Sám hối trong đau đớn
Trong lần gặp này, tôi không nhận ra Trình. Bởi tử tù này gầy hơn quá nhiều so với lần trước đây tôi đã từng gặp. Trình gầy đi đến hơn chục kg. Tôi ngạc nhiên trước sự gầy gò, hom hem của Trình. Bình thường, nhiều tử tù vào trại đã béo, trắng ra.
Như hiểu được thắc mắc của tôi, trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, người quản giáo trực tiếp quản lý các buồng giam của tử tù tại trại giải thích: "Tử tù Trình gầy hơn trước nhiều thật. Nhà báo tinh ý quá, vẫn nhớ được từng tử tù đã gặp. Tử tù Trình vừa trải qua cú sốc lớn. 4 năm trong buồng biệt giam, "thằng bé" (từ mà quản giáo âu yếm gọi những tử tù ngoan, chấp hành tốt quy định của trại tạm giam - PV) chưa chửi, oán thán ai.
Qua theo dõi, tôi chỉ thấy nó lặng lẽ, khóc và suy sụp. Nó sám hối như thế là rất đáng thương. Nó đang chờ đơn xin tha tội chết...". Tôi cũng đã đi nhiều nhưng chưa thấy cán bộ nào nói về "sự ngoan" của tử tù như trung tá Hùng. Chắc chắn, tử tù Trình phải rất đặc biệt thì quản giáo mới nhận xét như vậy. Đúng như tôi nghĩ, trung tá Hùng nói: "Tử tù Trình là con liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng... Trình buồn vì gia đình mình như vậy mà mình lại phạm trọng tội. Nó suy sụp vì thế".
Ngồi trò chuyện trực diện với Trình, tôi thấy, lúc nào đôi mắt tử tù này cũng chực khóc. Rất lặng lẽ, Trình kể về gia đình với nỗi đau âm thầm - mà người trò chuyện cảm nhận được rất rõ. "Em sinh năm 1980. Em là anh lớn trong gia đình, dưới em còn 2 em. Cha là thương binh, sau đó, cha phát bệnh, mất nên là liệt sỹ. Gia đình em ở địa phương là gia đình chính sách, có công với cách mạng.
Lớn lên, ba ốm yếu, em phụ giúp mẹ, làm đủ mọi việc để cáng đáng gia đình cùng mẹ, lo cho các em ăn học. Em chưa hư hỏng lần nào, không tiền án, tiền sự. Trong con mắt của gia đình, họ hàng, làng xóm, em là đứa con ngoan. Khi em bị bắt, bị xử tử hình, mẹ em đã suy sụp và em cũng suy sụp theo. Em thương mẹ và 2 đứa em vô cùng. Cũng may, 2 em của em rất ngoan, giờ đã có công việc ổn định nên mẹ cũng đỡ đau đớn hơn".
Tử tù Trình đang trao đổi với PV báo ĐS&PL.
Trình cho biết: "Hàng tháng, mẹ vẫn vào thăm em. Nếu ngày được thăm là ngày nghỉ, ngày lễ thì cả em gái, em trai nữa. Vì 2 đứa em đi làm nên nếu ngày thăm em ở trại là ngày thường thì các em không đến được. Sau mỗi lần mẹ và em đến thăm, về buồng giam, em nghĩ nhiều lắm.
Em khóc một mình, đôi lúc khóc không thành tiếng. Em giận mình vì quá nông nổi, quá bị kích động và lúc đó có một chút men rượu. Em gửi lời tới các bạn thanh niên, đừng uống rượu, rượu làm người ta không kiềm chế được bản thân, dẫn tới hậu quả khôn lường. Nếu em không uống rượu trước đó, chắc chắn, tình huống ấy, em sẽ hành động khác".
Theo trung tá Hùng thì, Trình không phải là kẻ giết người máu lạnh, điên cuồng hay phạm tội đến cùng... Chỉ vì va chạm, trong lúc đánh nhau rất đông người, Trình đã đâm người. Thấy nạn nhân gục xuống, Trình đưa đi cấp cứu chứ không bỏ mặc...
Sau đó, mẹ Trình cũng đã đến thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân. Cộng với tình tiết gia đình có công với cách mạng, trước khi phạm tội có thân nhân tốt, đơn xin tha tội chết của Trình gửi lên Chủ tịch nước được ân chuẩn, chúng tôi - những người quản giáo không áy náy gì, mà thấy nhẹ nhõm cho một kiếp người.
Xót xa cho chính mình
Nội dung vụ án của Trình cũng rất lạ như chính con người tử tù này vậy. Nó bắt nguồn từ một cô gái mới quen. Trình kể: "Em mới quen cô gái tên là Hường, làm công nhân giày da gì đó, thuê nhà trọ ở quận Lê Chân, TP.Hải Phòng. Em mới quen Hường được vài ngày, chỉ biết mang máng, quê Hường ở Tứ Kỳ, Hải Dương.
