Ngày 26/3, UBND TP.Đà Nẵng đã công bố quyết định cho 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, đóng trên địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang hoạt động trở lại. Quyết định này của chính quyền vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân địa phương.
Theo quyết định này, UBND TP.Đà Nẵng giao sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành các thủ tục theo quy định để hủy bỏ chủ trương quy hoạch, di dời, giải tỏa khu vực lân cận 2 nhà máy trên. Đồng thời, chỉ đạo viện Quy hoạch xây dựng TP tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch, sử dụng đất tại khu vực 2 công ty này và báo cáo UBND TP xem xét trong tháng 5/2018.
Ngoài ra, UBND TP.Đà Nẵng cũng thông báo thống nhất cho phép 2 nhà máy thép hoạt động sản xuất thép trở lại kể từ ngày 26/3, để xử lý những tồn tại liên quan của doanh nghiệp và giảm thiểu các thiệt hại phát sinh. UBND TP yêu cầu 2 công ty trên tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, không thực hiện việc mở rộng hoạt động sản xuất, không giao kết hợp đồng mua nguyên vật liệu là phế liệu để sản xuất thép.
Theo ghi nhận của PV, sau khi UBND TP.Đà Nẵng công bố quyết định trên, người dân sinh sống quanh khu vực 2 nhà máy thép đã đồng loạt phản đối. Anh Lê Văn Vĩnh, trú tại thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên cho hay, nếu 2 nhà máy hoạt động trở lại thì đồng nghĩa ô nhiễm lại thường trực. Theo anh Vĩnh, nên di dời hết dân hoặc di dời nhà máy xong xuôi rồi mới cho phép nhà máy hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, trú tại thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên cho rằng, việc cho nhà máy thép hoạt động trở lại là bất hợp lý. Các cơ quan chức năng nên trưng cầu ý dân trước khi đưa ra quyết định. Các hộ dân cũng cảnh báo rằng, họ sẽ lại vây cổng nhà máy phản đối như lâu nay.
"Chỉ trong vòng 1 tháng mà lãnh đạo TP.Đà Nẵng từ yêu cầu dừng hoạt động đến cho hoạt động lại thì “tiền hậu bất nhất", khiến người dân lo ngại về nguy cơ ô nhiễm trong tương lai. Mấy ngày nay vẫn thấy nhà máy nhập nguyên liệu. Nếu TP cho công ty hoạt động thêm 6 tháng, chúng tôi sẽ phản đối. Chúng tôi đợi lâu quá rồi”, anh Hoàng, trú tại thôn Vân Dương 1 nói.
"Tôi ở cách nhà máy 40m, đến nước máy cũng ô nhiễm nặng nề. Hơn 10 năm nay, người dân vẫn hết sức "chia sẻ" với chính quyền nhưng đến lúc này chưa có quyết định gì rõ ràng. Người dân cần những quyết định dứt khoát", một người dân sống cạnh khu vực 2 nhà máy trên cho biết.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho hay, UBND TP đã giao sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai các phương án để người dân sản xuất lại trên đất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các nhà dân bị hư hỏng, UBND TP đã giao UBND huyện Hòa Vang trực tiếp xử lý; còn về vấn đề môi trường, TP cũng đã giao sở Tài nguyên và Môi trường sớm có biện pháp xử lý.
"Hôm nay, các ý kiến của người dân sẽ được ghi nhận vào biên bản và chắc chắn được xử lý kịp thời. Tôi mong muốn người dân ủng hộ chủ trương của ban Thường vụ Thành ủy và quyết định của UBND TP để có các bước đóng cửa nhà máy theo đúng quy trình của pháp luật", ông Hồ Kỳ Minh nói.