Ở tình thế "cấp bách" này, ngày 18/8/1945 Bộ Nội vụ Nhật đã ban hành một văn bản gửi xuống các địa phương yêu cầu giới chức cảnh sát các tỉnh nhanh chóng thiết lập hệ thống nhà thổ phục vụ cho nhu cầu của lính Mỹ. Khi đó ở Nhật, người ta đã gọi những phụ nữ ở các nhà thổ này với cái tên: "Phụ nữ giải khuây".
"Điều xấu hổ và sỉ nhục"
Kỹ nữ tại các động do RAA thành lập sau chiến tranh Thế giới thứ hai
Sau khi đầu hàng Đồng minh và Mỹ ồ ạt tiến quân vào Nhật, tỷ lệ phụ nữ bị cưỡng bức của nước này tăng lên chóng mặt, tạo nên sự phẫn nộ khủng khiếp trong dư luận. Trước tình thế vô cùng cấp bách, quan chức cảnh sát và giới thương gia Nhật đã nhanh chóng thiết lập một hệ thống nhiều nhà thổ dưới sự đỡ đầu của Hiệp hội tiêu khiển và giải trí (RAA), do Chính phủ nước này rót tiền hoạt động. Tuy là sản phẩm của cảnh sát và chính quyền địa phương nhưng hệ thống nhà thổ trên hoàn toàn giống những trạm mua vui do quân đội Nhật thiết lập ở nước ngoài.
"Câu lạc bộ nước ngoài cần tuyển nhân viên nữ tuổi đời từ 18 đến 25, ngoại hình khá. Bao ăn ở, quần áo và lương cao"- Đó là những gì người ta đọc được trong các tờ rơi, thông báo được rải khắp Tokyo sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Và chỉ trong 3 tháng đã có hơn 6 vạn phụ nữ ứng tuyển vào vị trí này.
Trong kế hoạch ban đầu được Chính phủ Nhật và giới cảnh sát nước này tính toán, việc xây dựng hệ thống nhà thổ để phục vụ cho lính Mỹ sẽ có chi phí khoảng 50 triệu yên. Đối với một đất nước vừa chiến bại sau cuộc đại chiến, chi phí này tại thời điểm đó được cho là quá khủng khiếp. "Tuy nhiên, lấy từng đó tiền để đổi lấy sự trinh tiết và danh dự cho phụ nữ Nhật thì không lớn chút nào"- Một quan chức cao cấp trong giới cảnh sát Nhật khi đó cho biết.
Ngày 26/8/1945, Hiệp hội tiêu khiển và giải trí (RAA) đã chính thức thành lập tại thủ đô Tokyo và địa điểm thích hợp nhất cho việc mở nơi "mua vui" là các khu ký túc xá dành cho các sĩ quan độc thân. Theo hồ sơ tại đồn cảnh sát tỉnh Ibaraki hồi đó có ghi lại rằng: "Điều đáng xấu hổ và sỉ nhục nhất đối với cảnh sát của chúng tôi đã phải thiết lập các trạm giải khuây cho lực lượng tiếp quản". Cũng theo con số của Bộ Nội vụ Nhật thống kê thì đến cuối năm 1945, RAA đã tuyển hơn 70.000 phụ nữ để phục vụ cho nhu cầu tình dục của lính Mỹ.
Sự cùng cực của những "phụ nữ giải khuây"
Cũng có nhiều trường hợp thiếu nữ trẻ sau khi đọc được thông tin tuyển dụng từ Chính phủ qua tờ rơi mà trên các tờ báo lớn của Nhật đã nhanh chóng nộp đơn ứng tuyển và không lâu sau đó họ bị biến thành gái điếm trong sự nhục nhã và tủi hổ. Rất nhiều cô gái cả tin cho rằng, công việc của họ chỉ là nhân viên mua vui như những gì người ta đăng tuyển, tuy nhiên khi biết bị lừa và dồn ép trở thành gái bán dâm, nhiều cô gái Nhật đã nhảy lầu tự tử.
Lính Mỹ xếp hàng chờ đến lượt tại các nhà thổ
Trước khi những nhân viên đặc biệt bắt đầu công việc của mình, RAA đã cấp miễn phí cho họ quần áo, chăn màn, đệm, thực phẩm và những nhu yếu phẩm cần thiết khác cho cuộc sống. Đồng thời họ cũng được hướng dẫn sử dụng và phát không bao cao su nhằm ngăn chặn các bệnh lây lan qua đường tình dục. Cũng theo chỉ đạo của RAA, mỗi một lính Mỹ khi có nhu cầu đến các nhà thổ do RAA lập nên cũng được phát bao cao su kèm theo vé.
