Chạnh lòng
Trải qua nhiều thăng trầm của đời nghệ sĩ, NSND Thanh Hoa vẫn giữ trong mình một niềm đam mê cháy đỏ với âm nhạc dân gian. Giọng ca của cô gái Hà thành năm xưa đã làm đắm say không biết bao thế hệ khán giả và đến nay vẫn thế. Với những luyến láy ngọt ngào của các câu hát dân ca, người nghệ sĩ ngoại lục tuần vẫn đứng trên sân khấu và hát như "rót mật vào tai" khán giả. Chỉ khác có một điều, bây giờ bà không chỉ hát để cống hiến mà còn hát để đền ơn, trả nghĩa khán giả và hơn nữa là để quảng bá những làn điệu dân ca đó cho bạn bè quốc tế và cho chính những người dân Việt Nam.
Suốt buổi trò chuyện, NSND Thanh Hoa chủ yếu nói về văn hóa cội nguồn, một vấn đề mà bà trăn trở. "Tôi nhận ra rằng văn hóa của chúng đã đang đi lên nhưng đâu đó vẫn còn lộn xộn. Trong tiến trình đi lên ấy luôn diễn ra những cuộc tranh đấu để thanh trừ những cái xấu để bảo vệ cái đẹp, trong những lúc như thế, mình cần phải thấy rõ cả xấu và đẹp. Câu chuyện về âm nhạc cũng theo trình tự đó. Hiện nay, âm nhạc của thế giới đang ồ ạt "tấn công" vào Việt Nam và các bạn trẻ ngẫu nhiên trở thành công cụ thí nghiệm cho sự tấn công ồ ạt đó. Tôi cho rằng các bạn ấy khó có thể tự mình chắt lọc ra những điều hay dở từ những cuộc tự vật lộn. Vì thế, không nên đánh giá các bạn tại sao lại thích nhạc Hàn Quốc, thích ăn mặc nhố nhăng hoặc làm mọi cách để được chú ý. Thái độ hâm mộ thái quá của các bạn trẻ với các ban nhạc Hàn Quốc hay các ca sĩ hải ngoại khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi luôn hi vọng các bạn vẫn nhớ về cội nguồn, tìm lại các nét đẹp của văn hóa Việt Nam để bảo tồn và duy trì nó", NSND Thanh Hoa nói.
"Tôi luôn hy vọng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ hiểu và yêu nét đẹp -hay - độc đáo của âm nhạc đồng quê Việt Nam" (NSND Thanh Hoa).
Cảm thông
Tuy nhiên, đứng ở góc độ một nghệ sĩ luôn hết lòng với âm nhạc truyền thống, nữ NSND phân tích: "Tôi cho rằng khó có thể trách được khi các bạn chưa yêu âm nhạc truyền thống, đơn giản vì các bạn chưa tìm hiểu về nó. Vì ngay cả một người làm văn hóa chưa chắc đã biết đặc trưng dân ca của từng miền: Miền nào có nhiều dân ca nhất, miền nào có cái lạ nhất hay mỗi miền thì có bài nào hay? Thậm chí một ca sĩ chuyên nghiệp cũng chưa chắc đã biết dân ca quan họ khác với dân ca Nam bộ ở điểm nào? Hay dân ca miền Trung có điểm nào đặc biệt? Khi người ta không hiểu, người ta không thể yêu được. Vì thế các bạn trẻ cần trở lại học những nét văn hóa cội nguồn. Tuy vậy, cũng khó cho lớp trẻ khi cả trăm kênh truyền hình không có lấy một chương trình dạy dân ca, may ra vài năm mới có một cuộc thi ào ào chẳng ai để ý. Như thế cần có một chủ trương để truyền bá văn hóa dân tộc cho quần chúng".
Để dẫn chứng cho những lý lẽ của mình, NSND Thanh Hoa kể về một kỉ niệm đi diễn tại Nhật Bản. Năm 2005, bà được các trường đại học Nhật mời sang chỉ để hát 3 bài dân ca của 3 miền cho sinh viên Nhật nghe. Bà chọn những bài tiêu biểu nhất như miền Bắc là bài "Còn duyên", miền Trung là "Giận mà thương" còn dân ca Nam bộ bà hát "Lý ngựa ô". "Họ mời tôi sang chỉ để hát 3 bài hát ấy cho hơn 10 trường đại học để sinh viên thấy rằng dân ca 3 miền của Việt Nam khác nhau thế nào. Như thế chứng tỏ rằng người ta rất chú trọng đến văn hóa dân tộc", bà chia sẻ.