Hôm đó, em đi liên hoan cùng bạn bè ở ngã ba Thiên Lôi (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng). Tan tiệc, em gọi điện cho Hường thì thấy người con trai nghe máy. Em và người con trai đó lời qua tiếng lại, hẹn 10 phút sau ra ngoài nhà trọ của Hường nói chuyện. Đến đầu nhà trọ của Hường, em đã thấy nhiều thanh niên cầm hung khí đứng ở bên đường. Em gọi điện cho Hường, Hường không ra mà để thanh niên cầm điện thoại lúc đó ra... Thế là hỗn chiến.
Em không đánh lại thì cũng bị người ta đánh. Biết đối phương có người ngã, em đưa đi cấp cứu. Hơn nữa, chỗ đó đèn rất mờ, lại có mấy cành dừa che lấp nên em không thể điều khiển được hành vi, cứ đâm loạn xạ. Vì không nhìn thấy mặt nạn nhân nên những đêm dài trong buồng biệt giam, em chưa mộng mị về họ bao giờ. Em chỉ tiếc, giá em không uống rượu, chắc chắn em hành động khác. Giấc mơ của em là mẹ, cha, người thân. Cô bạn gái tên Hường thì quá nhạt nhoà. Bây giờ, em không nhớ rõ mặt nữa".
Tôi hỏi: "Cô gái tên Hường đó chắc chắn xinh xắn lắm nên 2 thanh niên mới... thế?". Trình cười, im lặng, đôi mắt ngấn nước. "Thế, cô gái ấy có ra tòa làm nhân chứng, khi em vào trại tạm giam, có đến thăm lần nào không?" - tôi hỏi. Trình im lặng hồi lâu, mặt lộ rõ vẻ bần thần, nhìn thật tội nghiệp.
Trình tâm sự: "Cô ấy không ra tòa làm chứng, cũng chẳng đến thăm hỏi em lần nào. Em không hy vọng vào điều đó, vì em là kẻ có tội. Em mong, cô ấy vì chuyện đó mà đến an ủi, động viên gia đình người thanh niên bị em hại.
Thế nhưng... Mãi sau này, em mới biết, vụ án xảy ra được một thời gian ngắn, cô ấy chuyển đi thuê trọ nơi khác, cũng không đến thăm hỏi gia đình người thanh niên bị hại. Em chưa chối tội bao giờ. Em chỉ mong mọi người nhìn em bằng cái nhìn đúng, bao dung hơn và đừng kỳ thị hay xa lánh người thân của em. Em thấy xót xa cho chính mình, cho cả người đã khuất. Giữa chúng em không có mâu thuẫn gì, thậm chí chẳng biết mặt nhau. Em vì rượu, vì nông nổi tuổi trẻ đã gây án mạng, còn người bị hại cũng nông nổi chẳng kém... Em nói thật lòng".
Tâm sự này của Trình, đáng để những nam thanh, nữ tú suy ngẫm, từ đó chọn cho mình cách sống tốt hơn.
Những cái tết cắn xé tim, gan
Trình bộc bạch: "Em vào trại đến tết này là 4 năm rồi. Bình thường ở ngoài, em là người lo tết cho cả nhà. Tết nghèo như nhà em đơn giản lắm nhưng ấm cúng. Em vẫn nhớ như in cảm giác khó tả nhưng hạnh phúc của bản thân khi cả gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm tất niên, đêm 30 tết. Sau 1 năm mệt mài làm việc, chiều 30 tết, cả gia đình đi thăm mộ bố, đêm 30 tết, cả nhà ngồi chơi, chờ giao thừa... anh không thể hiểu được cảm giác của một người con lớn trong gia đình, đã lo được tết cho gia đình nó khó tả như thế nào đâu...".
Nghe Trình tâm sự, tôi cũng ứa nước mắt và hiểu rằng, tử tù này rất phục thiện. Chỉ vì phút nông nổi của tuổi trẻ mà gây ra tội lỗi. Gây ra tội rồi, Trình không trốn tránh mà dám đối mặt với tội lỗi của mình. Đây là điều không phải thanh niên nào cũng làm được.
Trình phân trần: "Lúc nào em cũng cố gắng để những lần mẹ vào thăm, mẹ yên tâm về em. Em đang chấp hành tốt các quy định của trại để mong được thưởng vào dịp tết này. Đó là được thưởng thêm 1 lần mẹ vào thăm, đúng dịp tết". Theo Trình, tết ở trại khác ở ngoài là không được tự do nhưng vẫn có đầy đủ bánh kẹo, hoa quả. Ngày tết, còn được cán bộ quản giáo, giám thị trại lì xì.
Trình nói: "Các thầy trong trại luôn động viên em cố gắng chấp hành thật tốt để có cơ hội làm lại. Em nghĩ thấu rồi, tội lỗi em gây ra như thể nghiệp chướng của đời người vậy. Em chưa đánh nhau bao giờ. Chỉ một lần đánh là thành tội lỗi. Em rất mong các bạn thanh niên sống biết kiềm chế, đừng như em mà làm khổ nhiều người, huỷ hoại tương lai bản thân...".
Lê Anh Tuấn