Nhà thổ đầu tiên của RAA là Komachien có 38 phụ nữ, nhưng con số này tăng lên đến 100 do nhu cầu quá cao. Theo số liệu được ghi lại tại thời điểm đó, mỗi ngày một phụ nữ phải tiếp đến 15 - 60 khách. Cũng chẳng ngạc nhiên khi nhiều lính Mỹ siêng năng đến nhà thổ như vậy khi giá cho mỗi lần mua vui chỉ có 15 yên (khoảng 1 USD), tức bằng nửa giá tiền một gói thuốc lá.
Theo hồi ức của một nhân viên đặc biệt bị ép buộc làm kỹ nữ cho biết: "Mỗi người trong chúng tôi bị dồn vào một căn phòng nhỏ u ám với thứ ánh sáng lờ mờ. Một khi đã vào đó là chúng tôi phải phục vụ cật lực không kể ngày hay đêm. Họ- chỉ những người lính Mỹ đứng xếp hàng và chờ đợi đến lượt bằng cách nhai kẹo cao su liên hồi. Nhìn cảnh tượng đó cứ như người ta xếp hàng chờ mua vé xem phim vậy".
"Tôi không biết là mình phải làm công việc đó, tuy nhiên những ngày đầu tiên tôi đã gào thét và kêu khóc suốt đêm nhưng không ai cứu chúng tôi. Đến khi tôi biết được rằng mình đã bị lừa thành món hàng để họ chà đạp thì đã quá muộn. Có ngày tôi phải tiếp đến 55 lính Mỹ. Nhiều người đã không chịu được nhục nhã nên đã tìm con đường chết, nhưng những người còn lại thì nghĩ tới gia đình nên họ tiếp tục chấp nhận cuộc sống địa ngục đó" - một phụ nữ đã từng bị lừa để trở thành nhân viên của RAA chua chát nhớ lại.
Từ khi thành lập cho đến cuối năm 1945, công việc làm ăn của Hiệp hội tiêu khiển và giải trí (RAA) đã rất phát đạt. Một phần nguyên nhân là giá cả của những "phụ nữ giải khuây" này quá rẻ mạt, hơn nữa số lính đóng quân của Mỹ tại Nhật đã tăng lên gần 400.000 người, mà đa phần trong số này là lính trẻ chưa có gia đình. Vì thế từ con số nhỏ nhoi lúc sơ khai, chỉ vài tháng sau, RAA đã cung cấp ra thị trường 70.000 gái mại dâm để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của lính Mỹ.
Cùng với vịệc làm ăn phát đạt của hệ thống nhà thổ do RAA quản lý, một loạt những động khác không nằm trong sự điều khiển của Hiệp hội tiêu khiển và giải trí này đã mọc lên nhan nhản như nấm mọc sau mưa. Vì nhu cầu tăng quá cao nên đến khi tuyển tiếp những đợt nhân viên mới, RAA không còn yêu cầu quá cao về hình thức nữa mà những cô gái bình thường vẫn có thể ứng tuyển.
Khi tội đồ thành "nạn nhân"
Một điểm đáng ngạc nhiên là giới chức Mỹ biết rõ rằng hầu hết các phụ nữ làm việc trong những "động" do RAA lập nên đều bị ép buộc vào con đường nhơ nhuốc, tuy nhiên họ vẫn làm ngơ. Không những thế, lãnh đạo Mỹ tại Nhật khi đó còn xây hẳn các trạm phòng bệnh kế bên các nhà thổ RAA để kịp thời cung cấp thuốc penicillin (dược phẩm trị các căn bệnh như lậu và giang mai) cho gái điếm. Chỉ đến khi tỷ lệ quân lính Mỹ mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục tăng cao, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Nhật khi đó là tướng Gregory Peck đã yêu cầu Chính phủ Nhật phải đóng cửa những động mại dâm vẫn hoạt động tại nước này.
Lo sợ rằng nếu đóng cửa các "động" của RAA thì phụ nữ Nhật có nguy cơ bị làm hại cao, Chính phủ nước này vẫn lần lữa không thực hiện đề nghị từ phía Mỹ với lý do: bất ổn sau chiến tranh. Đến ngày 25/3/1946, một lần nữa tướng Douglas MacArthur, Phó chỉ huy quân đội Mỹ tại Nhật lúc đó, đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ nhà thổ với lý do là hơn 1/4 lính Mỹ tại Nhật - những tội đồ của nạn "phụ nữ giải khuây" - lại trở thành những "nạn nhân" khi bị mắc các bệnh truyền qua đường tình dục. Hệ thống RAA nhanh chóng sụp đổ, giải phóng hàng chục ngàn phụ nữ Nhật ra khỏi cảnh lao động tình dục khổ sai.
Hải Hiền