Nỗi buồn “đạo diễn... lạc thời”

Thứ 6, 28/12/2012 00:05

Những năm 1985 1986, công chúng yêu điện ảnh Việt Nam từng lên cơn sốt với phim Biệt động Sài Gòn.

Câu chuyện về những con người quả cảm hoạt động trong lòng địch thời kì chống Mỹ đã trở nên sống động, vô cùng hấp dẫn qua từng thước phim tài ba của đạo diễn Long Vân. Ở tuổi 75, tóc đã hoa râm và mang trong mình nhiều bệnh tật, vị đạo diễn này vẫn say sưa với những chuyến đi để thỏa chí nghề nghiệp của mình.

Đạo diễn Long Vân

“Ngày đó bố tra tấn con ác quá”

Vợ ông - nghệ sĩ Kim Cương (diễn viên một thời), vẫn giữ nguyên cách gọi "Anh" như thời trai trẻ. Ông nói: "Người ta thường bảo "phía sau người đàn ông thành đạt luôn có người phụ nữ đảm đang", tôi không biết đã thành đạt chưa nhưng bà ấy thì quả đúng là một phụ nữ đảm đang hết mực. Cũng vì sự quan tâm chu đáo quá mức này mà thời đi đóng phim Biệt động Sài Gòn, tôi phải tỉ tê rủ bằng được con gái đi cùng để bà ấy yên tâm đấy".

Đạo diễn Long Vân chia sẻ“: Lần làm phim Biệt động Sài Gòn, tôi phải ở trong đó rất lâu. Mà thời đó làm gì có điều kiện đi lại như bây giờ. Bà ấy lo lắm nên thuyết phục con gái đi đóng phim với tôi, vừa là trải nghiệm, nhưng chủ yếu là giữ chồng. Tôi cũng đồng ý hoàn toàn.

Ngày ấy, vai giao cho nó là một cô bé bán báo. Vai này, thực tế không có trong kịch bản trước đó. Nhưng trong quá trình tìm hiểu về biệt động Sài Gòn, tôi nhận thấy trong cuộc chiến đấu đó có đầy đủ các tầng lớp nhân dân: Già trẻ, gái trai, công nhân, trí thức... đều tham gia. Vì thế, tôi đã đề nghị sửa kịch bản, cho thêm nhân vật em bé bán báo.

Khác với những nhân vật khác, viết kịch bản xong rồi mới đi tìm diễn viên phù hợp. Riêng vai này, ngay từ đầu đã được viết để dành riêng cho Vân Dung (con gái duy nhất của đạo diễn Long Vân và nghệ sĩ Kim Cương). Khi ấy Vân Dung 15 tuổi nên cô bé bán báo cũng 15 tuổi. Ấy thế mà khi chính thức mời nó, nó lại bảo "con thèm vào". Vì nó cứ nghĩ vai này là vai phụ.

Vân Dung vốn tham gia đóng phim từ bé, mà lại đóng toàn vai chính. Sau cùng, tôi với vợ phải dỗ dành mãi nó mới chịu nhận vai. Biệt động Sài Gòn quay trong vòng 5 năm. Vân Dung cũng phải chuyển trường, theo bố và đoàn phim vào đó. Vai diễn cô bé bán báo tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn trong toàn bộ phim và gây sự xúc động mãnh liệt đối với khán giả. Đặc biệt là những màn tra tấn dã man của bọn giặc dành cho nhân vật nhí này. Sau bộ phim và cho đến tận bây giờ, khi Vân Dung đã là mẹ của hai con, nhưng thi thoảng nó vẫn trêu tôi: "Ngày đó bố tra tấn con ác quá".

25 năm sau ngày bộ phim Biệt động Sài Gòn ra đời, đạo diễn Long Vân lại cho ra mắt một "tân" Biệt động Sài Gòn nữa, với tên gọi Những đứa con của biệt động Sài Gòn dựa theo kịch bản của nhà văn Nguyễn Xuân Hải. Nói về sự ra đời của bộ phim mới này, ông cho rằng đó không phải là một sự tình cờ nào cả. Mà là sự nung nấu, day dứt của ông trong suốt nhiều năm.

