Đây là lần thứ hai cảnh báo này được đưa ra. Trước đó, năm 1992, từng có 1.700 nhà khoa học đưa ra một cảnh báo tương tự về danh sách ngày càng tăng những mối đe dọa đối với con người, cùng với thảm thực vật và động vật nếu chúng ta tiếp tục hủy hoại môi trường sống.
Cảnh báo này kêu gọi con người chú ý tới những hiểm họa đang rình rập cuộc sống của chính nhân loại, bao gồm gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, chặt phá rừng, thiếu nguồn nước sạch và các loài động vật trước nguy cơ tuyệt chủng.
Lá thư cho hay, Trái đất có thể sẽ sớm đạt tới ngưỡng giới hạn, khi đó nhân loại không thể nào ứng phó được với những sự thay đổi đang lan rộng một cách mạnh mẽ trên hành tinh của chúng ta.
Lá thư lần này đánh dấu mốc 25 năm kể từ khi lá thư đầu tiên xuất hiện, vạch ra tình trạng đáng báo động của hành tinh xanh. So với thời điểm năm 1992, ngoại trừ việc lỗ thủng tầng ozone đang dần được cải thiện thì Trái đất đang rơi vào tình cảnh ngày càng tồi tệ hơn so với 25 năm trước.
“Nếu không ngừng lại, nhiều thói quen hiện tại của chúng ta sẽ đặt tương lai vào một nguy cơ nghiêm trọng, cũng như đối với xã hội loài người, lớp thực vật và động vật. Nó cũng có thể sẽ làm thay đổi thế giới sống, khiến chúng không còn vận hành theo cách mà chúng ta từng biết”, các nhà khoa học tuyên bố trong bức thư gửi tới nhân loại.
Bức thư thứ hai này có điểm lại một số cảnh báo được đưa ra 25 năm trước, đồng thời xác định xem loài người đã làm được gì sau khoảng thời gian hơn 2 thập kỷ qua. Nhưng không may thay, chúng ta đang khiến cho mọi việc trở nên xấu đi. Mỗi vấn đề được đưa ra trong lá thư ngày ấy đều không được cải thiện, thậm chí còn đi theo chiều hướng tiêu cực, ngoại trừ một tín hiệu đáng mừng từ tầng ozone.
Chúng ta đã không làm cho lỗ thủng tầng ozone lớn thêm kể từ những năm 1990. Thực tế cho thấy, từ khi thực hiện Nghị định thư Montreal cấm hợp chất hữu cơ chlorofluorocarbons (CFC), dường như lỗ hổng này đang tự hồi phục. Đây là việc làm tích cực mà con người đã làm được trong thời gian qua đối với môi trường.
Tuy nhiên, đã có rất nhiều vấn đề phát sinh, từ bùng nổ dân số tới việc gia tăng sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Trong 25 năm qua, dân số thế giới đã tăng 2,1 tỷ người, cụ thể là từ 5,5 lên 7,6 tỷ, tương ứng với 26%. Nhưng cũng chỉ trong khoảng thời gian ấy, tổng số động vật có vú, các loài bò sát, lưỡng cư và cá đã giảm gần 30%.
Rõ ràng, chúng ta đang chứng kiến tình trạng quỹ đạo tăng trưởng dân số không bền vững. Quá trình đó trực tiếp dẫn tới sự suy giảm hơn 100 triệu hecta rừng do bị triệt hạ và giảm 26% lượng nước sạch trung bình cho mỗi người.
Ngoài ra, số lượng cá tự nhiên đã giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây, cùng với đó là sự gia tăng các vùng biển chết trên những đại dương. Kể từ khi bức thư cảnh báo đầu tiên được đưa ra hơn 20 năm trước, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng lên hơn 0,5 độ C, trong khi lượng khí thải CO2 tăng đến 62%.
Cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường, nếu tình trạng trên vẫn tiếp diễn, con người sẽ phải đối mặt với hậu quả khủng khiếp, Stefan Rahmstorf, Giáo sư viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu Potsdam cho hay.
“Chúng ta đang chứng kiến mức độ gia tăng mực nước biển một cách nhanh chóng. Trong dài hạn, nếu tình trạng này không chấm dứt, nhiều thành phố và quốc gia ven biển sẽ biến mất trên bản đồ. Chúng ta đang hành động một cách ngu ngốc và lao vào thảm họa với tốc độ chóng mặt”, chuyên gia nói.
Dù Trái đất đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta không thể làm gì để cải thiện tình hình. Các tác giả của bức thư đã đưa ra 13 kiến nghị nhằm đưa Trái đất trở về trạng thái cân bằng.
Các kiến nghị bao gồm: Giảm tình trạng bỏ thừa thức ăn, tích cực sử dụng các năng lượng thiên nhiên có khả năng tái tạo, phát triển và áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tạo ra động lực kinh tế để thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng lãng phí của người dân.
Với áp lực ngày càng gia tăng với các Chính phủ và các ngành công nghiệp, đòi hỏi phải thay đổi cùng những phong trào ở cơ sở nhằm thay đổi hành vi con người, chúng ta có thể giải quyết bất kỳ thách thức nào. Cũng giống như sự cải thiện của lỗ thủng tầng ozone, nhân loại có thể cùng nhau giải quyết nhiều biểu hiện kinh khủng khác đang đe dọa trực tiếp tới sinh kế tương lai của chúng ta.