đường một mình, dù bình thường, cháu có thể sang ông bà nội, ngoại chơi được".
Chó thả rông, không nguồn gốc sẽ rất nguy hiểm khi không kiểm soát được nguồn bệnh
Tại hội nghị 6 tháng đầu năm do bộ Y tế tổ chức ngày 20/8, cục Y tế dự phòng báo cáo, cả nước ghi nhận 49 trường hợp tử vong do bệnh dại, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2012. Phần lớn các ca tử vong là ở các tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Nghệ An (7 trường hợp), Lào Cai (6 trường hợp), Điện Biên (5 trường hợp), Hòa Bình (5 trường hợp), Phú Thọ (5 trường hợp), Lạng Sơn (4 trường hợp), Sơn La (3 trường hợp), Yên Bái và Hà Giang (mỗi tỉnh hai trường hợp). Đáng lưu ý, 100% các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắc-xin dại sau khi bị chó cắn. Nguyên nhân không đi tiêm phòng, 80% số người được hỏi cho rằng, chó nhà không cần đi tiêm. |
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, BS. Phan Đình Phượng, Phó giám đốc trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cho biết: "Thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Bắc Sơn có 97 người của 70 hộ gia đình bị chó cắn. Những thôn có nhiều người bị chó cắn là: Tiên Chu, Nam Lý, Lương Đình... Trong đó, gia đình bị chó cắn nhiều nhất lên tới 4 người, còn lại là 2 - 3 người, rải rác trên các thôn trọng điểm".
TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phân tích: "Ngoài việc đẩy mạnh công tác tiêm phòng, tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, khả năng phòng chống dịch bệnh, quan điểm của TP.Hà Nội sẽ triển khai quyết liệt từ thành phố đến các quận, huyện, xã, phường về việc quản lý chó, mèo nuôi. Thậm chí thành lập các đội cơ động để ngăn chặn, bắt giữ, tiêu diệt chó không nguồn gốc, có nguy cơ xâm hại tới sức khoẻ người dân".
Còn nhiều khó khăn trong quản lý đàn chó
Cũng theo TS. Nguyễn Nhật Cảm, trong hai năm qua, trên địa bàn TP.Hà Nội không có trường hợp bệnh nhân mắc bệnh dại. Hiện tại, chi cục Thú y Hà Nội đều hỗ trợ tiền tiêm vắc-xin phòng dại cho các hộ nuôi chó, mèo chứ không riêng các xã, huyện xuất hiện chó lạ.
Gần 100% chó nuôi được tiêm phòng dại Cũng theo BS. Phượng, trong tổng số 97 người bị chó cắn hiện tại, có 79 người đã được tiêm phòng và 18 trường hợp còn lại đang được theo dõi để tiêm phòng. Nếu quá hai tuần mà không có biểu hiện khả nghi sẽ được loại ra khỏi vòng theo dõi có nguy cơ mắc bệnh. BS. Phượng cũng cho biết thêm, tại những gia đình có người bị chó cắn, lúc đầu, họ có vẻ coi thường, khi biết được có nguy cơ bị dại thì họ hoang mang thực sự và lúc đó mới đi tiêm phòng. Đến nay, lực lượng chức năng đã thực hiện tiêm phòng đạt tỷ lệ 97%/7.026 con chó của xã. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa phát hiện được chó lạ, không nguồn gốc mà đa số đều là chó được nuôi tại địa bàn được các gia đình đem đến tiêm phòng dại. Ngoài ra, có khoảng 10 con nghi dại và đã bị người dân đập chết, còn lại cơ quan chuyên môn vẫn đang theo dõi và có các biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. |
Theo báo cáo, năm 2012, cả nước ghi nhận 98 trường hợp tử vong do bệnh dại, trong đó 96/98 trường hợp tử vong do không đi tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Đến nay, số trường hợp tử vong do bệnh dại vẫn đứng hàng đầu trong các trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc sử dụng vắc-xin đúng và kịp thời sau phơi nhiễm là biện pháp điều trị dự phòng an toàn và hiệu quả nhất.
Mặc dù chó là nguyên nhân hàng đầu gây nguy cơ bệnh dại sang người nhưng theo đại diện của cục Thú y, bộ NN&PT-NT thì quản lý và tiêm phòng cho đàn chó (cả nuôi và hoang - PV) rất khó. Năm ngoái, Bộ ban hành kế hoạch khống chế bệnh dại, trong đó, yêu cầu các hộ nuôi chó mèo cần tới đăng ký với chính quyền xã, phường để được cấp số cho vật nuôi. Theo đó, UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo thành lập những đội chuyên bắt giữ vật nuôi thả rông - nếu sau 3 ngày không có người tới nhận thì trạm thú y huyện sẽ tiêu hủy số chó, mèo bắt được. Quy định này chưa kịp thực hiện thì đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận vì cho rằng khó khả thi. Vì vậy đến nay, việc quản lý vật nuôi là chó, mèo vẫn chưa thể hạn chế được các nguy cơ gây bệnh từ chúng.
BS. Hoàng Đức Lan, viện Y học Thể thao cho biết: "Y học hiện nay chưa thể chẩn đoán được, liệu một người bị chó cắn thì có bị dại hay không. Do đó, nếu bị cắn mà không biết chắc con chó có bị dại không thì bao giờ bác sĩ cũng khuyên tiêm phòng rồi theo dõi trong khoảng 10 - 15 ngày. Sau khoảng thời gian này người bị chó cắn có thể yên tâm, tuy nhiên vẫn cần theo dõi vì có những trường hợp sau khi bị cắn có thời gian ủ bệnh lâu dài khác nhau và phụ thuộc vào từng vị trí cắn. Đặc biệt, nếu bị cắn gần thần kinh trung ương thì phải được tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt, đạt hiệu quả rất cao sau 12 tiếng bị cắn".
Theo PGS.TS Đinh Kim Xuyến, Phó giám đốc trung tâm Nghiên cứu và tư vấn sức khoẻ cộng đồng thì, giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống bệnh dại là hạn chế nuôi chó; Quản lý chó nuôi, không thả rông chó; Tiêm vắc-xin dại cho chó, mèo theo hướng dẫn của thú y; Giám sát và xử lý triệt để những ổ dịch dại ở động vật; Khi bị phơi nhiễm virus dại, phải rửa vết thương bằng nước xà phòng đặc và nước muối, bôi chất sát khuẩn, đến điểm tiêm phòng dại nơi gần nhất để được khám và thực hiện đúng phác đồ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm thì sẽ giảm được tối đa nguy cơ bị bệnh dại.
Hoàng Anh - Hoàng Mai