Một dẫn chứng khác khi bà tham gia chương trình "Những ngày văn hóa Việt Nam" ở Hàn Quốc, bà vào một quán vỉa hè và hát vu vơ một bài hát dân ca của Hàn. Khi bà vừa cất tiếng thì bà bán hàng vui vẻ hát theo cả bài hát đó rồi còn phân tích cho nghệ sĩ biết bài hát này xuất xứ ở đâu, ra đời từ bao giờ. "Điều này khiến tôi rất ngạc nhiên. Bà bán hàng còn nói các em học sinh tiểu học đã được dạy rất kĩ những bài hát dân ca của đất nước Hàn Quốc chứ không học nhạc lý "đồ, rê, mí" như nước mình. Tôi nói thật, học sinh trường nhạc học 7 năm cũng chưa chắc đã tự xướng âm được, dạy như thế vừa giáo điều mà lại không sâu. Nói như thế để thấy rằng không phải các bạn trẻ không có chút lỗi nào nhưng họ lại bị động trong việc tiếp thu và lựa chọn. Việc giáo dục văn hóa cội nguồn ở nước ta không phải không có mà có nhưng không hấp dẫn", NSND Thanh Hoa thẳng thắn chia sẻ.
NSND Thanh Hoa.
Hy vọng
Với tâm niệm có thể đền đáp lại tình cảm của khán giả dành cho mình, nữ NSND luôn trăn trở để xây dựng một môi trường phục vụ cho những người yêu âm nhạc truyền thống và đến bây giờ, bà rất vui khi nhận được những phản hồi tích cực của khán giả. Dự án của bà có tên "Âm sắc Việt", với mục đích dần dần đưa văn hóa cội nguồn vào cộng đồng thông qua các buổi hát xẩm, chầu văn, ca trù... tất cả đều mở cửa miễn phí. Tuy nhiên, bà cũng chia sẻ: "Có một điều lạ là từ khi mở cửa đến nay, chúng tôi thấy đa số là khách nước ngoài đến xem để tìm hiểu. Tại sao khi cả thế giới công nhận những nét văn hóa đó là di sản phi vật thể của thế giới, các buổi biểu diễn đều đông nghịt du khách nước ngoài mà chính người Việt Nam lại không yêu thích những làn điệu tuyệt vời này".
NSND Thanh Hoa cho biết, bà cũng đang ấp ủ thực hiện rất nhiều chương trình để quảng bá văn hóa cội nguồn nhưng dường như tất cả đều "quá sức" khi bà không nhận được nhiều sự ủng hộ, ví dụ như dự án dạy dân ca trong nhà trường bà đã thực hiện thí điểm ở trường Marie Curie. Sau khóa học 3 tháng, các thầy cô cũng như các em học sinh đều thích thú với những buổi học do chính Giáo sư Dương Viết Á, NSƯT Hồng Liên hay các nghệ nhân quan họ trực tiếp đứng lớp. Tuy nhiên, mô hình này cũng không thể "trụ" lâu được vì những khó khăn về tài chính. "Không thể nhờ các nghệ nhân từ Bắc Ninh lên đây dạy rồi trả họ 100 nghìn một buổi được", NSND Thanh Hoa giải thích: "Tôi có rất nhiều dự án để quảng bá văn hóa cội nguồn nhưng cái nào cũng to lớn mà một mình tôi không thểt thực hiện", NSND Thanh Hoa thú nhận - lực bất tòng tâm.
Nói vài từ về bản thân mình, nữ NSND chia sẻ: "Khi đã ở độ viên mãn của cuộc đời, NSND Thanh Hoa nghiệm ra rằng, người nghệ sĩ phải chấp nhận cả yêu và ghét của khán giả. "Khán giả sẽ dành những lời khen tặng khi họ yêu mến mình và sẽ chê khi cảm thấy không thích. Nếu tất cả đều yêu mình hết thì thật vô lý, chẳng có ai hoàn hảo đến độ không có lấy một người ghét. Và cả hai thái cực tình cảm đó đều thể hiện sự quan tâm. Khán giả có ghét mình thì vẫn chứng tỏ họ quan tâm, còn nếu họ ghét đến độ không thèm nói thì đó mới là một điều kinh khủng", NSND Thanh Hoa chia sẻ suy nghĩ về cuộc đời người nghệ sĩ. Tuy nhiên, bà cho rằng, người nghệ sĩ vẫn được yêu nhiều hơn bị ghét, bằng chứng là họ được công chúng nhìn bằng con mắt vị tha hơn".
"Tôi vẫn nhớ lời bố tôi dặn dò khi bắt đầu nghiệp cầm ca: "Chỉ khi nào giọng hát của con không đủ thuyết phục thì con mới phải cần đến sự hỗ trợ của chân tay". Câu nói tuy giản dị nhưng tôi thấy rất chuẩn xác. Có thể điều đó chỉ đúng với thời của tôi, còn bây giờ hình như lớp trẻ đi theo thói quen, cứ hát là phải ngọ nguậy. Và tôi cũng vậy, khi nghe các bạn trẻ hát tôi cũng nhún nhảy theo, có lẽ đã trở thành phản xạ", NSND Thanh Hoa tâm sự. |
Xuân Hoàng