Nỗi buồn tủi của người dân theo đuổi vụ kiện lô cốt

Nỗi buồn tủi của người dân theo đuổi vụ kiện lô cốt

Thứ 5, 27/12/2012 23:52

“Tôi hoài nghi và vô cùng lo lắng với diễn biến chậm chạp như thế này, liệu tôi có sống được đến ngày để ra tòa đòi lại công bằng cho mình hay không?”, ông cụ ngoài 80 tuổi, người đứng đơn khởi kiện Sở GTVT TP HCM đã hơn 2 năm qua, tại buổi hòa giải của TAND TP vào ngày 09.5 vừa qua.

Theo Nguyễn Văn Lang, nguyên đơn của vụ kiện, căn nhà 12/7 Nguyễn Huy Tự của ông, sau giải tỏa đã trở thành nhà mặt tiền đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, Q.1. Từ năm 2001, gia đình ông kinh doanh quán ăn tại nhà với thu nhập rất tốt. Đến tháng 1/2005, khi thi công công trình cống bao giếng S27 (dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) thì nhà thầu xây dựng Tmec & Chec-3 (của Trung Quốc) đã cho rào “lô cốt” sát cửa nhà, khiến không có khách hàng đến quán ăn.

Pháp luật - Nỗi buồn tủi của người dân theo đuổi vụ kiện lô cốt

Lô cốt này đã làm ông Lang thiệt đơn thiệt kép nhiều năm liền.

Tháng 1/2007, “lô cốt” được dỡ bỏ, nhưng tới tháng 11/2007 lại được dựng lên, đến cuối năm 2009, mới được tháo dỡ hoàn toàn. Theo tính toán của ông Lang, thu nhập có được từ quán ăn của ông mang lại, còn nhiều hơn số tiền đòi chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại 6 triệu đồng/tháng. Tổng cộng thời gian “lô cốt” án ngữ trước cửa nhà ông Lang, là 42 tháng, nên ông yêu cầu tòa buộc chủ đầu tư phải bồi thường 252 triệu đồng.

Về việc xây dựng tuyến cống bao giếng S27 làm lún, nứt căn nhà của gia đình ông Lang, Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP.HCM, chính quyền địa phương, đã tổ chức nhiều buổi làm việc giữa nhà thầu xây dựng và gia đình ông, để thương lượng bồi thường.

Ban đầu, nhà thầu Tmec & Chec-3, không đồng ý bồi thường vì cho rằng, hư hỏng sụt nứt của các căn nhà gần kênh là tất yếu. Sau đó, nhà thầu đồng ý bồi thường cho gia đình ông 8 triệu đồng. Các bên đã thỏa thuận, mời cơ quan kiểm định độc lập để xác định thiệt hại. Kết quả kiểm định của Công ty Kiểm định Sài Gòn kết luận, giá trị sửa chữa thiệt hại đối với căn nhà của ông Lang, là hơn 31 triệu đồng. Thế nhưng trong lần làm việc cuối năm 2009, nhà thầu chỉ đồng ý bồi thường 50% số thiệt hại đã được kiểm định trên. Quá bức xúc, gia đình ông Lang cũng khởi kiện chung, với việc đòi bồi thường thiệt hại do bị đình trệ kinh doanh.

Tháng 10/2009, đơn khởi kiện của gia đình ông Lang đã được TAND quận 1 thụ lý. Ông Lang đã nộp tạm ứng án phí hơn 9 triệu đồng. Sau đó TAND quận 1 đã chuyển vụ việc lên TAND TP.HCM, vì cho rằng vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa này.

TAND TP.HCM cho hay, vụ kiện của ông Lang là vụ kiện đầu tiên mà tòa thụ lý, về việc đòi bồi thường do rào chắn, dựng “lô cốt” đào đường. Theo TAND TP, tòa đã nhiều lần làm việc với phía nguyên đơn, để yêu cầu cung cấp các chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Tiếp đó, tòa tiến hành cho hòa giải giữa các bên, nếu hòa giải không thành thì mở phiên tòa xét xử.

Pháp luật - Nỗi buồn tủi của người dân theo đuổi vụ kiện lô cốt (Hình 2).

Ông Nguyễn Văn Lang: "Tôi hoài nghi"

Tháng 1/2011, TAND TP đã làm thủ tục triệu tập tư pháp lần 1 nhưng vẫn không thấy phản hồi, nên đến tháng 5.2011, tòa án tiếp tục triệu tập lần 2. Sau thời hạn 3 tháng, dù công ty mẹ ở Trung Quốc không trả lời thì tòa vẫn xét xử.

Trong đơn kiện lần này, ông Lang yêu cầu Sở GTVT và nhà thầu Trung Quốc bồi thường 370 triệu đồng do thi công cẩu thả, chây ỳ, làm lún nứt nhà và gây thiệt hại việc kinh doanh của ông. Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa thể đi đến hồi kết, do liên quan đến những thủ tục pháp lý của nhà thầu thi công dự án TMEC-CHEC có yếu tố nước ngoài.

“Tất cả mọi tổ chức, cá nhân đều sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Việc đúng sai, cứ chiểu theo luật mà xử, chứ không thể lấy lý do để kiếm cớ trì hoãn”, ông Nguyễn Văn Lang bức xúc.

Tại buổi hòa giải lần này, đại diện Sở GTVT chỉ đồng ý bồi thường hư hỏng nhà, với mức 32 triệu đồng (theo kết quả kiểm định từ gần cuối năm 2009). Riêng phần thiệt hại do thất thu kinh doanh, Sở GTVT không đồng ý. Vì vậy, TAND TP đã lập biên bản hòa giải không thành và sẽ trưng cầu giám định xác định thiệt hại nhà để tiếp tục giải quyết vụ kiện.

Mỗi ngày ở TPHCM, có biết bao nhiêu đoạn đường bị ảnh hưởng bởi lô cốt, những thiệt hại về kinh doanh, buôn bán, về những quyền lợi vật chất khác đối với người dân là điều không thể đong đếm được. Vì vậy, thông tin vụ kiện được đưa ra xét xử, là tin vui không chỉ với gia đình ông Lang, người dũng cảm dám làm cái việc mà chưa ai dám làm này. Tuy nhiên, kết quả của buổi hòa giải lần này, lại thêm một lần nữa khiến dư luận không thể không đặt nghi ngờ, kiện một cơ quan nhà nước ra tòa, vì làm phương hại đến quyền lợi chính đáng của người dân, dù có thể do vô tình, liệu có tiếp tục theo kiểu “phần thắng không bao giờ thuộc về con kiến?.

Nếu vụ kiện được đưa ra xét xử sẽ được coi là tiền lệ tốt, để người dân và tổ chức quen dần với tư duy sống và quan hệ xã hội bằng pháp luật, có ý thức hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Chu Bình


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.