Mấy chục năm sống và làm việc giữa thời bình, ông nhận ra, cuộc chiến của những cảnh sát an ninh vẫn đầy những cam go, thử thách và thầm lặng. Một lần nữa, ông lại muốn làm phim về họ.

"Năm 2008, tôi có dịp trở lại Sài Gòn thăm một số nguyên mẫu ngoài đời của Biệt động Sài Gòn. Nhiều người trong số họ đã mất. Tuy nhiên, có một điều rất đáng quý. Đó là con cháu họ đều trở thành các chiến sĩ cảnh sát. Tôi ngẫm ra, đấy là sự tiếp nối vinh quang rất đáng tự hào. Về nhà, tôi cứ suy nghĩ không thôi về một bộ phim mới - Một "tân" Biệt động Sài Gòn để kể về những con người trẻ. Một năm sau, tôi bắt tay vào thực hiện dự án có phần mạo hiểm đó", đạo diễn Long Vân kể.

Làm phim thời nay khó lắm...

Ông kể: “Khi phim Những đứa con của biệt động Sài Gòn chuẩn bị khởi quay thì háo hức lắm, nhưng xong phim là buồn. Thậm chí trong thời gian thực hiện đã nhiều lần tôi phải nhắm mắt cho qua nhiều chuyện. Ngày xưa mình là thống soái, chủ động mọi thứ. Còn bây giờ, mình mang tiếng là đạo diễn nhưng lại phụ thuộc vào người khác".

"Diễn viên quay đến lần thứ hai mà vẫn chưa đạt thì cũng phải chấp nhận. Vì không có thời gian để đóng lại nữa. Bây giờ người ta đóng phim như gió, cưỡi ngựa xem hoa. Nhà sản xuất phải tính toán lỗ lãi ra sao. Không như ngày xưa, phim được Nhà nước cấp phí. Đạo diễn không bị sức ép bởi đồng tiền, có thể thoải mái làm nghệ thuật. Phim mình bỏ công sức, tâm huyết, thậm chí bất chấp cả vấn đề sức khỏe để làm ra nó. Nhưng làm xong lại không được công chiếu rộng rãi. Mà cái hạnh phúc lớn nhất của người làm phim có gì khác hơn ngoài việc đứa con tinh thần của mình được đến với đông đảo khán giả”.

Vấn đề tuyển chọn diễn viên cho bộ phim "tân" Biệt động Sài Gòn này cũng có nhiều câu chuyện buồn vui lẫn lộn. ông bồi hồi: “Ngày xưa, tôi nổi tiếng là người chọn diễn viên rất kĩ, hành diễn viên rất "ác". Vì tôi muốn họ đi đến cùng cảm xúc thực của mình. Bây giờ thì khác rồi. Diễn viên chạy show một ngày mấy phim nên đến lời thoại nhiều lúc không thuộc.

Họ cũng không có được lòng yêu nghề như chúng tôi ngày xưa. Thay vì sẵn sàng hi sinh vì nghệ thuật, họ đắn đo về cát sê, danh tiếng. Kể cả những người cũ, cũng có người "thay lòng đổi dạ" chỉ vì những toan tính thiệt hơn. Điều đó làm mình buồn và tổn thương ghê gớm, ông nói.

Sau cơn bạo bệnh cách đây mấy năm, ông được vợ "kèm cặp" kĩ hơn. Thậm chí, thời gian quay Những đứa con của biệt động Sài Gòn, ông phải trốn vợ, ở lì trong TP.Hồ Chí Minh ròng rã gần một năm, cho đến lúc phim xong mới dám về nhà. “Về giữa chừng sợ bà ấy bắt ở nhà không cho đi nữa”, đạo diễn Long Vân nói.

Bích Đào

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.